Tinh gọn ngôi nhà cũng như cuộc sống của bản thân để tận hưởng nhiều niềm vui thiết thực. Nghệ thuật lấy “ít” làm “nhiều”, sống thanh thản như người Thụy Điển đơn giản đến mức kinh ngạc.
Khi còn nhỏ, tôi thấy bà ngoại cứ khóc, tháng này qua tháng nọ, ôm từng cái áo của người ông vừa mất. Ngôi nhà hơn phân nửa số đồ của ông, bà không nỡ vứt cái nào, từ chiếc xe đạp ngang, đài radio cũ chỉ còn nghe tiếng rè rè… bà tôi cứ chìm dần trong miền ký ức xưa cũ với những món đồ của ông mà bà không thể dùng đến cũng không nỡ vứt đi.
Đồ mới chẳng có nơi để thêm vào, ngôi nhà trở nên gần giống một nhà kho, thiếu tiện nghi và hỗn độn. Tôi trộm nghĩ, nếu ông còn sống, ông có muốn nhìn bà tôi như vậy không?
Chúng ta thường chú trọng những việc mình còn sống mà quên rằng khi ta bước sang hành trình mới, những người mà ta luôn yêu thương vẫn ở đây. Họ sẽ đối mặt với tất cả những gì ta để lại, dẫu đó là niềm vui hay nỗi buồn.
Họ cũng là người phải xử lý mọi đồ đạc, vật dụng mà ta không thể mang theo trên “chuyến tàu” của mình. Từ tủ quần áo, nhà kho, bàn làm việc, thư từ, giấy tờ … Đừng để những người yêu thương phải gánh vác việc dọn dẹp nặng nề khi bạn rời xa.
Sống thanh thản như người Thụy Điển như một chiếc chìa khóa để tôi mở giúp bà cánh cửa vượt qua miền nhớ và ký ức, giải phóng bà khỏi mớ hỗn độn vật chất và tâm hồn.
Khái niệm döstädning – dọn dẹp để chuẩn bị trước cho hành trình mới, sẽ hướng dẫn cách tinh giản ngôi nhà và cuộc sống của mình, chỉ để lại những gì thật sự mang lại niềm vui cho bản thân và những người thân yêu.
Đối với quan niệm Á Đông, nhắc đến cái chết luôn là điều cấm kỵ, không may mắn. “Chuyện đó đâu có gì buồn”, tác giả nhẹ nhàng chia sẻ, cái chết không sớm thì muộn, tất cả mọi người, ai cũng đối mặt vậy nên chúng ta chỉ đơn thuần nghĩ đó là một hành trình mới. Tuy nhiên, một số người quá e sợ cái chết và thường để lại mớ hỗn độn sau khi ra đi.
Döstädning không phải khi người ta “gần đất xa trời”, 90, 100 tuổi mới bắt đầu, đó là từ được dùng chỉ hành động dọn dẹp đồ đạc thật cẩn thận, kỹ lưỡng để cuộc sống thoải mái và nhẹ nhàng hơn.
Chúng ta có có thể döstädning mỗi ngày hoặc khi bạn phát hiện ra bản thân không còn chỗ treo quần áo, tủ giầy đầy ứ nự và kệ sách không thể nhét thêm quyển nào, …
Đừng nhầm lẫn döstädning với dọn dẹp nhà cửa, khác nhau rất nhiều ở lượng thời gian và giá trị tinh thần. Döstädning phải dành nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ.
Nhiều người nhạy cảm trong chúng ta thường cảm thấy “vô ơn”, tồi tệ khi vứt đi nhiều món đồ từng có giá trị. Nhưng dành thời gian với món đồ đó lần cuối trước khi cho đi hoặc quyên tặng là một trải nghiệm tuyệt vời để lưu giữ cảm xúc.
Döstädning theo thời gian là cho đi một cách tinh tế như cách mẹ chồng tác giả luôn tặng cho các con, các người cháu những món quà khi họ ghé thăm nhà. Với nghệ thuật döstädning, bà đã lặng lẽ, chậm rãi cho đi rất nhiều thứ một cách tinh tế, đong đầy thương yêu.
Một số câu hỏi khi döstädning đơn giản nhưng hiệu quả, như: Tổ chức từ thiện nào lý tưởng để tặng sách? Bức tranh này không có giá trị thực tế nào nhưng nó đẹp quá. Liệu có ai muốn lấy nó không? Tôi có thể để lại thanh kiếm samura này cho đứa cháu vị thành niên của mình không?
Tác giả cũng gợi ý cách döstädning khi chuyển nhà. Đó là cuộc chiến khó khăn khi phải đấu tranh cái nào nên bỏ đi và giữ lại. Một công ty đấu giá, thu mua đồ cũ có thể xem xét các món đồ bỏ đi và định giá chúng. Rao bán một số món, liên hệ với hàng xóm, người thân xem có bất kỳ đồ nào trong nhà mà họ cần và muốn lấy không.
Nghĩ về ngôi nhà mới và các vật dụng của mình sẽ được bài trí hay sử dụng ở đó rất quan trọng. Đôi khi, không phải là món đồ đẹp nhất mà là món đồ phù hợp nhất.
Tác giả chia sẻ đừng trao những món đồ cho người không thích chúng hoặc không phù hợp với chúng. Đó sẽ là gánh nặng với họ. Họ sẽ khó nói lời từ chối vì nghĩ rằng điều đó sẽ làm tổn thương bạn.
Sống thanh thản như người Thụy Điển ngỡ rất giản đơn nhưng cần thật nhiều điều tinh tế.