Một nghiên cứu mới đây của Công ty JLL cho thấy, tại châu Á ngày càng có nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) chú ý hơn đến thị trường xây dựng cơ sở giáo dục. Nguyên nhân là do nhu cầu cho con cái đi học tại các ngôi trường hiện đại, tiên tiến của các gia đình trong khu vực này đã và đang tăng trưởng vượt bậc. Tại Hongkong, Trung Quốc, số trường quốc tế sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy đã tăng từ 92 (năm 2000) lên 177 (năm 2017), trong khi số học sinh tại các trường này tăng gấp đôi. Xu hướng này cũng đang diễn ra tại các nước châu Á khác không nói tiếng Anh như Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam.
Giám đốc bộ phận đầu tư của JLL Hongkong, ông Raymond Fung, nêu ý kiến về sự phát triển của các trường chất lượng cao tại lãnh thổ này: “Việc thiếu quỹ đất lẫn nhu cầu về các trường quốc tế tăng mạnh trong các gia đình khá giả khiến cho hầu hết các cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Hongkong hiện nay đều quá tải, nhiều trẻ em có khi phải chờ 1-2 năm mới có thể vào được trường cha mẹ chúng mong muốn”.
Trước thị trường hấp dẫn trên, các nhà đầu tư đang tăng thêm vốn vào các công trình giáo dục chất lượng cao. Thường thì sau khi việc xây dựng hoàn thành, các nhà đầu tư và nhà thầu sẽ cho một ngôi trường đã có uy tín sẵn tại địa phương thuê lại. Đại diện JLL giải thích: “Tỷ lệ lợi nhuận khi cho thuê địa điểm làm trường học tăng cao hơn nhiều so với cho thuê nhà trong khi về lâu dài lại chịu ít rủi ro hơn. Đây là hai lý do chính thu hút các nhà đầu tư đến với thị trường mới mẻ này”.
Báo cáo từ Savills Việt Nam cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển theo hướng hiện đại hóa, trong giai đoạn 2014-2017 trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu lao động Việt chuyển từ ngành nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Xu hướng đô thị hóa sẽ tiếp tục lan rộng với tốc độ cao, phát triển giáo dục quốc gia vì vậy trở thành ưu tiên hàng đầu để nâng cao kỹ năng lực lượng lao động và tăng năng suất làm việc. Với quy mô dân số trên 94 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển mảng giáo dục; tuy vậy cần hướng đến trọng tâm là cải thiện chất lượng.
Theo ghi nhận của Savills, trong thời gian qua đã có nhiều giao dịch M&A diễn ra trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể Quỹ Giáo dục Cognita đã mua Trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh và Trường Tiểu học Saigon Pearl; Quỹ North Angelia đã mua Trường Quốc tế Anh quốc; Quỹ Đầu tư TPG của Mỹ đã sáp nhập Trường Việt – Úc; Quỹ EQT đầu tư vào ILA – một chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn tại Việt Nam; Quỹ IFC đầu tư vào chuỗi trung tâm tiếng Anh Hội Việt – Mỹ… Luồng vốn đầu tư lớn vào các trường quốc tế cho thấy tiềm năng phát triển của giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhận định: “Với 41% dân số thuộc “thế hệ vàng” (dưới 24 tuổi), số lượng người giàu và gia đình trung lưu ngày một tăng mạnh, người Việt Nam sẽ sớm có khả năng chi trả nhiều hơn cho việc học tập của con cái theo một tiêu chuẩn giáo dục cao hơn. Dự kiến nguồn cầu cho giáo dục bậc cao tại Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao. Đặc biệt, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn đến các trung tâm ngoại ngữ do nhu cầu nâng cao ngoại ngữ của học sinh, sinh viên để đáp ứng yêu cầu việc làm mới”.
Ông Troy Griffiths cũng cho rằng những quy định khắt khe tại Việt Nam có thể là một thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Thuế suất cao, vốn đầu tư tối thiểu cho từng loại tổ chức và hợp tác giáo dục, yêu cầu về nhân lực và quy trình cấp phép phức tạp cũng là những rào cản ban đầu cho bất kỳ nhà đầu tư nào muốn bỏ vốn vào bất động sản giáo dục.