Với Bộ phim thứ ba trên vai trò đạo diễn, Dustin Nguyễn cho thấy sự dũng cảm dấn thân vào những thể loại mới, có thể là kén người xem. Nhưng xem xong Bao giờ có yêu nhau, người viết có cảm giác là Dustin vẫn đang loay hoay đi tìm bản ngã của mình, giữa một nền điện ảnh cũng đang trong một cuộc loay hoay.
Thường thì đến phim thứ ba, người ta đã có thể đánh giá một cách tương đối đầy đủ về một đạo diễn. Anh ta có hiểu khán giả không? Anh ta có tố chất để làm phim nghệ thuật không? Anh ta đủ lực để đi đường dài không? Với Dustin Nguyễn, người ta không trả lời được bất kỳ câu hỏi nào sau khi xem xong bộ phim thứ ba của anh.
Từ Lửa Phật đến Trúng số và bây giờ là Bao giờ có yêu nhau, ba phim có ba phong cách hoàn toàn khác nhau. Phim đầu Dustin đóng vai chính, phim thứ hai anh chỉ giữ vai phụ và phim cuối cùng anh hoàn toàn không xuất hiện trước ống kính. Phim đầu tiên bị dán mác “thảm họa”, phim thứ hai thành công trên mọi phương diện và phim thứ ba thì tạo ra hai luồng tranh luận trái chiều.
Lửa Phật là phim võ thuật cổ trang, Trúng số là phim dựa trên sự kiện có thật lấy bối cảnh miền Tây, Bao giờ có yêu nhau lại là phim tình yêu pha chất liêu trai. Tức là… ba “phé” ba nơi. Nếu như không có cùng cái tên Dustin Nguyễn và nhà sản xuất Bebe Phạm đứng tên trong hai phim sau, người ta có lý do để tin đấy là ba tác phẩm của ba đạo diễn khác nhau.
Bao giờ có yêu nhau là một bộ phim đáng xem, bởi cái thể nghiệm của Dustin là rất đáng quý giữa quá nhiều những bộ phim hài làm theo thị hiếu hiện nay. Kỹ xảo phim có nhiều chỗ vụng về, nhưng nhìn chung phim được quay rất đẹp. Rất nhiều lần, khán giả xem phim với góc nhìn của người thứ ba, qua một khung kính mờ ảo, lung linh. Nó vừa tạo cảm giác có ai đó đang dõi theo nhân vật chính, lại vừa tạo ra cái cảm giác bảy phần mơ, ba phần thực. Hình ảnh Quý Bình chạy trên đồi cát bao la vô định, như giữa sa mạc của tình yêu và thân phận là một trong những cảnh đáng nhớ.
Thành công lớn nhất của Dustin là chọn được Minh Hằng vào vai chính. Ba năm không đóng phim, Minh Hằng tái xuất và dường như mang một diện mạo hoàn toàn khác. Chưa bao giờ Hằng đẹp đến thế trên màn ảnh, cái đẹp trong sáng thánh thiện lẫn cái đẹp lạnh lùng tà mị của người ở bên kia thế giới, luôn khao khát một tình yêu.
Thế nhưng Minh Hằng và những góc quay rất đẹp, rất cổ điển không thể che lấp những khuyết điểm lớn của một bộ phim thiếu cao trào. Nửa đầu phim lê thê. Trong khi đó ở những trường đoạn then chốt, có tác dụng lấy nước mắt khán giả hoặc mang đến sự ngỡ ngàng, Dustin Nguyễn hoàn toàn có thể làm tốt hơn thế. Anh không mê-lô ở chỗ rất cần mê-lô. Lời thoại một lần nữa là điểm yếu nhất của Dustin, khi còn làm diễn viên đến khi đã ngồi lên ghế chỉ đạo diễn xuất.
Nhạc phim giữ vai trò cực kỳ then chốt trong Bao giờ có yêu nhau. Nhưng nhạc trong phim quá nhiều, nhưng lại không đủ áp phê. Dustin Nguyễn và Christopher Wong dùng từ nhạc nước ngoài, nhạc Việt đương đại và cả nhạc tình lãng mạn của thế kỷ trước để làm nền cho câu chuyện. Nhưng âm nhạc nếu dùng đúng chỗ thì nâng cảm xúc của khán giả, nhưng dùng quá nhiều thì đâm ra lạm dụng và vô tình làm loãng bộ phim.
Khi đặt tựa phim là Bao giờ có yêu nhau, rõ ràng Dustin Nguyễn muốn dùng ca khúc của Phạm Duy, phổ từ thơ của Minh Đức Hoài Trinh, để đẩy cao trào của phim lên đỉnh điểm. Bản thân anh cùng với nhà sản xuất Bebe Phạm, vợ anh, đã nỗ lực không nhỏ để lo về vấn đề tác quyền của bài hát. Bởi anh biết chỉ có qua giọng ca trác tuyệt của Thái Thanh, cái nức nở bi kịch của ca khúc mới đạt đến đỉnh cao của nó. Thế nhưng ngay cả khi đã dồn rất nhiều tâm huyết cho bài hát mà anh cực kỳ yêu mến, Dustin cũng không thật sự thành công.
Cũng là Kiếp nào có yêu nhau và giọng ca đầy ám ảnh của Thái Thanh, nhưng nếu như trước đó từng lấy nước mắt của biết bao khán giả trong vở kịch Nửa đời hương phấn do Hoàng Thái Thanh dựng thì bây giờ, nó chỉ là một cái đẹp lạc lõng, khi bộ phim đang rất cần một cái kết ấn tượng để cứu vãn tình thế.
Có thể nói mà không sợ quá lời, nếu ai đó cắt toàn bộ nhạc cảnh này ra khỏi phim, nó sẽ là một MV rất đẹp để tôn lên giọng hát Thái Thanh và cái đẹp cổ điển của Minh Hằng. Nhưng đặt vào cuối phim, bài hát lại không thật sự kết nối được với mạch phim. Ai là người cất lên tiếng kêu nức nở: “Đừng nhìn nhau nữa anh ơi” trong phân đoạn ấy? Linh hay Phương? Đoạn nhạc này, nếu đặt trong bối cảnh Bàu sen, khi Phương tuyệt vọng vì mình đã chờ đợi từ tận tiền kiếp, rốt cục vẫn không nhận được tình yêu hồi đáp của tình quân, thì sẽ tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Thế nên kiệt tác Kiếp nào có yêu nhau tuy vẫn hay đến rợn người, nhưng bỗng dưng lạc không gian, lạc thời gian và thay vì góp phần đầy cao trào của phim lên tới đỉnh điểm, bỗng trở nên hơi hụt hẫng. Bước ra khỏi rạp chiếu phim, những ai yêu Thái Thanh, Phạm Duy và Kiếp nào có yêu nhau đã có một sự hồi tưởng đáng nhớ. Những ai chưa từng biết bài hát này trước đó sẽ trầm trồ: ồ, hóa ra đã từng có một giọng ca ma mị từng ấy, cất lên những tiếng nức nở thảm sầu liêu trai chừng ấy.
Nói cách khác, Dustin Nguyễn đã không ghép được bài hát lẽ ra rất phù hợp với mạch phim vào đúng với phân đoạn và khuôn hình cần thiết.
Đấy cũng là một ví dụ cho thấy Dustin đang loay hoay, trong bộ phim thứ ba, mà cũng là trong sự nghiệp ngồi ghế chỉ đạo diễn xuất của anh. Dustin nói anh là một con người thích dấn thân, khám phá những thể loại mới. Anh không ngại ngần mạo hiểm, thậm chí lấy cái triển vọng là người đầu tiên gợi mở ra một thể loại nào đó làm niềm vui cho mình. Đấy là một tư duy làm phim đáng quý, giữa một thị trường làm phim đang có quá nhiều những phim hài và những sản phẩm kém chất lượng.
Và như thế, dẫu cho Bao giờ có yêu nhau chắc chắn không thể thành công được như Trúng số, nhưng nó vẫn đủ để tạo chỗ đứng riêng cho Dustin Nguyễn trong làng phim của Việt Nam. Chí ít anh đã không chịu thỏa hiệp ngay cả khi có cơ hội làm việc đó. Anh trân trọng cảm xúc, của bản thân lẫn khán giả. Điều ấy thật đáng quý, còn kỹ thuật làm phim, điều ấy hoàn toàn có thể cải thiện. Mà Dustin thì chưa bao giờ chịu đứng yên.
- Minh Trần