Tại TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), ngày 11-6, Bayer Việt Nam phối hợp với khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư của ba tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang công bố kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài mang tên “Tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến hiệu quả nuôi tôm ở vùng tôm – lúa Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang”.
Đề tài này đã được nghiên cứu thực tế trong các năm 2012-2014 tại ba tỉnh trên với mục đích tìm hiểu cơ chế và chứng minh tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến hiệu quả nuôi tôm, trồng lúa.
Luân canh tôm – lúa hoàn toàn có thể thu được hiệu quả cao hơn
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng ngày càng tăng từ những hiệu ứng của biến đổi khí hậu. Việc xâm nhập mặn liên tục đã tạo ra một hệ sinh thái mới khiến người nông dân ở ba tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang phải xoay vòng giữa nuôi tôm và trồng lúa. Trong những tháng mùa khô đầu năm, khi độ mặn của đất tăng, nông dân bắt đầu nuôi tôm. Khi những cơn mưa lớn đến vào mùa hè, do độ mặn của đất thấp hẳn xuống nên họ buộc phải chuyển sang trồng lúa nhưng đạt hiệu quả thấp. Theo truyền thống, nông dân chủ yếu tập trung vào việc nuôi tôm, chưa nhận ra lợi ích tiềm tàng của trồng lúa do kỹ thuật canh tác lúa chưa tiên tiến và thiếu giống lúa phù hợp.
Nhánh Nông nghiệp của Bayer Việt Nam đã giới thiệu giống lúa lai Arize B-TE1 để trồng luân canh tôm – lúa với mục đích thử nghiệm tác động của loại lúa này đến hiệu quả kinh tế đối với cả việc trồng lúa và nuôi tôm. Mỗi năm, hơn 20 ngàn hécta giống lúa này được trồng, thu hút hơn 20 ngàn gia đình nông dân các vùng nước lợ của ba tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Theo kết quả nghiên cứu, giống lúa lai Arize B-TE1 đem lại hiệu quả tích cực cho môi trường nuôi tôm nhờ vào đặc điểm của giống, đặc biệt là hệ thống rễ lúa khỏe mạnh. Quần thể các vi sinh vật có lợi và các loài thủy sinh làm thức ăn cho tôm tại các cánh đồng trồng lúa lai Arize B-TE1 tồn tại với mật độ cao hơn. Đồng thời, vi sinh vật có hại tại các cánh đồng trồng lúa lai Arize B-TE1 giảm xuống. Kết quả được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang xác nhận cho thấy năng suất nuôi tôm cao hơn, tôm to hơn, chất lượng tôm cũng tốt hơn, tăng được lợi nhuận cho người nuôi tôm đến 45%.
Ông Torsten Velden – Giám đốc nhánh Nông nghiệp Bayer Việt Nam chia sẻ: “Bayer rất vui mừng công bố kết quả tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 trong luân canh tôm – lúa cùng hiệu quả cao mà người nuôi tôm có được nhờ sử dụng giống lúa lai của chúng tôi. Kết quả này cũng đồng thời chứng minh cho bà con nông dân thấy các sản phẩm nông nghiệp thứ cấp là lúa có thể có tác động tích cực, đáng kể lên năng suất của các sản phẩm nông nghiệp chính là tôm và việc chọn Arize có thể giúp cải thiện rõ rệt năng suất và đời sống nhà nông”.
Tác động tích cực của lúa lai Arize B-TE1 trong việc nuôi tôm
Đề tài đã thu được kết quả tác động tích cực đến hệ sinh thái và môi trường. Cụ thể, mô hình này hạn chế độc tố cho môi trường nuôi tôm, giúp tôm sinh trưởng tốt, hạn chế một phần dịch bệnh tôm. Sau khi thu hoạch, lúa để lại một lượng sinh khối lớn (thân và rễ) và sau khi phân hủy hoàn chỉnh sẽ kích thích sự phát triển của phiêu sinh vật làm thức ăn cho tôm.
Sau mỗi vụ nuôi có thêm một lượng phù sa bồi lắng nên đất có độ màu mỡ cao, nhờ đó không cần nhiều phân bón cho lúa như trước. Ngoài ra, quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa giúp cắt mầm bệnh gây hại trên tôm, hạn chế sự suy thoái đất do nuôi tôm liên tục nhiều năm. Từ thành công của dự án, kết quả nghiên cứu ứng dụng “Phương pháp nâng cao số lượng động vật thủy sinh trong hệ thống canh tác kết hợp lúa và nuôi trồng thủy sản” đã được Bayer đăng ký bảo hộ toàn cầu tại Việt Nam như một giải pháp khoa học – kỹ thuật nông nghiệp mới. Ông Torsten Velden tỏ ra rất phấn chấn: “Từ kết quả tích cực của nghiên cứu trên, Bayer hy vọng sẽ khuyến khích được nhiều nông dân chuyển sang sử dụng giống lúa Arize B-TE1 để tăng năng suất và lợi nhuận”.
Thu Nguyệt (DNSGCT)