Không ít sự kiện bộc phát khiến cho cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại, như việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân vào tháng 2, cuộc chiến sắc tộc bùng nổ ở Myanmar, đất nước vừa hồi phục nền dân chủ, hay những bất ổn trong đời sống chính trị tại Venezuela sau cái chết của Tổng thống Hugo Chavez. Tuy nhiên, quan trọng và lôi cuốn sự chú ý nhiều nhất của cộng đồng quốc tế vẫn là hai điểm nóng tại biển Đông (và Hoa Đông) và Syria, nơi mà cuộc nội chiến tương tàn đã diễn ra cách nay gần ba năm. Nhân loại đang bước vào năm 2014, song hai khu vực này vẫn ẩn chứa nhiều tai họa khôn lường, có thể ảnh hưởng đến hòa bình thế giới.
Căng thẳng tại biển Hoa Đông và Biển Đông
Năm 2013 đã khởi đầu sau khi chính phủ Nhật Bản đã điều đình mua xong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ trước đó bốn tháng (9-2012) và giao cho lực lượng tuần duyên Nhật quản lý. Theo nhận định của các nhà bình luận, với động thái này, Tokyo đã đi trước Bắc Kinh một bước. Ngay sau đó, Tân Hoa xã ra tuyên bố coi hành động của Nhật Bản là “bất hợp pháp” và trong tháng 2-2013, một loạt hành động của Trung Quốc được tiến hành gây thêm căng thẳng trong khu vực như thả phao sát vùng biển do Nhật quản lý, tàu khu trục, tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn quanh hòn đảo tranh chấp, có lúc đã rượt đuổi các tàu đánh cá Nhật Bản hoạt động trong vùng. Phía Trung Quốc cũng tố cáo Nhật Bản tăng gần gấp đôi số lần điều động các chiến đấu cơ xuất kích để đối phó với máy bay của họ. Cuộc khủng hoảng tại vùng biển Hoa Đông được đẩy lên đỉnh điểm khi Trung Quốc thiết lập “Vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) buộc tất cả máy bay các nước khác đi qua vùng này phải khai báo và tuân theo những quy định chặt chẽ do họ đặt ra. Tuy nhiên, ngay sau đó không lâu, pháo đài bay B52 của Mỹ đã bay qua “Vùng nhận diện phòng không” mà không gặp một phản ứng nào. Hành động đó được xem là một loại “thuốc thử” quan trọng đối với Trung Quốc cũng như đối với những nước đang có quan hệ không bình thường với họ.
Một nhóm nghiên cứu Nhật Bản đến khảo sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Trong khi đó, căng thẳng trên Biển Đông lại tỏ ra nguy hiểm hơn. Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines đều có những tuyên bố về chủ quyền trên một số đảo, về vấn đề khai thác dầu khí và quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, đặc biệt là hoạt động của tàu chiến Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Trung Quốc (EEZ). Từ những diễn biến mới nhất, các nhà bình luận đưa ra ba tình huống chính có thể tạo ra xung đột trên Biển Đông. Tình huống nguy hiểm nhất là nguy cơ dẫn đến xung đột khi các hoạt động có vũ trang của Mỹ diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc khiến cho nước này phản ứng lại bằng các biện pháp quân sự. Trong vấn đề này, quan điểm của Washington khá rõ ràng: không có điều nào trong Công ước về luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) hay quy định của một nước có thể phủ định quyền của mọi quốc gia được tiến hành các hoạt động quân sự trên vùng đặc quyền kinh tế, bất luận có sự thỏa thuận hay không của nước ở ven biển. Còn Trung Quốc thì cho rằng các hoạt động thu thập tin tức mà không có sự cho phép của chính quyền ven biển là vi phạm luật Trung Quốc và luật quốc tế. Trong quá khứ cũng đã có nhiều vụ va chạm giữa hai phía: tháng 4-2001 là sự va chạm của chiếc máy bay thu thập tin tức EP-3 của Mỹ và một phản lực chiến đấu cơ F-8 của Trung Quốc gần đảo Hải Nam; năm 2009, một tàu Trung Quốc quấy rối tàu giám sát của hải quân Mỹ hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Sự phát triển của đội tàu ngầm Trung Quốc cũng làm gia tăng nguy cơ xảy ra những xung đột trên biển, như sự kiện tàu ngầm Trung Quốc đụng phải tàu khu trục của Mỹ vào tháng 6-2009. Vì thế, một tính toán sai lầm hay một ngộ nhận cũng có thể làm xảy ra những cuộc đọ súng dẫn đến sự leo thang khủng hoảng về quân sự và chính trị giữa hai nước.
Tình huống thứ hai liên quan đến cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Philippines về khí đốt thiên nhiên, đặc biệt trong khu vực Bãi cỏ Rong (Reed Bank) của Philippines. Các tàu thăm dò khí đốt hoạt động theo các hợp đồng đã ký thường xuyên bị tàu Trung Quốc quấy rối. Việc thi hành Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines năm 1951 cũng có thể khiến Mỹ dính líu vào những bất đồng hay xung đột giữa Trung Quốc và Philippines. Giữa tháng 6-2011, một phát ngôn nhân của tổng thống Philippines tuyên bố rằng trong trường hợp có xung đột quân sự với Trung Quốc, Philippines mong Mỹ sẽ hỗ trợ họ. Những tuyên bố của các giới chức cao cấp Mỹ cho phép phía Philippines tin tưởng rằng họ sẽ cung cấp cho Manila sự hỗ trợ quân sự. Không làm tròn được cam kết này, Mỹ có nguy cơ làm mất niềm tin của các đồng minh và đối tác trong vùng.
Nhà giàn của Việt Nam trên vùng biển Trường Sa
Cuối cùng là tình trạng bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam trong công tác khoan dò dầu khí. Các tàu thăm dò dầu khí của Tập đoàn Petro Việt Nam từng bị tàu Trung Quốc quấy rối trong lúc khảo sát trữ lượng dầu khí trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Dù dưới hình thức nào thì những động thái của Mỹ cũng phản ánh mối quan tâm của Washington trước những quyền lợi của Mỹ có thể bị đe dọa bởi Trung Quốc, trong đó tự do thương mại và tự do hàng hải là những mục tiêu quan trọng bậc nhất.
Cuộc nội chiến Syria và vấn đề vũ khí hóa học
Những rối ren ở Syria khởi đầu từ ngày 15-3-2011, khi những người biểu tình xuống đường đòi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức và giải tán đảng Ba’ath cầm quyền. Họ chống lại “luật khẩn cấp” cho phép bắt giữ, giam cầm các nhà hoạt động chính trị mà không cần lệnh khởi tố, ngăn cản việc thành lập các đảng phái chính trị mới và kiểm soát internet. Phản ứng cứng rắn của chính quyền Assad khiến mọi việc càng tồi tệ thêm và cuộc nội chiến đã bùng nổ, sang năm 2013 thì ngày càng khốc liệt hơn và có những dấu hiệu cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng trong các cuộc giao tranh giữa phe nổi dậy và quân chính phủ. Thực ra vấn đề này không mới. Ngày 23-7-2012, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Syria là Jihad Makdissi tuyên bố là nước này sẽ không bao giờ sử dụng “bất kỳ vũ khí hóa học hay sinh học nào… bên trong Syria” và những loại vũ khí này chỉ dùng trong trường hợp có “sự xâm lăng từ bên ngoài”. Tuy nhiên, ngày 19-3-2013, có dấu hiệu vũ khí hóa học đã được sử dụng trong trận đánh tại làng Khan al-Assal thuộc tỉnh Aleppo, khiến 26 người chết và trên 100 người bị thương. Cả chính quyền Assad lẫn phe nổi dậy cùng phủ nhận trách nhiệm của họ trong sự kiện này. Theo yêu cầu của chính quyền Syria, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon đã chỉ định ông Ake Sellstrom cầm đầu một phái đoàn điều tra, nhưng chính quyền Assad từ chối cho họ nhập cảnh. Động thái này đã tạo ra những phản ứng mạnh mẽ của chính quyền các nước Anh, Pháp, Luxembourg, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Một hình ảnh trong cuộc nội chiến tại Syria
Ngày 19-4-2013, Anh và Pháp cùng tuyên bố họ có những “bằng chứng mạnh mẽ” về việc vũ khí hóa học được sử dụng trong ít nhất một trường hợp. Thiếu tướng Israel Itai Brun thì đoan chắc là chất độc hóa học sarin đã được sử dụng, căn cứ vào các bức ảnh chụp cho thấy nạn nhân bị sùi bọt mép, đồng tử co lại cùng nhiều dấu hiệu không rõ ràng khác. Ngày 13-6-2013, Washington khiến dư luận thế giới chú ý khi tuyên bố sẽ mở rộng sự hỗ trợ quân sự cho phe chống đối tại Syria vì Mỹ “tin chắc” các lực lượng của ông Assad đã sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, tuyên bố của phương Tây đã vấp phải sự chống đối của Nga. Ngày 21-8-2013, một biến động quan trọng xảy ra trong cuộc nội chiến tại Syria: có những dấu hiệu cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Ghouta, ngay bên ngoài thủ đô Damascus. Theo các phim video quay được cùng những báo cáo ban đầu của các bệnh viện, nạn nhân của cuộc tấn công này có những dấu hiệu của sự nhiễm độc chất sarin: co giật, nằm bất động, khó thở, giãn nở đồng tử, chân tay lạnh, sùi bọt mép. Con số nạn nhân bị tử vong có sự sai biệt rất lớn tùy nơi báo cáo, từ 355 người đến 1.429 người. Mỹ và Pháp nhanh chóng quy trách nhiệm cho chính quyền Assad, nhưng nỗ lực này bị hạn chế bởi việc Hạ viện nước Anh bác bỏ đề nghị của thủ tướng Anh Cameron xin sử dụng các biện pháp quân sự chống lại Syria. Với nỗ lực của tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày
6-9-2013, 11 nước phổ biến một tuyên bố chung kêu gọi một phản ứng mạnh mẽ đối với những vi phạm của chính quyền Assad. Tuy nhiên, ông Obama đã không thể thuyết phục được người đồng cấp là tổng thống Nga Putin cùng chống lại chính quyền Syria, và với tư cách hội viên thường trực, Moscow có thể làm tê liệt hoạt động của Hội đồng Bảo an LHQ trong vấn đề này. Trong lúc không khí chiến tranh đang bao trùm và Quốc hội Mỹ chuẩn bị biểu quyết về việc có tấn công Syria hay không thì ngày 10-9-2013, chính quyền Assad đồng ý với một sáng kiến của Nga nhằm đặt kho vũ khí hóa học của họ dưới sự kiểm soát quốc tế nhằm phá hủy chúng, đồng thời chịu gia nhập Công ước về Vũ khí hóa học. Bốn ngày sau (14-9-2013), Nga và Mỹ đạt đến một thỏa thuận khung về việc phá hủy vũ khí hóa học của Syria, hoàn tất vào giữa năm 2014. Một số khó khăn đang được LHQ và Mỹ tìm cách giải quyết, khi cả Nga, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy và Albania đều từ chối việc sử dụng lãnh thổ của họ làm nơi tiêu hủy vũ khí hóa học. Riêng Đan Mạch và Na Uy đồng ý hỗ trợ việc chuyên chở bằng đường biển các loại vũ khí hóa học từ Syria đến nơi tiêu hủy. Cho dù có những nỗ lực trên, vào những ngày cuối năm, Syria vẫn còn là một điểm nóng của thế giới.
Lê Nguyễn tổng hợp