Nhà báo Phan Quang, cương vị nhà báo từng kinh qua vài chục năm gần đây. Việc ông rời nhiệm sở năm 2003 khi đã tròn 75 tuổi, cũng là một trường hợp hiếm hoi trong làng báo. Thứ trưởng Bộ Thông tin, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội…
Dù đã về hưu nhưng ông vẫn gắn bó với nghiệp viết lách. Nhờ đầu óc luôn bận rộn nên ông vẫn giữ được sự minh mẫn, dẫu gánh nặng tuổi tác đã lấy đi của ông ít nhiều sức khỏe. Mặc dù không được “sung sức” lắm, nhưng ông vẫn đồng ý thu xếp cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần một cuộc trò chuyện tại nhà riêng, nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, Hà Nội.
____
Ông suy nghĩ thế nào về vai trò trung gian của báo chí và người viết báo trong xã hội hiện nay?
Ngày xưa, báo chí được hiểu là báo in, cả tiếng Pháp và tiếng Anh đều gọi chung là press, nó vốn là một thuật ngữ của ngành in. Cùng với sự ra đời và phát triển của các loại hình báo chí khác, từ phát thanh, truyền hình cho đến truyền thông đa phương tiện, thì press không còn đầy đủ nữa. Bây giờ, người ta hay dùng mass media, gọi tắt là media, để chỉ báo chí nói chung.
Từ media gốc tiếng Latin, có nghĩa là trung gian. Như vậy, nội hàm của báo chí đã thể hiện vai trò trung gian. Từ một nguồn tin, nhà báo thu thập, xử lý thành “thông điệp”, nói theo thuật ngữ của ngành truyền thông, để truyền tải đến công chúng. Vai trò trung gian là một vấn đề được xem là cơ bản của báo chí. Việc thiếu hoặc không quan tâm đến nó một cách đầy đủ sẽ dẫn đến xử sự không chuẩn xác.
____
Ông có thể nói rõ hơn?
Nội dung thông điệp luôn bị chi phối bởi tính chủ quan của người truyền tải, đó là nhà báo. Thí dụ, tôi đi làm về, thấy ba bà hàng xóm đang xúm xít ở cầu thang khu nhà tập thể, bàn tán về việc hai vợ chồng ở căn hộ tầng hai cự cãi nhau, dẫn đến xô xát, khiến tổ dân phố phải can thiệp. Bà thứ nhất nói: “Bà vợ chua ngoa lắm, cãi chồng nhem nhẻm. Ông chồng nóng tính, tát cho một cái là phải”. Bà thứ hai không đồng tình: “Bà nói thế nào ấy chứ. Thời buổi này, đàn ông đánh phụ nữ là bạo hành gia đình. Vợ nói gì thì nói, chồng cũng không được phép đánh vợ”. Bà thứ ba bình luận: “Vợ chồng nhà ấy hồi trước như đôi chim cu.
Cứ đến chiều thứ bảy là diện ngất trời, chở nhau đi nhảy đầm đến khuya, có khi hai, ba giờ sáng mới về, vui vẻ lắm. Từ hôm công việc làm ăn thất bại, hai người mới sinh ra điều to tiếng nhỏ”. Như vậy, họ không hề bóp méo sự thật về vụ xô xát, nhưng mỗi người có cách nhìn sự việc riêng và lý giải theo cách nhìn của mình. Vậy nên, vai trò trung gian của báo chí đòi người làm báo phải có kiến thức tương đối rộng, phải hiểu biết cuộc đời và có khả năng phán xét. Rất nhiều cái tin rút từ trên mạng xuống, vội vàng đưa in lên tờ báo của mình, không thể hiện quan điểm rõ ràng, có khi phi chính trị; hoặc là cùng một vấn đề mà mỗi tờ báo đưa một kiểu, nội dung đối chọi nhau do nguồn tin khác nhau, cách nhìn khác nhau.
Ngay cả trong trường hợp nguồn tin chân thực thì việc mình bê nguyên xi nội dung của nước ngoài, vô hình trung thể hiện quan điểm của người ta. Chẳng hạn, đưa một bản tin về việc nguyên thủ một nước chúng ta đang có quan hệ ngoại giao, mà dám gọi vị ấy là “kẻ sát nhân” – cho dù người ta có thể có cái lý của người ta – thì vừa không nghiêm túc, không lịch sự, vừa có thể gây nên những rắc rối không đáng về quan hệ đối ngoại.
____
Với trường hợp này, liều lượng thông tin như thế nào là phù hợp?
Chúng ta vẫn đưa tin, nhưng cần trích nguồn cụ thể. Người đọc khắc hiểu. Nội dung bản tin không có bình luận, nhưng vẫn có thể chỉ rõ tờ báo ấy thuộc một đảng phái đối lập với vị tổng thống kia, chẳng hạn. Ở chính trường phương Tây, việc người ta phanh phui đời riêng của đối thủ chính trị và đả kích nhau là chuyện không hiếm. Đối với ta có khác.
Giả sử một tờ báo nước ngoài đả kích nguyên thủ của nước mình thì dù quan điểm chính trị của riêng mình có hoàn toàn nhất trí với quan điểm của vị ấy hay không, chúng ta vẫn không thể không lên tiếng, bởi nguyên thủ là người đại diện cho quốc gia. Gọi đó là ‘tự ái dân tộc” cũng được. Chúng ta ứng xử với nguyên thủ nước ngoài theo quan điểm ấy.
____
Trong hơn nửa thế kỷ làm báo, hẳn rằng ông đã nhiều lần “lên tiếng’?
Thế hệ chúng tôi nhiều người học trường Tây, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, biết ơn văn hóa Pháp nhưng điều đó không ngăn cản chúng tôi cầm súng đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Trong thời bình cũng vậy thôi.
Xin kể lại một thí dụ. Đầu thập niên 1990, Đài phát thanh Pháp Quốc tế (RFI) hồi ấy còn trực thuộc Radio France, tức cơ quan chính thức của nước Pháp, có phát một bản tin có nội dung không thiện chí về Việt Nam. Cũng vấn đề đó, nhưng bản tin của TTXVN và nhật báo Thái Lan Bangkok Post, đều trích dẫn nguồn ban đầu của hãng tin Mỹ UPI, thì nội dung về thực chất không đến nỗi tệ như tin phát trên RFI. Trong buổi tiếp bà Catherine Tasca, Quốc vụ khanh đặc trách khối Pháp ngữ sang thăm chính thức nước ta, tôi đã “đấu” với bà ấy rất dữ về việc RFI bóp méo thông tin để nói xấu Việt Nam.
Bà ấy hỏi chứng cứ? Khi tiễn bà bộ trưởng ra về, tôi đưa cho bà một tệp tư liệu gồm bốn bản tin cùng đưa một vấn đề với nội dung khác nhau. Tuần tiếp theo ngay sau đó, tôi có việc qua Pháp, bà Catherine Tasca biết tin, mời đến tiếp đón chúng tôi nồng hậu. Tuyệt nhiên, không ai đả động đến chuyện cũ. Chắc họ đã nhận ra cái sai qua các tư liệu cụ thể, và việc tranh luận giữa bạn bè với nhau cho dù gay gắt, không ảnh hưởng đến tình thân hữu. Hơn nữa, có vẻ như người ta sau đó nể trọng mình hơn.
____
Thông tin được xem là một thứ vốn liếng của nhà báo. Tường thuật cuộc gặp mặt báo chí khu vực Nam Bộ ngày 8/1/2010 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, báo Vietnamnet dẫn lời một Tổng biên tập rằng: “Hiện nay, phóng viên tác nghiệp cực kỳ khó khăn, hình như “chạm” đến ai cũng bị từ chối cung cấp thông tin…”. Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
Hành động khước từ không chịu cung cấp thông tin, trừ các vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia, là không đúng. Dưới chế độ ta, mọi việc phải tiến tới công khai, minh bạch. Đặc biệt những vấn đề thuộc về công vụ, tức là có quan hệ đến quyền và nghĩa vụ của mọi người dân. Chúng ta phải đấu tranh cho quyền của người dân và của báo chí được thông tin và tiếp xúc thông tin, trở thành hiện thực, chứ không chỉ là khẩu hiệu.
Quyền này được quy định rõ trong Luật Báo chí của chúng ta, ban hành cách nay một phần tư thế kỷ, và được nêu cụ thể trong Hiến pháp năm 1992, mà tôi có vinh dự là một Đại biểu Quốc hội thời gian Quốc hội bàn và quyết định việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp hiện hành thời ấy. Tôi rất mừng về việc Quốc hội thông qua, đưa “quyền được thông tin” thành một nội dung trong một điều khoản của Hiến pháp (Điều 69, Chương “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Báo chí có quyền đấu tranh với những người cố tình bưng bít thông tin, đòi hỏi sự minh bạch trong công vụ, qua đó giành lại quyền tác nghiệp một cách chính đáng của mình, đã được quy định bởi pháp luật.
____
Đấu tranh bằng phương tiện gì?
Báo chí. Đó là phương tiện duy nhất của những người làm báo.
Có một thực tế hiện nay là nhiều người cho rằng “đọc báo chán quá” vì ngoài những thông tin như ăn gì, mua gì và tin “cướp – giết – hiếp”, khó tìm thấy những bài viết sâu sắc về định hướng phát triển của đất nước, những vấn đề của xã hội, những điểm sáng…
Tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng, chỉ vì bị “bưng bít thông tin” cho nên bạo lực, sex … xuất hiện nhiều trên mặt báo. Cuộc sống vốn rất phong phú. Có điều thế giới đang chuyển động rất nhanh, đời sống của đất nước ta rất phong phú, nhà báo cần biết chọn lọc thông tin, vừa đảm bảo lợi ích của dân tộc, vừa thỏa mãn nhu cầu thông tin của công chúng, không làm cho người ta chán. Cái quan trọng nữa, nhà báo không nên chỉ nhằm mục đích cốt làm sao bán cho được nhiều báo, và vì thế không ngại ngùng hạ thấp chất lượng thông tin. Việc này nói dễ làm khó, cho nên tất cả chúng ta đều cùng phải cố gắng.
____
Ngoài yếu tố “thế giới đang chuyển động rất nhanh”, nhà báo còn chịu một áp lực rất lớn là sức ép về thời gian. Vì vậy, đôi khi nhà báo không kịp kiểm chứng nguồn tin, dẫn đến thông tin bị sai lệch?
Sức ép thời gian là một thực tế. Cùng một sự kiện xảy ra, chỉ mấy phút sau, đã được tường thuật chi tiết trên báo mạng. Ông chủ nhiệm báo Le Monde của Pháp từng có dịp than phiền rằng “tình trạng chịu sức ép quá nặng về thời gian làm suy giảm đạo đức của nhà báo”. Vì không kịp kiểm chứng độ xác thực của thông tin, không kịp hiểu ra bản chất của nó, có những nhà báo sau đó đã phải hối tiếc, tại mình đã quá vội vàng, ham chuộng chạy đua với thời gian, để đến nỗi không làm tròn trách nhiệm trước độc giả.
Với tốc độ phát triển như hiện nay của khoa học và biến chuyển xã hội, nhà báo dễ bị hụt hơi. Có thể giảm bớt áp lực thời gian, tức là vẫn coi trọng thời gian nhưng không để thời gian chi phối, qua việc nhà báo đầu tư nhiều chất xám hơn cho chất lượng tin, bài. Cùng một sự kiện, nhà báo phải biết xử lý để gạn lọc được những thông tin hay, bớt đi những thứ có vẻ hấp dẫn mà thực tình vô bổ. Muốn vậy, nhà báo phải có tài năng, kiến thức, đạo đức, và nhất thiết phải lao động hết mình.
____
Thực tế công việc đòi hỏi rất cao nhưng các cơ sở đào tạo cử nhân báo chí hiện nay, nơi cung cấp lao động, bị phàn nàn quá nhiều về chất lượng “đầu ra”…
Việc các cử nhân báo chí mới ra trường chưa tác nghiệp một cách thành thạo, theo tôi, là chuyện bình thường. Ngành nào cũng vậy, đâu phải riêng cử nhân báo chí? Trên thế giới này, có bao nhiêu người vừa rời khỏi ghế nhà trường, thậm chí chưa học xong đại học, vào đời đã chói sáng ngay như Bill Gates? Khoảng một phần ba cử nhân báo chí ra trường hằng năm rồi đây có thể trụ lại được với nghề, đã là tốt. Trong số này, may ra thì một nửa sẽ thành đạt với mức độ khác nhau. Việc đòi hỏi có thật nhiều những ngôi sao trong làng báo là hơi khó, bởi sao, đích thực là sao, thời nào cũng hiếm, ở đâu cũng hiếm.
Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng mình nên nhìn nhận thực tế trên một cách bình tĩnh, khách quan. Công việc đào tạo và bồi dưỡng nhà báo mấy chục năm qua đã có sự thay đổi về chất. Ngoài báo viết, còn có báo hình, báo nói, báo mạng và các thể loại chuyên, ngày càng đi vào chiều sâu. Đào tạo báo chí thuộc về giáo dục chuyên ngành, nhưng nằm trong hệ thống giáo dục chung. Nền giáo dục đại học của nước ta còn nhiều bất cập thì đào tạo báo chí còn những mặt bất cập là điều dễ hiểu. Thay vì phê phán, đòi hỏi người khác, mỗi người chúng ta nên tự nhận ra những cái yếu của mình, tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục từng bước. Như vậy sẽ thiết thực hơn, có ích hơn là chỉ kêu ca chất lượng đào tạo.
Trên bình diện cá nhân, mỗi người nên tự coi mình một nhà báo bình thường, “tầm tầm”, và không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thiện dần bản thân. Tài năng, như nhiều nhà hiền triết cổ kim đã nói, là sự cần cù.
____
Được thừa nhận là một “cây đa cây đề” trong làng báo, ông có lời khuyên gì đối với những đồng nghiệp trẻ?
Tôi nghĩ cứ dựa vào tuổi tác, lấy tư cách “cha, chú” để khuyên các đồng nghiệp trẻ của mình là việc không nên. “Cây đa cây đề” thì thường cỗi. Cành lá trông xanh tốt thế thôi chứ bên trong có khi thân đã mục ruỗng hết rồi. Ngồi dưới tán “cây đa cây đề”, lỡ cây sụm xuống, vong mạng như chơi. Các bạn trẻ chớ nên dại nấp bóng cây đa cây đề.
Bây giờ các bạn trẻ giỏi hơn thế hệ tôi nhiều, các bạn được học hành đàng hoàng. Thế hệ chúng tôi đâu có được đào tạo như các bạn. Mình vào nghề báo như một người tự dưng bị ném xuống sông, phải cố ngụp lặn, tìm cách ngoi lên nếu không muốn chết chìm.
Mình vào nghề báo như một người tự dưng bị ném xuống sông, phải cố ngụp lặn, tìm cách ngoi lên nếu không muốn chết chìm.
____
Theo ông, tính trung thực của báo chí được hiểu như thế nào? Phải chăng nhà báo có quyền tìm kiếm thông tin bằng mọi cách vì cứu cánh biện minh cho phương tiện? Mục đích tốt thì phải chăng có thể dùng những biện pháp nghiệp vụ xấu như nghe lén, thu âm lén…
Tôi cho rằng “cứu cánh biện minh cho phương tiện” là cách nói thực dụng, thậm chí phi đạo lý. Thử nêu trường hợp: một người đàn ông dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt trái tim của một cô gái. Khi tình yêu không đến từ hai phía thì cuộc hôn nhân khó thể bền chặt. Đến một lúc nào đó cô gái sẽ khám phá ra sự thật, mọi ảo tưởng sẽ vỡ tan như bong bóng xà bông.
Ngoài Luật Báo chí, nhà báo còn chịu sự điều chỉnh của Luật Dân sự. Theo đó, xâm phạm đời tư người khác bằng cách này hay cách khác đều là hành vi vi phạm pháp luật. Vì lý do an ninh quốc gia, đúng là cơ quan chức năng của nước nào cũng có tổ chức nghe lén, đặt máy thu âm trộm một số đối tượng…, nhưng những hoạt động này vẫn phải tuân thủ giới hạn luật pháp của từng quốc gia, phải được Quốc hội (chứ không phải Chính phủ) cho phép bằng luật. Một bài học kinh điển cho những người làm báo là vụ Watergate, khiến Tổng thống Mỹ Nixon mất chức một cách bẽ bàng. Theo tôi, trong bất kỳ trường hợp nào, nhà báo cũng phải tác nghiệp “sạch sẽ”, phải đàng hoàng, trung thực khi hành nghề.
Phải trung thực trong cuộc sống mới có thể trung thực với nghề nghiệp.
____
“Trung thực” có phải là phẩm chất quan trọng nhất của một nhà báo?
Trung thực không chỉ là phẩm chất quan trọng nhất của nhà báo, mà còn là đạo lý làm người. Một người thiếu trung thực, luôn tìm cách nói xấu cấp trên, đố kỵ người đồng cấp, chèn ép cấp dưới, hoặc ngược lại luồn lọt cấp trên, mua chuộc cấp dưới, thì tôi không tin là khi làm nghề báo chí, người đó có thể thông tin một cách trung thực, khách quan. Phải trung thực trong cuộc sống mới có thể trung thực với nghề nghiệp.
____
Sự trung thực đôi khi phải trả giá…
Thì thiên hạ vẫn có câu than: “Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt” mà. Nhưng không vì sợ “thua thiệt” mà những người làm báo thôi “thẳng thắn, thật thà”.
____
Ở tuổi 82, tên ông vẫn xuất hiện trên báo. Viết đối với ông là một nhu cầu tự thân?
Hằng ngày tôi vẫn quan sát, vẫn đọc, vẫn lắng nghe với đôi tai chắc đã suy giảm độ nhạy vì… xơ cứng do tuổi tác. Lẽ tự nhiên, tiếp cận với cuộc đời, với văn hóa phẩm thì sẽ nảy sinh suy nghĩ, đã nảy ra suy nghĩ thì tự nhiên có cái gì đó thôi thúc mình ngồi vào bàn viết. Viết vừa là nhu cầu tự thân, vừa là sự giải tỏa, giúp mình giữ được sự minh mẫn, cân bằng. Dao có mài mới sắc.
Trí óc cũng như cơ bắp, phải vận động luôn thì mới đỡ teo tóp (hay là chậm teo tóp lại chút nào) vì thời gian. Tôi bái phục những vị lớn tuổi hơn tôi nhiều mà vẫn viết đều đặn. Nhà văn Tô Hoài vẫn nói, đối với ông, viết là sự vận động, cũng như tập thể dục hay đi bộ hằng ngày. Các nhà văn hóa Vũ Khiêu, Hữu Ngọc… là những tấm gương. Có người không viết thì đổ bệnh.
Trường hợp riêng tôi, lao động một phần nhỏ cũng tại “sức ép” của đồng nghiệp. Tôi được anh em thương, gửi báo cho đọc năm này sang năm khác. Cận Tết, hay sắp tới ngày kỷ niệm gì đó, anh em gọi điện thoại hay đến nhà, “nhờ bác viết cho một bài”, không yêu cầu đề tài, ngắn dài tùy thích, hay “bác trả lời cho mấy câu phỏng vấn”… Tình nghĩa đến thế mà mình cứ lúc nào từ chối thì kỳ quá. Lại phải cố gắng. Tuy nhiên, ở tuổi này, đụng đến những vấn đề gay cấn không có lợi cho sức khỏe. Ban ngày hăng hái thì ban đêm khó ngủ. Cho nên đôi khi cũng phải làm như thể mình là anh chàng không biết điều.
Viết vừa là nhu cầu tự thân, vừa là sự giải tỏa, giúp mình giữ được sự minh mẫn, cân bằng.
____
Xin hỏi thêm ngoài rìa một đôi câu. Tháng 8/2005, Nhà xuất bản Thông tấn cho ra mắt cuốn sách có tựa đề là Nghề báo, nghiệp văn…, tập hợp một số bài viết, bài nói, suy nghĩ, bài trả lời phỏng vấn của ông. Nếu không chọn báo là nghiệp, đâu là lý do ông gắn bó với nghề này? Ông có hối tiếc vì sự lựa chọn của mình?
Tôi gọi “nghề báo” vì đó là công tác được giao, là công việc hằng ngày. Tôi không có quyền lựa chọn. Có công tác thì phải làm. Và cố làm cho tốt. Còn “nghiệp” thì khó nói lắm, hình như trời sinh ra vậy, ở đời, “đã mang lấy nghiệp vào thân…”. Nói cho vui thôi, tôi có thể tiếc, nhưng tôi không bao giờ hối.
____
Từ ngày ông rời nhiệm sở đến nay đã được bảy năm. Liệu khoảng thời gian này còn kịp để ông theo đuổi “nghiệp văn”?
Bạn đã nghe ai khoe khoang là mình “khởi nghiệp” khi đã quá tuổi cổ lai hy chưa?
____
Đến hẹn lại lên, còn ít ngày nữa là đến Ngày báo chí Việt Nam 21-6. Nên chăng, đây cũng là dịp để nhà báo làm một cuộc tự kiểm. Tại sao không?
Tự kiểm? Tôi nghĩ không. “Nhìn lại” thì nên. Sao lại cứ nghĩ phải “tự kiểm”? Xin nói rõ ý tôi. Từ “tự kiểm” vốn có hai nghĩa. Tự kiểm là mình nhìn lại mình, có hay có dở, thế thì tốt quá. Nhưng vì có “kiểm” ở trong ấy, cứ nghe đến là tự nhiên tôi liên hệ tới kiểm tra, kiếm soát, kiểm điểm, biết đâu có kiểm sát nữa…, kinh quá. Sợ đụng vào đâu, rồi cũng ra vấn đề chăng?
Hôm nay tôi trả lời bạn phỏng vấn, để bạn có bài dùng vào dịp 21/6 tới. Bạn muốn coi những điều chúng ta vừa lan man với nhau là tôi “tự kiểm” cũng chẳng sao, tôi không phản đối.
____
Xin cảm ơn ông đã dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần cuộc trò chuyện thú vị này.