Tạm biệt khái niệm “đúng sai”, học cách “tự lực cánh sinh”, hòa nhập mà không “hòa tan”… là những điều có thể bạn chưa nghĩ tới khi chuẩn bị bước vào môi trường đại học quốc tế.
1. Tạm biệt khái niệm “đúng sai”
Thay vì đưa ra một câu trả lời cụ thể, các giảng viên đại học quốc tế sẽ đặt vấn đề để cả lớp cùng nhau tìm hiểu và nêu ý kiến riêng. Mỗi sinh viên đều có quyền trình bày và “đấu tranh” bảo vệ quan điểm của mình bằng những lập luận, dẫn chứng thuyết phục. Ngược lại, các bạn cũng phải học cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau.
Cách dạy học dựa trên tinh thần tôn trọng ý kiến cá nhân, khuyến khích sinh viên phát triển tư duy biện luận cũng được giảng viên áp dụng trong cách chấm bài và đánh giá thành tích. Thay vì cố gắng tìm câu trả lời đúng ý thầy cô, sinh viên ở môi trường quốc tế phải tích cực tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra câu trả lời “chính chủ”, thể hiện quan điểm của bản thân với lập luận chặt chẽ, thuyết phục.
2. Học cách “tự lực cánh sinh”
Nếu đã quyết định “dấn thân” vào môi trường đại học quốc tế, sinh viên sẽ phải làm quen với tinh thần tự lập trong việc học: chủ động đặt mục tiêu cho việc học và chủ động lên kế hoạch để đạt được mục tiêu đó. Ngoài giờ lên lớp với thầy cô giáo, sinh viên phải tự sắp xếp quỹ thời gian cho việc nghiên cứu, họp nhóm, hoàn thành bài luận, trau dồi kiến thức.
Bạn cũng đừng hoảng loạn nếu thấy mình chưa đủ các kỹ năng cần thiết. Một môi trường đại học quốc tế đúng nghĩa sẽ có hệ thống hỗ trợ tối ưu, giúp học viên rèn luyện những kỹ năng cần có để theo đuổi mục tiêu của mình. Chẳng hạn nếu yếu kỹ năng nghiên cứu, sinh viên có thể tham gia các buổi học về cách tìm dữ liệu, chọn lọc và sắp xếp dữ liệu, áp dụng đúng luật những dữ liệu này vào dự án của mình.
Hệ thống cơ sở vật chất hiện đại ở các trường đại học quốc tế, bao gồm thư viện, hệ thống dữ liệu trực tuyến, phòng học đa chức năng… đều được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ sinh viên tự học và phát triển một cách tối đa.
3. Hòa nhập nhưng không “hòa tan”
Các hoạt động nhóm thường chiếm một phần không nhỏ trong trải nghiệm học tập ở đại học quốc tế. Không chỉ dừng lại ở các bài tập thực hành, thuyết trình bắt buộc trong chương trình học, sinh viên còn phải vận dụng kỹ năng làm việc nhóm khi tham gia các hoạt động câu lạc bộ, phong trào.
Một điều cần lưu ý trong hoạt động nhóm ở môi trường đại học quốc tế chính là tư duy phản biện – khả năng nhìn nhận, phân tích sự việc từ nhiều hướng. Trong mỗi hoạt động nhóm, sinh viên cần phát triển quan điểm riêng, biết đóng góp quan điểm này đúng cách, đồng thời cũng cần biết lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của người khác. Chỉ với suy nghĩ này, sinh viên mới có thể tìm đến một giải pháp hiệu quả nhất cho mục đích chung của nhóm mình.
Nếu không thể nói lời tạm biệt với sự nhút nhát, thói quen lười tư duy hoặc suy nghĩ một chiều và bắt đầu học cách làm việc nhóm chuyên nghiệp, sinh viên sẽ gặp không ít khó khăn trong việc hòa nhập vào môi trường học tập quốc tế.
4. Đừng quên “tận hưởng” cuộc sống sinh viên đúng nghĩa
Cuối cùng, đừng quên rằng cuộc sống sinh viên không chỉ có việc học! Tại các trường đại học quốc tế, sinh viên luôn được khuyến khích tham gia các hoạt động thể dục thể thao, thiện nguyện, sự kiện do trường tổ chức… để phát triển một cách toàn diện về mặt kỹ năng, thể chất lẫn tinh thần.
Hệ thống câu lạc bộ sinh viên phát triển mạnh mẽ ở các trường đại học quốc tế cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống sinh viên. Đây không chỉ là cơ hội để các bạn sinh viên “biến ước mơ thành hành động” và khởi động những dự án “để đời”, mà còn là khởi đầu cho những tình bạn đẹp, đậm chất sinh viên.
P.V (DNSGCT)