Căn bệnh béo phì đang trở thành mối lo ngại lớn của giới chức y tế toàn cầu. Vào cuối tháng 11-2016 tới đây châu Âu sẽ tổ chức một hội nghị ở Strasbourg về “Béo phì và sự ngăn ngừa”.
Hồi đầu năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra báo cáo của Ủy ban về những phương tiện chấm dứt bệnh béo phì của trẻ con. Số trẻ sơ sinh và trẻ con tới năm tuổi thừa cân hoặc béo phì trên thế giới đã gia tăng, từ32 triệu năm 1990 lên tới 42 triệu năm 2013. Nếu tình trạng hiện tại không cải thiện được thì xu hướng này sẽ có thể đạt tới 70 triệu vào năm 2025.
Giới hữu trách cảnh báo cứ 1kg cơ thể tăng lên là một tuổi thọ giảm.Đây là kết quả một công trình nghiên cứu của Đại học Cambridge ở Anh vừa được phổ biến trên đặc san y khoa của Anh The Lancet.Những người chỉ nặng cân thì chắc chắn sẽ bị giảm trung bình ba tuổi thọ.Còn những người thật sự béo phì thì tuổi thọ sẽ bị mất đi 10 tuổi.
WHO lo sợ béo phì có thể trở thành một thứ bệnh dịch toàn cầu vào năm 2030 do tình hình toàn cầu hóa hiện nay. Thế giới đang toàn cầu hóa và thực phẩm cũng trở thành đồng bộ. Những thứ có ở New York đồng thời cũng xuất hiện ở Marseille, Madrid, Rome, Phi châu, Bắc Kinh, Phnom Penh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Giới chức y tế kêu gọi mở rộng chương trình ăn thực phẩm Bio, đặc biệt áp dụng ở nhà trường để tránh phần nào cho một thế hệ bị béo phì. Sau thực phẩm được cải thiện, mọi người phải thường xuyên hoạt động cơ thể.
Giới chức y tế báo động, nhưng liệu y khoa có thuốc chữa hay không?
Đừng mất thì giờ chờ đợi vì sẽ không có một thứ thần dược nào cả. Nguyên nhân của chứng béo phì là do nếp sống hằng ngày. Thức ăn kỹ nghệ nhiều đường và muối, giá rẻ và thiếu hoạt động cơ thể.
Để biết có béo phì hay không, hãy lấy cân nặng (kg) chia cho chiều cao bình phương. Thí dụ: một người cao 1,75m và cân nặng 70kg sẽ có chỉ số mập ốm như sau: 70: (1,75 x 1,75) = 22,9.
Kết luận: Chỉ số dưới 16,5 là tình trạng thiếu ăn, từ 16,5 tới 18,5 là gầy. Đây là tình trạng cơ thể suy yếu. Từ 18,5 tới 25 là bình thường, từ 25 tới 30 là nặng cân, hơn 30 là béo phì.
Kết quả quan sát cho thấy nếu trẻ từ 10-13 tuổi có cân nặng bình thường thì đến 31 tuổi chỉ có 30% trở thành béo phì (nữ 42%, nam 18%). Nhưng nếu ở lứa tuổi này, trẻ đã có cân nặng quá khổ, thì đến 31 tuổi có 87% trở thành béo phì (nữ 88%, nam 86%).
Béo phì ở Việt Nam
Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho biết, theo kết quả điều tra trong năm 2013, tỷ lệ thừa cân và béo phì trên toàn quốc ở trẻ dưới năm tuổi là 4% (khoảng 300.000 trẻ). Tại năm thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng), tỷ lệ này là 6%, với tổng số 86.000 trẻ.
Tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ con dưới năm tuổi béo phì đã lên tới 9,6%, trong khi mức béo phì trung bình của trẻ con dưới năm tuổi trên toàn cầu là 6,9%. Đặc biệt, tại các khu vực trung tâm thành phố, tỷ lệ trẻ béo phì đã vượt ngưỡng 12%. Đây là một con số rất đáng báo động.
Hiện tượng trẻ con béo phì ở Việt Nam hoàn toàn không giống hoàn cảnh của những gia đình cha mẹ bận làm ăn mà phải chấp nhận để con cái thiếu chăm sóc.Ở Việt Nam phần lớn trẻ em béo phì là con nhà giàu, còn ở những nước như Hoa Kỳ, Pháp, thì trẻ con nhà lao động, thợ thuyền mới béo phì.
Trẻ con thừa cân và béo phì đang là vấn đề lớn khiến cha mẹ lo lắng hơn là vấn đề trẻ bị suy dinh dưỡng, bởi vì béo phì là căn bệnh khó chữa cả về tâm sinh lý và thực thể, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ con.
Còn người lớn béo phì khó tránh bị rối loạn tâm lý như tự ti, khó hay không hòa nhập được với cộng đồng. Một số người còn bị trầm cảm. Bệnh béo phì có tác động lớn đến xã hội như sống hoàn toàn thụ động, không chịu hoạt động, suy nghĩ và làm việc chậm chạp, thường thất bại trong việc làm, học tập, hay ngay cả vui chơi, đời sống tình cảm.
- Trân Hồ