Mỗi bàn chân của chúng ta có 33 khớp xương, 100 gân, rất nhiều cơ, dây chằng, vô số các các dây thần kinh và mạch máu nối liền với tim, cột sống và hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, theo bác sĩ Jane Anderson, Chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ chuyên về sức khỏe bàn chân Hoa Kỳ (American Association of Women Podiatrics), thường xuyên kiểm tra sức khỏe của đôi bàn chân là cách để phát hiện nhiều vấn đề sức khỏe của cơ thể, từ bệnh tiểu đường tới tình trạng thiếu dinh dưỡng thường gặp. Sau đây là những biểu hiện bệnh có thể gặp phải ở bàn chân:
Móng chân bị trũng và tái nhợt
Người có móng chân bị trũng xuống hình muỗng thường bị thiếu máu (do thiếu chất sắt) từ mức trung bình đến nghiêm trọng, do các tế bào máu không có đủ huyết cầu tố (một loại protein giàu chất sắt chuyên mang oxy đi nuôi khắp cơ thể). Những dấu hiệu khác cho thấy hiện tượng thiếu máu là móng tay và móng chân tái nhợt, móng mảnh, dễ gãy và bàn chân lạnh kèm theo tình trạng mệt mỏi thường xuyên, hay thở dốc, hay đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe để tìm nguyên nhân thiếu máu. Chú ý uống thuốc bổ sung chất sắt, thay đổi chế độ ăn uống để tăng chất sắt và vitamin C từ thực phẩm.
Bàn chân bị chuột rút
Người thường xuyên bị chuột rút ở bàn chân có thể do máu lưu thông kém hoặc chế độ ăn uống thiếu Canxi, Kali hoặc Magie, hay xảy ra ở người thừa cân và phụ nữ mang thai ở giai đoạn cuối. Ở người bình thường, chứng chuột rút có thể xảy ra khi đang đi lại hoặc nằm ngủ, gây cứng cơ hoặc đau co thắt rất khó chịu.
Khi bị chuột rút chúng ta cần xoa bóp nơi bị đau với dầu nóng, cồn hoặc chườm túi nước lạnh. Để tránh bị chuột rút lúc nửa đêm, chúng ta nên uốn cong bàn chân trước sau và uống một ly sữa ấm trước khi ngủ.
Nứt da hoặc sưng tấy ở bàn chân
Hiện tượng nứt da, sưng đau dưới bàn chân có thể là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Mức đường huyết cao làm tổn thương dây thần kinh ở chân, gây ra những vết nứt da, sưng tấy, chảy mủ và có mùi. Nếu không được điều trị, các vết loét này có thể dẫn đến nhiễm khuẩn, đôi khi phải cắt bỏ chân.
Ngoài vết thương gây đau đớn ở bàn chân thì những triệu chứng khác của bệnh tiểu đường cần được chú ý là khát nước, hay đi tiểu, mệt mỏi, mắt nhìn thấy mờ, ăn nhiều và sụt cân.
Bàn chân lạnh
Phụ nữ trên 40 tuổi có bàn chân lạnh có thể là do bệnh tuyến giáp hoặc máu kém lưu thông. Các triệu chứng khác cho thấy chức năng của tuyến giáp bị suy giảm là mệt mỏi, trầm cảm, sụt cân, da khô. Bệnh chân lạnh thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, trừ khi bệnh liên quan đến mạch máu. Cách tốt nhất là dùng vớ để giữ chân luôn ấm hơn.
Móng chân dày cộm và ngả màu vàng
Đây là dấu hiệu của triệu chứng nấm móng chân. Bệnh nấm móng thường chỉ gây mất thẩm mỹ, ít khi gây đau đớn cho tới khi tình trạng nhiễm khuẩn nặng nề, lan dần ra tất cả các móng chân và móng tay. Đôi khi, móng bị nấm ngả sang màu đen và có mùi khó chịu, hay gặp ở người bị tiểu đường hoặc viêm đa khớp…
Nấm móng cần chữa trị kết hợp thuốc bôi, thuốc uống và cắt đi phần móng bị nấm để tránh lây lan bệnh sang các móng khác.
Ngón chân sưng tấy vào buổi sáng
Người có ngón chân sưng tấy vào buổi sáng thì nên cẩn thận với bệnh gout, một dạng viêm khớp, xảy ra khi cơ thể dư nhiều acid uric. Sự tích tụ acid uric tạo thành những tinh thể hình kim, đặc biệt khi nhiệt độ cơ thể thấp. Cần phát hiện và điều trị ngay khi chỉ có ngón chân cái sưng tấy khi thức dậy để tránh bệnh ngày càng xuất hiện nhiều ở các khớp khác ở chân và tay.
Cảm giác kim châm ở hai bàn chân
Hiện tượng mất cảm giác và giống như bị kim châm ở hai bàn chân là dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh thần kinh ngoại biên có nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất là bệnh tiểu đường hoặc uống quá nhiều rượu bia. Ngoài ra, phương pháp hóa trị liệu trong điều trị ung thư cũng thường gây tổn thương đến bộ phận này. Ngoài triệu chứng ở hai bàn chân, cảm giác như kim châm hoặc nóng đỏ có thể xuất hiện ở hai bàn tay, lan dần sang cánh tay. Hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh thần kinh ngoại biên, việc điều trị chỉ nhằm giảm đau, giảm các triệu chứng khó chịu và để bệnh không nặng thêm.
Đau các khớp xương ngón chân
Hiện tượng sưng và đau ở các khớp xương nhỏ nhưở ngón chân và các đầu xương bàn tay có thể là triệu chứng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp, một dạng thoái hóa khớp thường gặp. Cơn đau xuất hiện đột ngột, có sự đối xứng giữa hai bàn chân. Phụ nữ có nguy cơ bị bệnh này gấp bốn lần đàn ông.
Chúng ta nên điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp sớm để giảm dần các cơn đau và tránh biến chứng lệch ngón hay biến dạng bàn chân.
Ngón chân có nhiều vết lằn
Người có móng chân dày, ngả màu vàng nâu, xuất hiện những vết lằn hoặc đốm trắng có thể bị bệnh viêm khớp vảy nến. Đây là căn bệnh ảnh hưởng cả khớp và da ở đầu ngón chân, gây khô da, sưng đỏ và đau đớn. Bệnh phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể chữa khỏi, tránh nhiễm khuẩn và biến dạng cả bàn chân.
Không nhấc nổi bàn chân khi bước đi
Việc nhấc cao bàn chân khi bước đi gây đau đớn là dấu hiệu của sự thương tổn dây thần kinh hay cơ bắp bắt nguồn từ lưng, vai hoặc cổ. Thuốc sử dụng trong các phương pháp hóa trị liệu cũng có thể gây ra tác dụng phụ này. Ngoài ra, người bệnh cũng cảm thấy đau hay tê ở phần cẳng chân hay cột sống nên thường phải kéo lê bàn chân trên mặt đất. Việc điều trị thường là sử dụng thuốc kéo dài kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu.
Da chân khô và dễ bong ra từng mảnh
Đây là dấu hiệu bệnh nấm da chân, thường bắt đầu với các triệu chứng da khô, ngứa và phồng rộp. Sau đó, lớp phồng rộp bong ra, lây lan khắp bàn chân. Bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở các kẽ ngón chân, lan dần xuống gan bàn chân và các phần khác trên cơ thể như nách, háng… Khi bệnh nhẹ, chúng ta có thể tự chữa bằng cách ngâm chân trong nước ấm rồi lau khô trước khi bôi thuốc. Nếu bệnh không thuyên giảm trong vòng hai tuần thì phải kết hợp cả thuốc uống và thuốc bôi trị nấm.
Bàn chân bị đau thốn khi bước đi
Một số người bị đau thốn khi bước đi, có thể do một xương nào đó ở bàn chân bị gãy. Các xương gãy này có thể do sự suy giảm mật độ xương đối với phụ nữ ngoài tuổi mãn kinh hoặc một dạng thiếu dinh dưỡng như thiếu vitamin D hay kiêng khem quá mức. Do vẫn đi lại được trên bàn chân có xương bị gãy trong nhiều năm nên ít người đến bác sĩ kiểm tra và điều trị. Thực tế thì bệnh suy giảm mật độ xương nên được phát hiện để điều trị để tránh tình trạng xương bị gãy ở những bộ phận khác trong cơ thể.
Đầu ngón chân hình chùy
Khi các đầu ngón chân bị sưng to quá mức có thể là biểu hiện của hội chứng ngón chân hình chùy. Đây là dấu hiệu thường gặp của bệnh phổi nghiêm trọng, trong đó có bệnh xơ hóa phổi và ung thư phổi. Ngoài ra, một số bệnh về tim hay ruột – dạ dày cũng có thể có biểu hiện ngón chân, ngón tay hình chùy. Hội chứng này cần kiểm tra và điều trịở bác sĩ nội khoa.
Đau nhói ở gót chân
Gót chân đau nhói là biểu hiện của hội chứng viêm dải mô liên kết chạy dọc dưới bàn chân do bị căng quá mức. Cơn đau thường bắt đầu khi thức dậy vào buổi sáng và tăng dần vào buổi chiều tối. Thông thường, bệnh nhân chỉ đau ở một hoặc hai gót chân nhưng dần dần, cơn đau xuất hiện ở cả gan và mu bàn chân. Cơn đau càng tăng khi người bệnh đi lại nhiều hoặc thừa cân. Nếu bị đau nhiều tuần liên tiếp thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa cơ – xương – khớp để được điều trị bằng thuốc và sử dụng miếng đệm lót giày.
Bàn chân nặng mùi
Bàn chân là nơi có nhiều hạch tiết mồ hôi nhất trong tất cả các bộ phận trên cơ thể. Khi bạn đi giày hay vớ liên tục trong nhiều giờ, bàn chân không thể thoát mồ hôi, tạo môi trường ẩm để vi khuẩn sinh sản, tạo mùi khó chịu.
Bệnh chân nặng mùi có thể tự chữa bằng cách thường xuyên rửa chân với xà bông khử trùng, giữ khô và dùng thuốc bôi trị mùi mồ hôi chân. Giày và vớ nên sử dụng vật liệu thiên nhiên để tăng tính hút ẩm.