Dòng thời sự tuần qua nóng hẳn lên với những thông tin liên quan đến hai vụ án kinh tế lớn có thể sắp được xét xử, sau việc bắt tạm giam và khởi tố hai nhân vật từng đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Ông Đinh La Thăng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, từng giữ chức vụ Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Trước đó, ông cũng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng và các chức vụ về Đảng, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
Cùng ngày, ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đều là nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.
Cả hai sẽ phải làm rõ trách nhiệm liên quan đến việc PVN mất trắng 800 tỉ đồng góp vốn vào Ocean Bank và vụ tham ô xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) liên quan đến Dự án Nhiệt điện Thái Bình II mà cơ quan công an đang điều tra.
Trước đó, hồi tháng 4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã đề nghị xử lý trách nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy và một số lãnh đạo cũ của PVN như ông Đinh La Thăng, ông Phùng Đình Thực, ông Nguyễn Quốc Khánh, ông Nguyễn Xuân Sơn về sai phạm tại hàng loạt dự án của ngành dầu khí.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II do PVN làm chủ đầu tư, PVC được giao làm nhà thầu có nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hóa, thiết bị vật tư, xây lắp, nghiệm thu, đào tạo và bàn giao vận hành…
Nhóm cán bộ chủ chốt của PVC là người trực tiếp ký duyệt các thủ tục về tài chính dự án nhà máy nhiệt điện có công suất thiết kế 1.200MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD).
Được biết, PVC đã ký hợp đồng EPC với Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình II với giá trị khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỉ đồng. Cũng ngay trong năm 2011, PVN ký hợp đồng EPC đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỉ đồng và 6,6 triệu USD.
Liên quan tới dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II, theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVC, đến thời điểm tháng 6-2016, tổng giá trị hợp đồng tạm tính tổng công ty đã ký với các nhà thầu phụ cho công trình này đã vượt giá trị hợp đồng EPC ký.
Còn vụ việc tại Oceanbank thì hồi năm 2008 ngân hàng này tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỉ đồng nên PVN góp 400 tỉ đồng (tương ứng 20% cổ phần) bằng cách chuyển từ tài khoản tiền gửi sang tài khoản của Oceanbank. Tiếp đó, Oceanbank tăng vốn lên 3.500 tỉ đồng vào năm 2009 và 4.000 tỉ đồng năm 2011 thì PVN góp thêm tương ứng 300 tỉ đồng và 100 tỉ đồng nhằm giữ được tỷ lệ 20% cổ phần.
Theo tài liệu công bố, đến ngày 31-3-2014, Oceanbank nợ xấu gần 15.000 tỉ đồng, trước thuế lỗ hơn 10.000 tỉ đồng, âm vốn 249% vốn chủ sở hữu.
Ngày 6-5-2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại Oceanbank với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 800 tỉ đồng tương đương 20% cổ phần của PVN cũng sẽ mất trắng.
Ông Đinh La Thăng sinh năm 1960 ở Nam Định, học vị tiến sĩ. Từ năm 2006-2008, ông Thăng làm Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petro Vietnam. Năm 2011, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, ông được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Năm 2016, ông Thăng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa 12 và được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 2-2016, ông được phân công làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 7-5-2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị Khóa 12 vì những vi phạm khi còn công tác tại Petro Vietnam. Ngày 11-5-2017, Bộ Chính trị điều động ông Thăng về làm Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Ông Nguyễn Quốc Khánh 57 tuổi, quê quán Hà Tĩnh, từng tốt nghiệp kỹ sư địa vật lý chuyên ngành thăm dò địa chất dầu khí tại Liên Xô (cũ).
Đã có nhiều năm công tác tại Petro Vietnam, ông Khánh từng giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty Chế biến và Kinh doanh Sản phẩm dầu (PDC) trước khi đơn vị này hợp nhất với Petechim để thành Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) – một thành viên của Petro Vietnam.
Tháng 7-2009, ông được bổ nhiệm làm một trong bảy phó tổng giám đốc Petro Vietnam và giữ chức vụ đó trong vòng hơn ba năm trước khi trở thành tổng giám đốc vào tháng 11-2014.
Trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm nhiệm Tổng giám đốc Petro Vietnam vào tháng 1-2016, ông Khánh đã có khoảng nửa năm tạm quyền chức danh Chủ tịch khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức.
Một thông tin khác đang gây chú ý trong giới làm ăn là danh tính một số đại gia Việt Nam lộ diện từ hồ sơ trốn thuế Paradise.
Hàng trăm cái tên liên quan tới Việt Nam lộ diện trong các hồ sơ về rửa tiền, lách thuế.
Trong Paradise Papers, có hai nhân vật rất quen thuộc và nổi bật trên thị trường tài chính Việt Nam là Don Lam – Giám đốc điều hành Vinacapital và Dominic Scriven – Tổng giám đốc Dragon Capital. Đây là hai quỹ đầu tư ngoại lớn nhất tại Việt Nam.
Hàng loạt tên cá nhân, thực thể và địa chỉ liên quan tới Việt Nam khác cũng được nhắc tới trong Paradise Papers, như: Quang Hien – Vu, Shrimpton – John, Bui – James Kehoeminh, Duy – Alexis, Huynh – Phong Thanh…
Trong danh sách các pháp nhân có liên quan tới Việt Nam, phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngoài ra, danh sách còn có nhiều công ty liên quan tới các địa điểm tại Việt Nam như Phú Quốc, Hội An, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,…
Chưa thể khẳng định gì về sự xuất hiện các tên tuổi trong hồ sơ này nhưng có một điều cho thấy mối quan hệ làm ăn xuyên quốc gia, mức độ hội nhập vào giới tài phiệt quốc tế của các doanh nhân Việt.
Theo công bố của Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), Việt Nam có 92 thực thể nước ngoài (Offshore Entities), 22 cá nhân và 171 địa chỉ được nhắc đến trong các hồ sơ. Trong số hàng chục công ty có trụ sở ở các thiên đường thuế liên quan đến Việt Nam thì có 14 công ty đặt tại quần đảo Virgin thuộc Anh, 11 công ty đặt tại quần đảo Cayman, số còn lại đặt tại Panama, Bahamas và quần đảo Cook.
Virgin, Bahamas và Panama đều là những cái tên được mệnh danh là những “thiên đường thuế” (tax haven) bởi mức thuế ở đây rất ưu đãi, đồng thời việc thành lập doanh nghiệp tại đây tương đối dễ dàng.
Hồi giữa năm 2016, Hồ sơ Panama công bố hôm 10-5-2016 cũng đã cho thấy Việt Nam có 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian trong danh sách này. Nhưng rồi, kết quả của cuộc rà soát này như thế nào vẫn chưa được công bố.
Một số cá nhân đã lên tiếng cho rằng, việc có tên trong danh sách là điều bình thường, hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ. Nhưng đó chỉ là số rất ít, đa số tài sản, giao dịch của các cá nhân, tổ chức, sự di chuyển của dòng tiền vẫn là một bí ẩn.
Giới chuyên môn nhận định rằng việc sử dụng các “thiên đường thuế” để né thuế là điều phổ biến của các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Đây cũng là điều làm nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia phát triển đau đầu.