Thế giới ngày càng biến chuyển, các bệnh lý về tâm thần ngày càng có xu hướng gia tăng, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng mà còn làm gia tăng những vấn đề về xã hội và cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia.
Tại hội thảo khoa học Việt – Pháp về tâm thần và tâm lý y học năm 2012 với chủ đề “Những thách thức của thế kỷ XXI: con người, xã hội, kỹ thuật” diễn ra hồi cuối tháng 10 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, bác sĩ, chuyên gia hai nước Việt – Pháp đã cùng nhìn nhận, phân tích những thách thức của ngành tâm thần trong thế kỷ XXI và đưa ra những giải pháp thích hợp để kiểm soát và hạn chế các vấn đề trên.
Trong cuộc hội thảo này, các chuyên gia y học đã đưa ra con số gây ngạc nhiên về tỷ lệ người mắc tâm thần tại nước ta.
Theo Giáo sư Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Khoa Y – Đại học Quốc gia TP.HCM, tại Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng người mắc tâm thần ở mức độ cao. Ông cho biết, nếu trong năm 2003 con số người mắc tâm thần ở nước ta khoảng 14% (10 triệu người) thì đến năm 2010 đã tăng gần 15% và năm nay đã tới hơn 15% (hơn 12 triệu người).
Kinh phí hằng năm Chính phủ dành cho việc chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn dân ngày một tăng (năm 2010 chỉ 70 tỉ đồng nhưng đến năm 2012 đã là 90 tỉ đồng). Hiện nay ở nước ta chỉ có trên 800 bác sĩ về tâm thần, với tỷ lệ 1 bác sĩ/100.000 dân so với mức 1 bác sĩ/30.000 dân ở nhiều nước trên thế giới. Điều này có nghĩa là chúng ta đang cần thêm tới hơn 1.500 bác sĩ chuyên khoa này.
Việt Nam cũng là một trong 35 nước trên thế giới chưa có Luật hoặc Pháp lệnh về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Bệnh tâm thần là những bệnh do hoạt động não bộ bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm…, là một bệnh phổ biến trong xã hội công nghiệp phát triển, sự tập trung dân cư vào các thành phố ngày càng đông khiến môi trường ô nhiễm, tiếng ồn càng nhiều, cuộc sống càng căng thẳng thì bệnh càng tăng.
Bệnh không gây chết đột ngột nhưng làm giảm sút khả năng lao động, học tập, làm đảo lộn sinh hoạt, gây căng thẳng cho các thành viên trong gia đình và tổn hại cả về kinh tế. Vì vậy, việc phát hiện sớm và chữa bệnh kịp thời sẽ ngăn chặn được sự tiến triển xấu của bệnh.
Thế nào là bệnh tâm thần?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì sức khỏe là một trạng thái thoải mái hoàn toàn về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là trạng thái không bệnh hay tàn tật. Từ đó có thể chia bệnh tật thành hai nhóm: các bệnh về cơ thể và các bệnh về tâm thần.
Ngoài một số bệnh lý chưa rõ căn nguyên như tâm thần phân liệt, loạn trầm cảm…, các bệnh tâm thần xuất hiện chủ yếu do hai nguyên nhân:
– Tổn thương não và các tổ chức thần kinh trung ương do tai nạn, nhiễm trùng thần kinh, nhiễm các chất độc trong nước thải công nghiệp và thuốc trừ sâu, diệt cỏ…
– Sang chấn tâm lý: Nhịp độ lao động quá khẩn trương, sự cạnh tranh gay gắt, việc phải xử lý một lượng thông tin lớn, sự thay đổi các mối quan hệ và các mâu thuẫn trong cuộc sống… có thể gây ra sự căng thẳng về tâm lý và dẫn đến các bệnh tâm thần (như suy nhược thần kinh, trầm cảm, rối loạn hành vi).
Căn bệnh này được xem như gánh nặng không xác định và giấu mặt, bởi nó gây tổn thất về kinh tế và xã hội với gia đình, cộng đồng và đất nước. Theo WHO, trên thế giới cứ bốn người thì có một người sẽ trải qua một hay nhiều lần rối loạn tâm thần trong suốt cuộc đời.
Hiện trên toàn cầu có khoảng 450 triệu người có các rối loạn tâm thần, trong đó 120 triệu bệnh nhân trầm cảm, 50 triệu bệnh nhân động kinh và 40 triệu bệnh nhân tâm thần phân liệt và đã có một triệu người tự sát vì tâm thần…
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh tâm thần là do những yếu tố sau: điều kiện cuộc sống (nghèo khổ kéo dài), thiếu điều kiện giáo dục, ăn ở, triển vọng công ăn việc làm; công việc quá tải; các thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội, xung đột chính trị; và ảnh hưởng của thiên nhiên đặc biệt là sau các thảm họa.
Cách phát hiện sớm
Triệu chứng bệnh tâm thần rất đa dạng mà giai đoạn đầu thường biểu hiện các triệu chứng nhức đầu, rối loạn hành vi, khác lạ trong cách ăn nói, thay đổi tính nết, dễ phản ứng, khó tập trung, trễ nải trong học tập và công tác. Có người buồn chán, thiếu quan tâm đến mọi việc hay xa lánh mọi người.
Về sau biểu hiện các triệu chứng loạn thần như ảo giác, chẳng hạn như nghe tiếng nói mặc dù chung quanh không có ai, hoặc bệnh nhân nhìn thấy thú dữ nhưng thực tế không có.
Cũng có người biểu hiện hoang tưởng, là những ý tưởng, quan niệm sai lầm, phi lý mà người bệnh khăng khăng cho là đúng. Có nhiều loại hoang tưởng, ví dụ có người luôn thấy người khác theo dõi, đầu độc, ám hại mình. Có người cho mình có nhiều khuyết điểm, đầy tội lỗi không đáng sống. Có người lại cho mình tài giỏi, có nhiều phát minh khoa học nên luôn đòi hỏi được gặp gỡ cấp trên để trình bày. Có người tin rằng mình mắc bệnh hiểm nghèo mà thực ra không có, có người buồn chán nằm vùi suốt ngày, có người vui vẻ quá mức múa hát làm huyên náo, có người bồn chồn đứng ngồi không yên, đập phá, xung động tấn công…
Tóm lại, dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần có khi không phải là các biểu hiện về thần kinh mà lại là triệu chứng thể chất như đau đầu, tức ngực, khó thở, nhức mỏi, rối loạn giấc ngủ… Trong trường hợp này, bệnh nhân thường đi khám nhiều nơi mà không xác định được nguyên nhân.
Phòng bệnh tâm thần
Bệnh tâm thần, cũng như các bệnh khác, nếu có kiến thức về bệnh thì có thể phòng ngừa được. Cần có các biện pháp loại trừ nguyên nhân gây bệnh tâm thần bao gồm nhiều lĩnh vực:
– Phòng chống các nguyên nhân gây tổn thương não như nhiễm trùng thần kinh, đặc biệt các bệnh viêm não, màng não và các bệnh nhiễm độc thần kinh như nhiễm độc rượu, ma túy, nhiễm độc nghề nghiệp.
– Bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông đề phòng chấn thương sọ não.
– Hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý, tạo môi trường yên bình.
Trong gia đình cần tránh những mâu thuẫn, những xung đột giữa các thành viên, giáo dục con cái đúng phương pháp, không quá nghiêm khắc hoặc quá chiều chuộng.
Trong cơ quan, đơn vị tập thể cần tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài, luôn xây dựng tình đoàn kết giúp đỡ nhau.
Đối với những người bị thất vọng, bị đau khổ nặng nề cần có thái độ quan tâm, an ủi, đối xử đúng mức giúp tìm cho họ lối thoát.
Do hiểu biết rất mơ hồ về bệnh tâm thần mà nhiều người vẫn rất kỳ thị với những ai không may mắc bệnh này, đó là một trở ngại không nhỏ đối với công tác phát hiện và chữa trị bệnh. Vì vậy các biện pháp tuyên truyền về bệnh tâm thần rất quan trọng trong công tác phối hợp giữa thầy thuốc, gia đình và cộng đồng đối với lĩnh vực sức khỏe tâm thần.