Với tên gọi “Nhập nhằng – Affitta”, triển lãm cá nhân đầu tay của họa sĩ Phạm Tuấn Tú tại Nguyên Gallery (31A Văn Miếu, Hà Nội, từ 18 đến 27-10-2014) giới thiệu gần 40 bức tranh được vẽ trong gần bảy năm hoạt động nghệ thuật của anh.
Affitta – từ tiếng Ý có nghĩa là “cho thuê”, còn “nhập nhằng” chỉ trạng thái mơ hồ, không rõ ràng, nửa nọ nửa kia, có xu hướng dẫn đến hỗn độn và rối loạn. Theo ý nghĩa đó, những bức tranh của Phạm Tuấn Tú đều mang sắc xám lạnh lẽo với những hình hài lơ đãng và vô định, dường như chẳng thiết một mối liên hệ nào với trần thế. Thân thể và cái đầu tựa như hai bản thể đối lập nhau. Một cái đầu mượn tạm một thân thể, hoặc có khi một thân thể trần trụi đi thuê một cái đầu. Dường như tất cả trở nên nhập nhằng: ranh giới giữa kẻ đi thuê và người cho thuê bị xóa nhòa, không phân định cả giới tính, không rõ rệt giữa ngoại giới – nội tâm.
Tuy nhiên sự nhập nhằng không hẳn là nhân tố quyết định tác phẩm. Ở Phạm Tuấn Tú còn là ngôn ngữ hội họa trộn lẫn sự giễu cợt, vẻ cao ngạo pha lẫn cô độc để kể về những câu chuyện giữa người với người, có thể rất nhân bản hoặc rất lạnh lẽo bi ai. Tác phẩm là sự cảm nhận của họa sĩ về hành trình cuộc sống, hành trình của các cá thể, là số phận và tâm hồn của họ trải qua thời gian sống vô cảm giữa đời.
Khi xem tranh của người bạn thân, họa sĩ Phạm Quang Hiếu bình luận: “Tác phẩm của Tú khiến người ta dễ liên tưởng tới những bộ phim kinh dị của Hollywood hay truyện Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Chệch khỏi quỹ đạo mỹ cảm thông thường, bằng biểu tượng và cảm xúc chân thật Phạm Tuấn Tú đưa chúng ta vào một thế giới mà ở đó trắng – đen, thiện – ác, nữ – nam… không dễ dàng phân định. Dù gắn với những chủ đề mang ý nghĩa xã hội nhất định, song một cách vô thức tác phẩm của anh vẫn đặt trước chúng ta một câu hỏi cơ bản hơn về bản thể con người, bản thể của sự tồn tại…”.
Phạm Tuấn Tú sinh năm 1981 tại Thái Bình, tốt nghiệp hệ cao đẳng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 2004. Là thành viên của Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ Hà Nội. Phạm Tuấn Tú đã có gần 10 năm liên tục tham gia các hoạt động sáng tác (ngay từ khi còn là sinh viên). Có tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010, đoạt giải thưởng Dogma vẽ tranh chân dung 2013 tại TP. Hồ Chí Minh, giải thưởng tại Festival Mỹ thuật Trẻ năm 2014 tại Hà Nội. Năm 2010, anh được Quỹ Trao đổi Văn hóa Việt Nam – Đan Mạch tặng giải tài năng và tác phẩm sau đó được giới thiệu tại triển lãm quốc tế trên đảo Yogjakarta, Indonesia (2012) và tại Images Festival ở Đan Mạch (2013).
- Anh Vỹ