Sáng ngày 10-04, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, quận 1) vừa diễn ra buổi khai mạc tuần lễ Triển lãm “Bên chiến hào”. Đây cũng là những tác phẩm trong số 250 bức ký họa đã in trong cuốn sách “Bí danh Huỳnh Phương Đông” của Nhà xuất bản Mỹ thuật (2022) do Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường biên soạn.
Triển lãm “Bên chiến hào” trưng bày 97 tác phẩm tiêu biểu là những ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, đã vẽ tại chiến trường trong khoảng thời gian từ năm 1963.
Chọn tên con trai thứ hai làm bí danh hoạt động
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông có tên khai sinh là Huỳnh Công Nhãn, sinh ngày 22.4.1925 tại Bình Hòa – Gia Định, nguyên quán Kế An – Kế Sách tỉnh Sóc Trăng. Học tại Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định (École des Arts Appliqués de Gia-Dinh – Tuyển vào năm 1941) và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1963). Ông là họa sĩ – chiến sĩ tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Huỳnh Phương Đông không chỉ là tên gọi của con trai họa sĩ Huỳnh Công Nhãn, mà còn là bí danh của ông từ năm 1963, khi vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam bộ, công tác tại Phòng Hội họa Giải phóng (B11). Sau Ngày Thống nhất đất nước 30.4.1975 đến 2015, ông vẫn dùng bí danh này làm bút danh chính thức để hoạt động mỹ thuật.
Theo sách ghi lại, ông chọn tên con trai thứ hai là Phương Đông theo tên gọi tàu vũ trụ Phương Đông 3. Ông cũng đã có những dòng thông báo đầy yêu thương qua bức thư tay gửi về vợ của ông là bà Lê Thị Thu, rằng:
“… và báo tin cho em anh đã lấy tên con
H.P.Đông làm tên anh suốt thời gian hoạt động
em sẽ viết thư cho anh bằng tên mới…”
Chia sẻ tại sự kiện, con trai cố họa sĩ bày tỏ sự biết ơn về hai tác giả và niềm tự hào về cha của mình: “Hoàng Việt như một người con trai của gia đình chúng tôi. Suốt một năm qua, chúng tôi đã nói chuyện về họa sĩ Huỳnh Phương Đông như nói về một người cha, người ông chung. Tôi cảm nhận được tình yêu của Hoàng Việt dành cho những bức vẽ của cha mình và điều đó khiến tôi có cảm giác mình chia sẻ cùng dòng máu với Việt.
Cha tôi là Huỳnh Phương Đông, tôi cũng là Huỳnh Phương Đông. Tôi tự hào vì cái tên cha chọn đặt cho tôi và chọn cho chính bí danh, bút danh của cha trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật, hoạt động cách mạng của ông. Mọi người vẫn cứ gọi tôi là Huỳnh Phương Đông để cái tên này mãi từ thời vàng son đầy ý nghĩa, hiện hữu mãi với những điều hào hùng, yêu thương.”
Nhiều hình ảnh, thư tay, tư liệu ký ức thời chiến chưa từng được công bố
Bên cạnh những nhân tố tạo nên sức hút và “sức nặng” – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cho cuốn sách, người đọc sẽ dần đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những điều chưa từng công bố của họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Ký họa của người chiến sĩ – họa sĩ trong Triển lãm “Bên chiến hào”, gồm những bức vẽ nhanh bằng chì, bút sắt, mực đen, thuốc nước, phấn màu… tại chiến trường. Đây là những trang sử bằng tranh vô giá, là một tập tài liệu mỹ thuật quý và hữu ích cho việc tìm hiểu nghệ thuật tạo hình trong ký họa kháng chiến.
Cuốn sách chất chứa ký ức cuộc chiến từ năm 1954 đến 1975. Với 548 trang sách được mở ra cùng nhiều thông tin và hình ảnh chưa từng công bố, gồm: 205 bức ký họa chân dung chiến sĩ, đồng chí, đồng nghiệp; 45 bức ký họa sự kiện lịch sử, trên trận địa, vượt đỉnh 2500, vượt sông Serepok, đến con tàu không số, cảnh qua rừng lá, đến Mã Đà, mùa len trâu, cảnh sinh hoạt trong chiến khu, đi đấu tranh, căn cứ, thôn xóm, vùng giải phóng, cảnh chiến trường… và những chuyến đi thực tế.
Bên cạnh đó, với 180 trang nội dung hình ảnh tư liệu, những thư viết tay gửi từ chiến trường của họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã giúp cuốn sách mang sứ mệnh tiếp tục gìn giữ những tư liệu quý về lịch sử và tài liệu mỹ thuật mà gia đình họa sĩ đã lưu giữ hơn 50 năm qua.
Có thể thấy, đây chính là tuần triển lãm gợi nhớ về các cuộc triển lãm Bên chiến hào đã thực hiện trong thời kỳ kháng chiến. Một triển lãm kể về cuộc triển lãm mỹ thuật trong chiến khu từ mười mấy năm trước ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Một ý tưởng để động viên tinh thần đồng đội ngoài mặt trận để cảm nhận được inh thần lạc quan yêu đời của các chiến sĩ, đồng chí, đồng nghiệp… qua những bức ký họa chân dung do họa sĩ Huỳnh Phương Đông ghi lại. Vào những khoảnh khắc của một thời mà hồi đó là những chàng trai, cô gái còn rất trẻ, yêu cuộc sống nhưng kiên cường bất khuất, lạc quan cách mạng và dũng cảm trên chiến trường.
“Tôi vẽ chân dung hàng trăm bè bạn và đồng chí… Nhiều bạn bè của tôi hồi đó là những chàng trai, những cô gái còn rất trẻ, nhưng họ vô cùng dũng cảm trên chiến trường. Tôi có trách nhiệm gìn giữ kỷ niệm về họ”. – Từ những dòng tâm ý của cố họa sĩ – chiến sĩ Huỳnh Phương Đông và “tiếp nối cơ duyên gìn giữ những kỷ niệm đẹp của tập tranh ký họa kháng chiến, chúng tôi biên soạn quyển sách này” – hai tác giả Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường đã chia sẻ tại sự kiện.
Ngoài 250 ký họa được in, tập sách cũng giới thiệu đến độc giả góc riêng tư trong gia đình họa sĩ: những bức thư tình mang nỗi niềm nhớ nhung, lo lắng, động viên lẫn nhau giữa ông và người vợ bị chia cắt hai miền trong suốt 10 năm. Tình cảm da diết qua nỗi lòng tâm sự của chiến sĩ gửi gắm qua từng con chữ vội vàng, qua chân dung trên chiến trường: những ký ức bền bỉ suốt chiều dài lịch sử kháng chiến của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.
Tâm tình thế hệ tiếp nối
“Bí danh Huỳnh Phương Đông” đã nhận được sự đồng cảm của rất nhiều tác giả và họa sĩ đương đại. Nhà báo Hoàng Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ Thuật chia sẻ: “Tranh Huỳnh Phương Đông đa dạng là thế nhưng bất ngờ hơn cả vẫn là phần tư liệu trong bản thảo mang tên Bí danh Huỳnh Phương Đông của đồng tác giả Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường mà tôi được xem”. Nhiều thông tin qua ảnh thời sự, các bức tranh sống động phản ánh cuộc sống và sự nghiệp của họa sĩ Huỳnh Phương Đông trong các thời khắc lịch sử đáng nhớ. Đặc biệt là những bức thư riêng của vợ chồng họa sĩ đã được sự cho phép công bố trong cuốn sách này.
Chia sẻ về quá trình thực hiện quyển sách đầy giá trị lịch sử, giàu ý nghĩa này, bà Đặng Thị Bích Ngân – Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ Thuật, cho biết: “Để thực hiện được cuốn sách này, hai tác giả Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường đã tiếp cận được với nhiều tư liệu riêng, quý giá mà gia đình họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã lưu giữ suốt mấy chục năm qua. Từ đó, Bí danh Huỳnh Phương Đông đã được viết và trình bày theo phong cách mới, sắp đặt các chương mục và các mảng chữ hợp lý bên hình ảnh, tranh vẽ kèm thông tin xúc tích, thu hút người đọc.
Với nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, ông nhận định: Họa sĩ Huỳnh Phương Đông có cái mà người Pháp gọi là Coup de crayon (những nét phác để đời). Nét bút của ông có cái gì đó rất vững vàng, mạnh mẽ mà dâng đầy xúc cảm. Dường như khi ông đặt bút xuống, những cảm nhận mỹ quan đi thẳng từ con tim ông qua ngón tay tràn ra giấy, quyết liệt và dứt khoát. Tôi tự hỏi không biết ông có chỉnh sửa gì trên những ký họa đó không, hay một khi đã lan tỏa ra từ tâm trí thì ý tưởng đó hình thành một cách bền vững và hoàn mỹ?
Hoàng Việt (sinh năm 1982) vốn có tình yêu đặc biệt với nghệ thuật. Anh say mê những hình ảnh xưa, tranh vẽ, ký họa cũ, sách báo thời chiến. Anh sưu tập hơn 400 bức vẽ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.
Nguyễn Hùng Cường (sinh năm 1997). Hùng Cường là nhiếp ảnh gia, có cách tiếp cận mỹ thuật thông qua việc sắp đặt và trưng bày nội thất bằng những món đồ xưa. Cả hai thực hiện và trình bày cuốn sách theo phong cách mới, sắp đặt các chương mục và các mảng chữ hợp lý bên cạnh hình ảnh, tranh vẽ, kèm thông tin ngắn gọn, cuốn hút người xem.
Triển lãm “Bên chiến hào” sẽ kéo dài đến ngày 17-4-2022
– Ảnh: KKD