Hai chuyên gia Shiro Armstrong (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Australia – Nhật Bản thuộc Đại học Quốc gia Australia) và Amy King (giảng viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược – Đại học Quốc gia Australia) vừa có bài viết phân tích về Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) cho thấy hiện có vài ngộ nhận về định chế này.
RCEP bao gồm 10 nước thành viên khu vực Đông Nam Á cùng Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Theo bài viết trên Diễn đàn Đông Á, thỏa thuận kinh tế Đông Á này trước đây vốn ít nhận được chú ý so với TPP nhưng nay đang được dư luận quốc tế quan tâm, cũng như có quan niệm sai lầm cho rằng RCEP được Trung Quốc dẫn dắt hoặc chi phối, nhưng thực chất nước này chỉ là một thành viên, còn ASEAN mới là trung tâm. RCEP được xây dựng nhằm củng cố năm hiệp định thương mại tự do riêng biệt của ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia – New Zealand, với ý tưởng và nguyên tắc chỉ đạo được chế tác không phải ở Trung Quốc mà ở Indonesia.
Trung tâm ASEAN cũng đảm bảo rằng RCEP được kết hợp với một sức mạnh lớn khác của châu Á là Nhật Bản và các nước đều mong muốn có Nhật Bản trong thỏa thuận này hơn là Trung Quốc.
Ban đầu, Trung Quốc muốn hạn chế thành viên chủ chốt trong hợp tác châu Á chỉ bao gồm ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó Nhật Bản muốn mở rộng thành viên bao gồm cả Australia, New Zealand và Ấn Độ để tạo ra một đối trọng với Trung Quốc. Cuối cùng, trung tâm ASEAN cùng các lợi ích của Australia và Ấn Độ trong khu vực đã đảm bảo sự mở rộng của nhóm.
Nhiều người lo ngại rằng sự sụp đổ của TPP sẽ dẫn đến việc Trung Quốc viết lại các quy tắc thương mại trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng điều này dường như là xa vời.
Quan niệm sai lầm thứ hai cho rằng RCEP là một thỏa thuận tiêu chuẩn thấp sẽ không thể định hình thương mại ở bất kỳ mức độ nào. Nhưng điều đó vẫn chưa được xác định và hoàn toàn bị hiểu sai về tiềm năng của thỏa thuận này. Nhóm RCEP lớn hơn so với nhóm TPP trong sức mua tương đương – cách chính xác để so sánh quy mô kinh tế.
Nhóm Đông Á cũng năng động hơn, với tốc độ tăng trưởng trung bình cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và nhiều nước đang phát triển trong RCEP vẫn có những rào cản lớn về thương mại và đầu tư. Do đó, tự do hóa dễ dàng hơn sẽ đem lại những thành quả lớn hơn, không chỉ cho những nước này mà còn đối với các nước thành viên phát triển trong RCEP.
Và một hiệp định, trong đó các nước cam kết tự do hóa và cải cách, sẽ là một khích lệ đối với sự cởi mở và tăng trưởng thương mại toàn cầu tại thời điểm vô cùng cần thiết hiện nay. RCEP đang ở ngã tư đường và bất cứ thỏa thuận nào đạt được đều mang lại những tác động kinh tế và chiến lược quan trọng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Về mặt kinh tế, RCEP sẽ hoạt động hiệu quả nhất nếu nó có thể cắt giảm đáng kể các rào cản đối với thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và hỗ trợ nỗ lực cải cách của các nước. Rất may, những kết quả này không loại trừ lẫn nhau mà ngược lại còn phụ thuộc và củng cố cho nhau.
Các cam kết cao cần phải được thực hiện trong những lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan và tự do hóa đầu tư. Nhưng đối với RCEP, để có được một tác động đáng kể, các nước thành viên sẽ phải cam kết các biện pháp phía sau biên giới, chứ không chỉ tại biên giới, chẳng hạn như cải cách quy định, quản lý, phá bỏ các rào cản gia nhập thị trường và đối xử bình đẳng với những công ty nước ngoài ở trong nước.
Sự đa dạng của Đông Á – bao gồm hệ thống chính phủ của các nước – đã dẫn đến con đường hợp tác châu Á đòi hỏi phải thúc đẩy sự đồng thuận xung quanh các nguyên tắc hợp tác. Lịch sử hội nhập của khu vực châu Á vào WTO và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cho thấy nó có hiệu quả và có thể được duy trì. Hình thức hợp tác này nên hướng tới hài hòa quy định theo thời gian, thay vì áp đặt các quy tắc cứng nhắc và không phù hợp.
Về mặt chiến lược, cách thức phát triển RCEP sẽ xác định liệu thương mại có trở thành một công cụ thúc đẩy hợp tác và hội nhập ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn này hay không, hoặc nó là nguyên nhân gây ra sự cạnh tranh và phân mảnh kinh tế.
Nhóm RCEP có thể quyết định theo đuổi một thỏa thuận tìm kiếm mở rộng các lợi ích kinh tế cho Mỹ và các nước không thuộc RCEP. Điều này sẽ giúp giảm bớt sự nhận thức rằng RCEP là một khối do Trung Quốc dẫn đầu được thiết kế để làm xói mòn vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ ở châu Á và sẽ là cách tốt nhất để khuyến khích Mỹ duy trì cam kết kinh tế của mình đối với khu vực châu Á, vốn luôn là một trong những mục tiêu cốt lõi của TPP.
Với hệ thống thương mại thế giới đang bị đe dọa, nay là lúc các nhà lãnh đạo châu Á thúc đẩy mở cửa thị trường và đẩy mạnh cải cách để tăng cường hội nhập kinh tế, không chỉ với nhau mà còn với châu Âu, Mỹ và phần còn lại của thế giới.
- V.Đ theo Diễn đàn Đông Á