Các cuộc biểu tình quá khích tại một vài địa phương có các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan hoạt động trong thời gian vừa qua đã làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong khi chúng ta đang có chính nghĩa, đang được bạn bè quốc tếủng hộ trước việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan vào thềm lục địa nước ta vi phạm chủ quyền Việt Nam. Nếu những việc làm tự phát như vậy không được chấn chỉnh kịp thời thì sẽ làm quốc tế lo ngại, ảnh hưởng đến uy tín đất nước.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh và các lãnh đạo Quốc hội đều bày tỏ sự lo ngại đặc biệt trước tình trạng biểu thị lòng yêu nước một cách nông nổi. Hiện nhà đầu tư nước ngoài có phần lo lắng, nhất là các nhà đầu tư Trung Quốc và Đài Loan, bên cạnh đó là tâm lý bài trừ hàng hóa Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến quan hệ làm ăn giữa hai bên.
Mấy ngày qua, nhiều văn bản đã được gửi đến các đại sứ quán, hiệp hội, địa phương và đã có nhiều báo cáo gửi Chính phủ cho rằng cần có biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo an ninh, chấn chỉnh tình hình. Hình ảnh về môi trường đầu tư Việt Nam có thể bị ảnh hưởng rất xấu bởi những hành động tự phát như vậy.
Hôm cuối tuần, Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành và các tỉnh, thành phố tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia biểu tình trái pháp luật, hỗ trợ giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, giữ gìn an ninh trật tự và góp phần thiết thực bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Ngoại giao, các bộ ngành chức năng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố thông báo đến các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài với thông điệp đưa ra thật rõ ràng: Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương kiên quyết thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết theo đúng pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam, để bảo đảm an ninh và an toàn tuyệt đối cho các cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài tại Việt Nam.
Công nhân Công ty Esquel Garment Manufacturing (Vietnam) tại KCN Việt Nam – Singapore dọn dẹp nhà xưởng chỉnh trang lại máy móc chuẩn bị hoạt động trở lại trong tuần tới
Trong một diễn biến liên quan, chiều 17-5, Bộ Ngoại giao phối hợp với một số bộ ngành, địa phương đã tổ chức họp báo quốc tế để thông tin về việc xử lý một số đối tượng lợi dụng các đoàn tuần hành của công nhân để quấy phá, gây mất an ninh trật tự tại một số địa phương như Bình Dương, Hà Tĩnh…
Đồng thời các lực lượng công an cũng tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn an ninh con người tài sản đối với các tổ chức, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ổn định, khắc phục thiệt hại, nhanh chóng phân loại đối tượng bị bắt giữ, nhất là những đối tượng cầm đầu sẽ bị khởi tố điều tra, đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Bộ Công an khẳng định những người bị lôi kéo sẽ bị xử lý hành chính, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý hình sự.
Đã có nhiều bằng chứng cho thấy việc đập phá doanh nghiệp nước ngoài vừa rồi có sự xuất hiện và đứng sau của các phần tử xấu. Gần cả ngàn người bị bắt đã sáng tỏ một vài sự việc trong đó đáng chú ý là ở Bình Dương, một số đông công nhân được phát tiền để đi biểu tình.
Với hơn 16.000 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 237 tỉ USD tính đến cuối tháng 4-2014, vai trò của các doanh nghiệp FDI hết sức quan trọng.
Chính vì vậy, một hành vi sơ suất nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm lớn. Mới đây Trung Quốc và Đài Loan đã chính thức lên tiếng đòi Việt Nam bồi thường cho các doanh nghiệp của họ bị thiệt hại trong đợt biểu tình bạo động vừa qua. Điều này cũng dễ hiểu bởi trong cam kết đầu tư quốc tế, Việt Nam có nghĩa vụ phải bảo vệ nhà đầu tư, vì thế chúng ta cần phải nhanh chóng xem xét việc bồi thường cho nhà đầu tư bị thiệt hại, miễn giảm thuế, gặp gỡ trực tiếp các nhà đầu tư nước ngoài… để nhanh chóng giúp họ hoạt động trở lại bình thường. Dĩ nhiên tiền đền bù cho nhà đầu tư là từ ngân sách và có thể không phải là khoản tiền nhỏ.
Thế nhưng giải quyết thiệt hại của nhà đầu tư nước ngoài để họ an tâm, không chỉ là việc đền bù vật chất mà còn phải bao gồm một loạt biện pháp như xử lý nghiêm những người vi phạm, để nhà đầu tư thấy pháp luật nước ta được tuân thủ một cách nghiêm ngặt và quan trọng hơn là phải có sự cam kết của các địa phương rằng những chuyện như thế này không tái diễn nữa.
Việc bồi thường cho nhà đầu tư đang được thương lượng cụ thể trong quá trình gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo địa phương và nhà đầu tư. Thể hiện điều này, ngày 16-5 lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã tổ chức đi thăm hỏi và chính thức xin lỗi các doanh nghiệp bị thiệt hại do những hành động quá khích của người biểu tình gây ra.
Một đoàn công tác do ông Trần Thanh Liêm – Phó chủ tịch UBND tỉnh – dẫn đầu đã tới thăm và xin lỗi các nhà đầu tư tại khu công nghiệp Việt – Hương, Việt Nam – Singapore (VSIP 1).
Đáng mừng là tình hình đã được nhanh chóng cải thiện. Nhiều nhà đầu tư cho biết đã sẵn sàng nhập lại nguyên vật liệu và công nhân cũng sẵn sàng trở lại làm việc, nhưng yêu cầu địa phương tăng cường công tác bảo vệ và đảm bảo an ninh, an toàn cho doanh nghiệp.
Tại Công ty TNHH kỹ thuật điện tử chính xác Wei-mo, bà Đoàn Thị Hường – phụ trách phía Việt Nam) cho hay sau khi nhóm quá khích vào công ty, các ông chủ Đài Loan lo sợ đã về nước, đến nay vẫn chưa dám trở qua. Hiện công ty đang ổn định để chuẩn bị làm việc trở lại.
Ngày 16-5, bà Lợi Lợi – đại diện Công ty Freetrend (Hongkong), khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 – cho biết hơn 38.000 công nhân đã trở lại làm việc, sau hai ngày nhà máy tạm ngừng vì xảy ra sự cố công nhân tràn vào đập phá. Công ty đã cho công nhân tăng ca ngay trong ngày đi làm lại để làm bù cho thời gian bị gián đoạn hoạt động. Phần lớn công nhân biểu thị lòng yêu nước đúng mực và họ luôn muốn ổn định để quay lại đi làm kiếm sống.
Ngoài ra, khoảng 2.400 công nhân của Công ty TNHH Yujin Kreves Vina (100% vốn Hàn Quốc) trong khu vực này cũng đã trở lại sản xuất bình thường. Hầu hết công nhân đều rất vui khi công ty hoạt động trở lại và hy vọng mọi thứ sẽ không còn tái diễn.
Thông tin từ các đoàn khảo sát báo cáo về cho thấy tình hình tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đã tương đối ổn định, phần lớn các doanh nghiệp đã quay lại sản xuất bình thường, trong đó nhiều khu công nghiệp đã có 100% doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
Trưởng ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, ông Vũ Văn Hóa, kiến nghị UBND TP.HCM yêu cầu cơ quan hải quan giải quyết nhanh các thủ tục để giải phóng hàng hóa mấy ngày qua của doanh nghiệp bị ùn ứ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất kịp đơn hàng cho khách.
Cái giá phải trả cho hành vi thiếu kiềm chế khi biểu thị lòng yêu nước là không nhỏ kể cả vật chất lẫn tinh thần.
Ngọc Anh