Mark Zuckerberg, nhà sáng lập kiêm CEO Facebook, đang gặp biến cố lớn nhất trong vòng 14 năm điều hành hoạt động của mạng xã hội này, với scandal lộ thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng.
Khi thông tin cá nhân bị lạm dụng
Sự việc bắt đầu vào cuối tháng 3-2018, khi Christopher Wylie – một cựu nhân viên của Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica có trụ sở tại London – cáo buộc khối dữ liệu khổng lồ của người dùng Facebook bị thu thập trái phép từng được sử dụng để tạo ảnh hưởng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Christopher Wylie giải thích với CNN rằng: “Nếu có một người tải ứng dụng về, chúng tôi sẽ có thông tin của khoảng 200 đến 300 hồ sơ (chủ tài khoản và bạn bè của họ), quá trình này diễn ra rất nhanh chóng”.
Điều đáng nói, hầu hết người dùng Facebook đều không biết rằng các thông tin của mình bị bí mật thu thập.
Tiến sĩ Timothy C. Summers thuộc Đại học Maryland (Mỹ) phát biểu: “Bạn cho rằng Facebook là nơi lý tưởng để chia sẻ thông tin với gia đình và bạn bè vì nó là không gian riêng? Thực tế, bạn đang cung cấp thông tin cho những công ty sử dụng Facebook để thu thập dữ liệu”. Ông Summers khẳng định: “Tất cả dữ liệu từ thông tin cá nhân của bạn dùng để hiểu rõ bạn là ai với độ chính xác rất cao”.
Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2013 của nhà khoa học hàng đầu về dữ liệu Michal Kosinski cùng một số đồng nghiệp đã phát hiện nút “like” có thể sử dụng một cách vô cùng chính xác để dự đoán các thuộc tính cá nhân của người sử dụng.
Thông qua phím “like”, Kosinski cùng các đồng nghiệp có thể dự đoán được người sử dụng là da trắng hay da đen với độ chính xác lên đến 95%, là nam hay nữ với độ chính xác 93%, là người theo đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa với độ chính xác 85%.
Cũng theo một nghiên cứu được Kosinski công bố năm 2015, chỉ với 10 like, một máy tính có thể hiểu bạn hơn so với đồng nghiệp. Với 70 like, chúng có thể hiểu bạn hơn bạn bè của bạn, với 150 like sẽ hiểu hơn các thành viên trong gia đình và với 300 like, chúng sẽ biết về bạn nhiều hơn cả người yêu hoặc vợ/chồng bạn.
Đối diện với các cuộc điều trần
Mark Zuckerberg đang đối diện với các cuộc điều trần trước nhiều chính phủ và tổ chức lớn trên thế giới về vụ bê bối lộ dữ liệu người dùng vừa qua.
Trước những áp lực cực lớn, CEO 33 tuổi quyết định từ chối xuất hiện trực tiếp trước Nghị viện Anh để lý giải về vai trò của công ty này trong vụ bê bối, nhưng chấp nhận làm điều tương tự với Quốc hội Mỹ.
Mọi chuyện không dừng lại ở mức độ giải trình mà thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Thông tin từ Bloomberg cho biết ngày 26-3 vừa qua, Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) thông báo đã chính thức tiến hành điều tra Facebook và khẳng định cơ quan này quan ngại sâu sắc về công tác bảo vệ thông tin người dùng Facebook.
Còn tại khu vực châu Âu, Ủy viên Tư pháp của Liên minh châu Âu (EU) Vera Jourova và Bộ trưởng Tư pháp Đức Katarina Barley cũng đã có một cuộc gặp với đại diện của Facebook ở châu Âu. Họ đã yêu cầu Facebook thông báo chính thức về việc có người dùng châu Âu nào bị ảnh hưởng trong vụ bê bối hay không.
Cuối cùng, về khía cạnh tài chính, tính từ thời điểm ngày 29-3 cổ phiếu của Facebook đã giảm 20%, khiến công ty này mất gần 80 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường. Bản thân Mark Zuckerberg cũng tổn thất nặng nề khi tài sản của ông giảm khoảng 14 tỉ USD (giá trị tài sản còn ở mức 61 tỉ USD).
Hôm 11-4, CEO Facebook đã tham gia phiên điều trần đầu tiên trước Thượng viện Mỹ kéo dài gần năm tiếng đồng hồ. Trước 44 nghị sĩ, Mark Zuckerberg thừa nhận: “Rõ ràng chúng tôi đã không nỗ lực đủ để ngăn các công cụ được sử dụng vào mục đích xấu. Đó là những tin phịa, là sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử, các phát biểu mang tính thù địch, cũng như an toàn dữ liệu cá nhân và các nhà phát triển ứng dụng. Chúng tôi đã không có cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình. Và đó là sai lầm lớn. Tôi xin lỗi. Tôi đã lập ra Facebook, điều hành nó và sẽ chịu trách nhiệm với mọi việc xảy ra tại đây”.
Trong phiên điều trần, Mark Zuckerberg phủ nhận việc Facebook độc quyền và khẳng định họ là một hãng công nghệ, chứ không phải truyền thông. Ông cũng bảo vệ mô hình kinh doanh cốt lõi của công ty: “Chúng tôi cho rằng đưa ra một dịch vụ được quảng cáo hỗ trợ là phù hợp nhất với sứ mệnh kết nối mọi người trên thế giới. Chúng tôi muốn có một dịch vụ miễn phí mà ai cũng có thể dùng được”.
Sau phiên điều trần, cổ phiếu Facebook đã tăng tới 4,6%, lên hơn 165,30 USD – mức cao nhất kể từ ngày 23-3 vừa qua.
Những câu hỏi chưa được giải đáp
Một ngày sau đó, Mark Zuckerberg đã có phiên điều trần thứ hai tại Ủy ban Năng lượng và Thương mại thuộc Hạ viện Mỹ.
Không giống như phiên điều trần tại Thượng viện, 55 dân biểu Hạ viện đã liên tiếp chỉ trích và truy vấn quyết liệt khiến ông chủ Facebook bộc lộ rõ sự căng thẳng và đôi lúc mất bình tĩnh. Trong cả hai phiên chất vấn, có tới 40 lần CEO của Facebook không có câu trả lời và đề nghị được trả lời sau.
Trong năm giờ điều trần, các dân biểu Mỹ dồn dập đưa ra những câu hỏi chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ và tập trung đi thẳng vào vụ bê bối dữ liệu của Facebook, như liệu có phải mạng xã hội này có mua bán dữ liệu người dùng hay Facebook có cam kết thay đổi thiết lập mặc định nhằm giảm việc thu thập dữ liệu xuống mức thấp nhất có thể…
Màn chất vấn của dân biểu Anna Eshoo được cho là kịch liệt nhất. Khi được hỏi liệu Facebook có thay đổi mô hình kinh doanh để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, Zuckerberg thay vì trả lời một cách đơn giản “có” hoặc “không” như được yêu cầu đã liên tục tránh né, thậm chí là tranh cãi về chi tiết với dân biểu này. Khi thời gian hỏi-đáp kết thúc, một câu trả lời chính thức vẫn chưa được đưa ra.
CEO Zuckerberg cũng cho biết khó thể đảm bảo rằng dữ liệu người dùng không bị mua đi bán lại trước thời điểm năm 2014.
Liên quan tới hàng loạt câu hỏi về việc người dùng làm thế nào để có thể gỡ bỏ các dữ liệu trong tài khoản Facebook và làm thế nào để những người không gia nhập trang mạng xã hội này có thể gỡ bỏ các thông tin mà không cần đăng nhập… Zuckerberg đều không có câu trả lời thỏa đáng.
Tài khoản giả mạo cũng là một trong những vấn đề nổi cộm khác trong phiên điều trần. Khi được hỏi Facebook đang xử lý vấn đề này như thế nào, Zuckerberg thừa nhận tài khoản giả mạo là một vấn đề lớn và đây là nguyên nhân của nhiều vấn đề khác như tin phịa hoặc các cáo buộc về can thiệp bầu cử như hiện nay.
Giới phân tích đánh giá buổi điều trần tại Hạ viện Mỹ là khá kịch tính, khiến Mark Zuckerberg đôi lúc mất đi phong thái bình tĩnh và cẩn trọng vốn có.
Trao đổi với phóng viên sau hai phiên điều trần của Zuckerberg, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ Greg Walden tuyên bố ông muốn thảo luận với các thành viên trong Ủy ban về các cuộc chất vấn tương tự tới đây với lãnh đạo các công ty công nghệ khác của Mỹ.
Không chỉ vi phạm quyền riêng tư
Trong phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ, một lần nữa vấn đề Facebook thu phí đối với người sử dụng lại nổi lên. Nhiều ý kiến cho rằng việc người dùng thay vì bị các quảng cáo nhắm tới, có thể trả tiền hằng tháng để không bị làm phiền, là một hình thức kinh doanh phi quảng cáo mà Facebook nên làm trong bối cảnh dữ liệu cá nhân là một tài sản nhạy cảm và đa số người sử dụng không muốn thông tin của mình bị chia sẻ hay mua bán.
Tuy nhiên, Zuckerberg vẫn kiên định lập trường rằng để thực hiện tốt hơn “sứ mệnh kết nối mọi người”, Facebook sẽ “vẫn miễn phí và luôn như vậy”.
Câu hỏi đặt ra là, thế thì làm cách nào mà công ty này có doanh thu tới hơn 40 tỉ USD trong năm 2017, nếu Facebook “vẫn luôn luôn miễn phí”?
Câu trả lời đơn giản là: nhờ vào quảng cáo.
Không ít người dùng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng chỉ một cái bấm “share” hay “like” trên Facebook hoặc những bài viết trên trang cá nhân đồng nghĩa với việc họ đang tạo ra dữ liệu để các bên thứ ba có thể dễ dàng khai thác. Thông qua nút “share” hay “like”, Facebook có thể nắm được gần như chính xác sở thích, thói quen hoặc khuynh hướng chính trị của người dùng, từ đó lưu giữ và phân tích.
Bao nhiêu thời gian người dùng sử dụng Facebook cũng là ngần ấy thời gian mạng xã hội này thu thập toàn bộ thông tin và sau đó chào mời khách hàng quảng cáo. “Ngân hàng dữ liệu” khổng lồ này giúp Facebook xác định cái gì sẽ thu hút người dùng, từ đó đặt trước mắt người dùng những gì phù hợp với nhu cầu và mức độ quan tâm của họ. Điều này giúp cho các nhà quảng cáo nhắm đúng khách hàng mục tiêu hiệu quả hơn so với quảng cáo trên truyền hình hay các loại báo chí truyền thống khác. Con số lợi nhuận hiển nhiên không hề nhỏ khi mỗi ngày có tới khoảng 1,4 tỉ người dùng đăng nhập Facebook.
Những nguy cơ của việc đánh cắp hay lợi dụng và rò rỉ dữ liệu người dùng cũng rất lớn, bởi đây không chỉ đơn thuần là vấn đề quyền riêng tư bị xâm phạm. Trên thực tế, thông tin của người dùng là “nguồn tài nguyên” quý giá, dễ dàng trở thành những miếng mồi của tin tặc, những kẻ đánh cắp danh tính, các đối tượng lừa đảo đang xây dựng hồ sơ tâm lý người dùng để phục vụ cho lợi ích chính trị nào đó.
Mặt khác, lượng dữ liệu lớn mà các tài khoản Facebook tạo ra mỗi ngày nếu bị rò rỉ cũng đặt ra những nguy cơ đối với an ninh và sự ổn định của các quốc gia.
Do vậy, sau vụ bê bối này, vấn đề cấp bách mà chính phủ các nước cần phải thực hiện là tìm kiếm và triển khai những biện pháp, quy định pháp lý nghiêm ngặt hơn để quản lý và đảm bảo những trang mạng xã hội đáp ứng được tiêu chuẩn bảo mật thông tin người dùng. Và với người dùng, có lẽ bài học sâu sắc nhất qua sự việc này chính là “không có gì là miễn phí” trong thời đại ngày nay.
– Tổng hợp