Bê bối “nâng đỡ người quen” của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng như viễn cảnh cuộc bầu cử tại Malaysia và Mexico có thể làm chậm quá trình phê chuẩn hiệp định CPTPP (TPP-11).
Mọi con mắt đang đổ dồn về Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất khối TPP-11, thỏa thuận thương mại tự do chính thức có tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) sau khi được ký kết tại Chile hôm 8/3.
Thủ tướng Shinzo Abe, người nhiệt thành ủng hộ TPP-11, đang vướng vào bê bối có thể đe dọa đến quyền lãnh đạo của ông cũng như đảng Dân chủ Tự do (LDP).
Rắc rối của ông Abe
Hôm 12/3, ông Abe đã lên tiếng xin lỗi người dân sau khi Bộ Tài chính nước này cùng ngày thừa nhận đã chỉnh sửa một số giấy tờ liên quan đến thỏa thuận mua bán đất thuộc sở hữu nhà nước được cho là thiên vị người quen của vợ chồng thủ tướng.
Theo Mainichi, Bộ Tài chính Nhật Bản thừa nhận đã sửa văn bản liên quan đến quyết định giảm giá 85% cho mảnh đất công dự kiến được dùng để xây trường tiểu học. Trong đó, những phần nhắc đến bà Akie Abe, phu nhân thủ tướng Nhật Bản, đã được xóa bỏ trong tài liệu nộp cho công tố viên điều tra về thỏa thuận này.
Ngôi trường mới của tổ chức giáo dục Moritomo Gakuen, vốn có liên hệ với bà Abe, dự kiến được đặt tên theo tên thủ tướng Nhật, trong khi phu nhân của ông được mô tả sẽ là “hiệu trưởng danh dự”. Bê bối xuất hiện lần đầu hồi năm 2017 và ông Abe một mực bác bỏ sự dính líu, thậm chí tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu điều đó được chứng minh.
Giữa những lùm xùm, ông Abe vẫn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 10/2017. Tuy nhiên, những phát hiện mới đe dọa cơ hội ông Abe tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng thứ 3 khi LDP bỏ phiếu cho người lãnh đạo vào tháng 9.
Ít nhất 3 cuộc thăm dò mới đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các của ông Abe đã giảm tới 10 điểm xuống dưới 40%. Một thăm dò của Asahi Shimbun cho thấy tỷ lệ ủng hộ chỉ còn 31%, mức thấp nhất kể từ khi ông Abe trở lại làm thủ tướng vào năm 2012.
Giới quan sát chính trị tại địa phương nói rằng những căng thẳng trong hai tuần qua là khủng hoảng chính trị lớn nhất mà ông Abe phải đối mặt. Nếu ông Abe không thể tiếp tục nắm quyền, việc phê chuẩn TPP-11 tại Nhật có thể bị ảnh hưởng.
“Nếu Nhật không phê chuẩn hiệp định, sẽ không có ai khác làm”, Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á tại Singapore, cho hay. “Một thỏa thuận về chuỗi cung ứng cần một người cầm đầu”.
Về lý thuyết, không có trở ngại nào ngăn cản LDP phê chuẩn TPP-11, theo South China Morning Post. Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật để hiệp định TPP trước kia có hiệu lực. Điều này có nghĩa là việc phê chuẩn TPP-11 tại Nhật ít có khả năng phải cân nhắc thêm.
Hôm 14/3, Thủ tướng Abe nói chính phủ của ông sẽ “đóng vai trò dẫn dắt cho những bước hiện thực hóa đầu tiên” đối với thỏa thuận thương mại gồm 11 nước châu Á – Thái Bình Dương.
“Cảm giác của tôi là Nhật sẽ phê chuẩn hiệp định dù ông Abe vướng vào rắc rối”, Matthew Goodman, chuyên gia về kinh tế châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, nhận định.
“Sẽ có vài sự phản đối nhưng phần lớn những công việc vất vả nhất đã hoàn thành và LDP có khả năng cũng như phiếu bầu để thúc đẩy việc phê chuẩn”, vị chuyên gia nói.
Những nhà quan sát khác nói việc phê chuẩn hay không phê chuẩn không phải là vấn đề, vì thậm chí nếu ông Abe “ngã ngựa”, những người có khả năng kế nhiệm như Shigeru Ishiba, Fumio Kishida and Taro Kono đều là những người ủng hộ thương mại tự do.
Thay vào đó, mối lo ở đây là việc phê chuẩn có thể bị trì hoãn. Các thành viên TPP-11 ban đầu kỳ vọng hiệp định sẽ có hiệu lực trong năm 2018, và Nhật là sẽ nước đầu tiên phê chuẩn.
Giờ đây, “nếu Nhật lỡ kế hoạch, những nước khác sẽ xem xét kỹ lưỡng tình hình”, và có thể quá trình phê chuẩn tại những nước này sẽ kéo dài đến cuối năm 2018, theo ông Junichi Sugawara, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Mizuho ở Tokyo. Ông tin rằng TPP-11 phải sang năm 2019 mới có hiệu lực, thay vì năm nay.
Trở ngại chuyển giao quyền lực
Trong khi đó, những diễn biến chính trị tại các nước TPP-11 khác cũng đang được theo dõi sát sao.
Tại Malaysia, cuộc bầu cử thủ tướng sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 đồng nghĩa với việc quốc hội mới của nước này sẽ không thể thành hình cho đến cuối năm nay.
Đảng của thủ tướng đương nhiệm Najib Razak, với chủ trương tự do thương mại, được đa số cho là sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, một diễn biến bất ngờ có thể làm “trật quỹ đạo” của Kuala Lumpur trong TPP-11.
Phe đối lập, được dẫn dắt bởi cựu thủ tướng 92 tuổi Mahathir Mohamad, từng bày tỏ sự hoài nghi về thỏa thuận, cho rằng nó sẽ không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân Malaysia.
TPP-11 xóa bỏ hàng rào thuế quan, nhưng cũng loại bỏ một số điều kiện tiên quyết mà chính quyền Mỹ thời ông Barack Obama yêu cầu khi đàm phán hiệp định, bao gồm việc chuẩn hóa những quy định nghiêm ngặt về sở hữu trí tuệ.
“Malaysia từ lâu đã có những vấn đề chính trị với TPP nhưng ông Najib đã cho thấy khả năng đạt được tiến triển với hiệp định”, chuyên gia Goodman nói.
Trong khi đó, chiến dịch tranh cử tổng thống tại Mexico và cuộc bầu cử vào tháng 7 có thể ảnh hưởng đến lịch trình phê chuẩn TPP-11 của đất nước Trung Mỹ.
Lên nắm quyền từ năm 2012, tổng thống đương chức Enrique Pena Nieto là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất hiệp định. Những khảo sát cho thấy ứng viên cánh tả, theo đường lối dân túy Andres Manuel Lopez Obrador, người được xem là có tư tưởng bảo hộ giống Tổng thống Mỹ Donald Trump, có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
– Theo Zing / South China Morning Post