Chúng ta thường nghĩ rằng bệnh tự kỷ chỉ xuất hiện ở trẻ em nhưng thực tế, bệnh có thể tồn tại ở nhiều lứa tuổi khác nhau, thậm chí kéo dài đến suốt đời. Nhiều trẻ bị tự kỷ có thể được phát hiện và điều trị nhưng cơ hội được chữa lành không nhiều. Một số trường hợp bệnh nhẹ không được điều trị nên đến độ tuổi trưởng thành, bệnh càng trầm trọng hơn. Công bố mới đây của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (National Health Service – NHS) về một nghiên cứu bệnh tự kỷ ở người trưởng thành là một hồi chuông cảnh báo về chứng bệnh đã bị bỏ quên trong thời gian dài.
Bệnh tự kỷ ở người lớn khó nhận biết hơn ở trẻ em
Tự kỷ là bệnh có liên quan đến rối loạn phát triển tâm lý, làm cho bệnh nhân có các biểu hiện bất thường trong quan hệ giao tiếp xã hội. Khi còn nhỏ, bệnh thường gây khó khăn trong giao tiếp và học tập. Ở người lớn, bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sống độc lập. Người bệnh thường có cảm giác cô đơn hoặc cảm thấy bị xã hội chối bỏ do họ cố tình sống thu mình trong thế giới riêng, tránh tiếp xúc và trao đổi với những người xung quanh. Họ thường bị gọi là những người lập dị và bị xa lánh, tránh tiếp xúc nên ít có bạn bè.
Những người bị mắc bệnh tự kỷ thường phải được can thiệp rất tích cực trong khoảng từ 3 đến 5 tuổi mới có thể cải thiện những vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp và khả năng hành động độc lập. Một đứa trẻ tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm thì 30% có cơ hội khỏi hoàn toàn, 70% còn lại phát triển nói chung là tốt, có thể có trẻ giao tiếp được bằng lời nói hoặc không thể giao tiếp bằng lời nói, nhưng ý thức được hành vi và độc lập được cuộc sống. Còn trẻ tự kỷ không được phát hiện sớm, hoặc phát hiện sớm nhưng gia đình không chấp nhận can thiệp và rơi vào tình trạng nặng, kèm theo chậm phát triển trí tuệ thì sau này sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần.
Theo tài liệu từ NHS, ở người trưởng thành, tỷ lệ nam giới mắc bệnh tự kỷ cao gấp chín lần nữ giới và người độc thân có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ cao hơn những người kết hôn. Chỉ có khoảng 20% người tự kỷ có thể nói và học được (thường gọi là hội chứng Asperger), nhưng họ có khó khăn trong quan hệ xã hội, thường ít có bạn và không thích giao tiếp, kết bạn. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc thích ứng với môi trường, khó thay đổi thói quen hằng ngày, tính tình nóng nảy, hay cáu gắt và không nói chuyện một cách logic được. Có khoảng 80% người tự kỷ ở tuổi trưởng thành thường có kèm theo biểu hiện chậm phát triển tâm thần, động kinh, trầm cảm, rối loạn ám ảnh… nên họ thường sống thu mình và có những nỗi sợ vô hình.
Nguyên nhân gây tự kỷ vẫn đang được nghiên cứu, chỉ một số yếu tố nguy cơ cao được các bác sĩ xác định như: tổn thương não thực thể, gen di truyền và do yếu tố môi trường (hóa chất, lối sống)… Người lớn bị bệnh tự kỷ thường khó nhận biết hơn nhiều so với trẻ em vì họ ít khi thể hiện hành vi hằng ngày và người mắc bệnh tự kỷ cũng ít khi tìm đến hỗ trợ y tế. Việc giúp bệnh nhân nhận ra bệnh của họ để họ dễ thích nghi với cuộc sống hơn đồng thời cải thiện mối quan hệ trong gia đình và nơi làm việc là vô cùng cần thiết.
Người tự kỷ vẫn có thể làm việc
Tổ chức Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 2-4 hằng năm là Ngày thế giới nhận thức bệnh tự kỷ (World Autism Awareness Day) để kêu gọi mọi người cùng hành động vì sự cần thiết phải cải thiện chất lượng cuộc sống của những người đang bịảnh hưởng bởi bệnh tự kỷ, giúp cho họ có một cuộc sống đầy đủ và có ý nghĩa hơn. Hiện nay, có hơn 90% người trưởng thành bị bệnh tự kỷ đang trong tình trạng thất nghiệp, đây là con số thống kê của Tổ chức Liên Hiệp Quốc vào đầu năm nay, cho thấy đời sống của các bệnh nhân chưa được quan tâm đúng mức. Theo NHS, bệnh nhân tự kỷ tuy có những khó khăn trong giao tiếp, nhưng bù lại, phần lớn trong số họ có khả năng nhìn nhận, quan sát và suy nghĩ logic và khả năng tập trung chú ý chi tiết rất tốt. Những khả năng này giúp họ có thể làm rất tốt một số công việc như đánh máy, nhập dữ liệu, làm những sản phẩm thủ công như đan lát, thêu thùa, may vá… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong xã hội vẫn còn có cái nhìn nghi ngại đối với khả năng của người bệnh tự kỷ, thậm chí còn tỏ rõ sự phân biệt đối xử với bệnh nhân này.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc, hãng Microsoft đã thông báo một chương trình thử nghiệm nhằm tuyển dụng người tự kỷ vào làm việc cho công ty. Đại diện của hãng này cho rằng một số người tự kỷ có khả năng nhớ thông tin đến mức đáng kinh ngạc, một số lại suy nghĩ rất chi tiết, trong khi những người khác lại cực kỳ giỏi trong toán hoặc viết mã lập trình. Đây có thể là những nhân tài mà chúng tôi tiếp tục muốn mang về để phát triển Microsoft.
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có cơ sở nào được thành lập để tạo việc làm cho người lớn với chứng tự kỷ nhẹ được hòa nhập với xã hội và sống tự lập. Chúng ta cũng chưa có trung tâm nuôi người có chứng tự kỷ như người khuyết tật suốt đời nếu họ có nhiều hành vi hung hăng, không thể hòa nhập cộng đồng được và cần sự hỗ trợ của bảo hiểm xã hội và y tế để giúp họ sống có chất lượng. Vì vậy, vai trò của người thân, bạn bè là vô cùng quan trọng giúp người tự kỷ xây dựng các thói quen hành vi để tự bảo vệ bản thân mình phát triển hành vi thích ứng phù hợp. Các doanh nghiệp trong nước cũng cần có cái nhìn bao dung hơn đối với người tự kỷ, tìm cách giúp họ có công ăn việc làm để giúp họ hòa nhập với cộng đồng dễ dàng hơn.
- TS-BS Trần Đình Quý theo http://www.nhs.uk