Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Yangoon hôm giữa tuần qua, bà San Suu Kyi, lãnh đạo đảng đối lập tại Myanmar, nói rằng tiến trình cải cách tại nước này đã đình trệ trong hai năm qua. Bà cũng cho biết các cuộc đối thoại với nhiều lãnh đạo cấp cao cũng như người đứng đầu quân đội hồi tuần trước đã không đạt được nhiều tiến triển.
Các nhà phân tích quốc tế cho rằng không có gì là ngạc nhiên khi bà San Suu Kyi tỏ ra thất vọng trước tiến độ cải cách tại Myanmar. Chính trường, dù đã có sự cởi mở nhất định, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội, dù là trong vấn đề đàm phán với các nhóm vũ trang hay thay đổi hiến pháp.
Các đại diện của quân đội tại quốc hội đã từ chối sửa đổi hiến pháp để bà Suu Kyi có thể ra tranh cử tổng thống. Những người này vẫn chiếm một phần tư số ghế ở lưỡng viện.
Bất chấp những bất lợi trên, bà Suu Kyi đã khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa thông qua nghị trường quốc hội. Lập trường này được chính phủ hoan nghênh trong một cuộc gặp gần đây giữa bà Suu Kyi với các nhân vật quan trọng, bao gồm Tổng thống Thein Sein và người đứng đầu quân đội.
Tuy nhiên, những quyết định từ quốc hội trong thời gian qua có vẻ như chỉ có lợi cho đảng cầm quyền và quân đội. Điều này đồng nghĩa với việc bà Suu Kyi khó có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thuyết phục quân đội thay đổi lập trường. Đây chính là khó khăn nhất trong cả sự nghiệp chính trị của bà.
Sau cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2010, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã tiến hành hàng loạt cải cách, giúp đảng có xu hướng dân chủ của bà Suu Kyi quay trở lại nghị trường.
Bà Suu Kyi quay trở lại Quốc hội vào năm 2012 sau nhiều năm bị giam lỏng tại nhà.
Bà không phải là người đầu tiên chỉ trích tiến độ cải cách. Tuần trước, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền tại Myanmar của Liên Hiệp Quốc, Yanghee Lee, cho biết mặc dù đã đạt được một số bước tiến, Myanmar vẫn đối mặt với xung đột sắc tộc, bạo lực ở bang Rakhine và việc giam giữ các tù nhân chính trị.
Bạo lực nổ ra hồi năm 2012 giữa cộng đồng Phật giáo và người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine đã khiến khoảng 200 người thiệt mạng. Kể từ đó, hàng chục nghìn người, chủ yếu là từ cộng đồng thiểu số Rohingya, cũng mất nơi ở.
Đ.N