So với những người có cuộc sống bình yên một vợ một chồng thì anh này hơi có chút khác thường.
Kết thúc “tập một”, mãi đến năm mươi tuổi anh mới có thêm một đứa con thứ ba với “tập hai”. Ở tuổi mà đa phần bạn bè đều có cháu nội, ngoại (và anh cũng có cháu nội) thì ai cũng cám cảnh giùm cho anh khi cha già mà con còn cọc quá!
Tất nhiên, anh chẳng cám cảnh mình chút nào mà vẫn luôn yêu đời để sống, vì đó là lựa chọn của anh, tuy có hơi cực chút là khi anh về hưu thì con trai út mới học lớp hai.
Ấy vậy mà hay! Nhờ có ba nghỉ hưu ở nhà, chẳng những có người đưa đón đi học mà thằng con trai anh không phải học thêm một lớp nào, nhất là môn tiếng Anh. Trong khi bạn bè lớp hai của cậu bé cạnh tranh môn này dữ dội.
Mở ngoặc chút về cậu bé này. Anh kể chuyện, hôm đầu năm học đón con ở trường, vừa lên xe cậu nói rằng không được các bạn bầu làm lớp trưởng mà vẫn chức lớp phó như năm lớp 1. Anh nói với con, lớp phó cũng được mà. Thằng nhóc trả lời một câu làm anh ngạc nhiên không ngờ: “Khi cô hỏi ai muốn làm lớp trưởng thì giơ tay, con không giơ tay mà chờ xem có bạn nào đề nghị con làm không. Có bạn đề nghị tên con. Cuối cùng các bạn bầu cho con ít hơn bạn kia nên chỉ làm lớp phó. Nhưng con không lo, còn nhiều năm nữa, con sẽ có cơ hội làm lớp trưởng”.
Sau giây phút ngạc nhiên vì lời kể của cậu bé, anh mới ngẫm nghĩ về con mình. Anh chưa bao giờ chuẩn bị tình huống một ngày nghe câu nói như thế từ đứa con trai mới tám tuổi là phải biết chờ đợi cơ hội chín muồi để đạt mục đích; kiểu như, “đời còn dài, ghế còn nhiều”, không lo!
Chương trình lớp hai ở trường tiểu học của thằng bé có giờ Anh văn do các giáo viên ở một trung tâm Anh ngữ lớn được mời đến dạy, hằng tháng mỗi học sinh đóng thêm hai trăm ngàn đồng. Nhiều nhà có điều kiện, phụ huynh còn cho đi học thêm ở trung tâm với học phí khoảng sáu triệu đồng mỗi khóa ba tháng. Đầu tư cho con số tiền ấy không lớn, nhưng bây giờ anh chỉ còn lương hưu, vả lại thời gian rảnh nhiều, nên quyết tâm tự dạy cho con tiếng Anh, cũng có hơi chút chủ quan là tiếng Anh trẻ con chắc cũng không quá khó. Anh nhớ lại ngày xưa từ tỉnh lẻ vào thành phố học, rồi ra trường đi làm, mỗi tháng cũng phải trích 10% tiền lương để đi học thêm Anh văn, nhờ đó mới có cơ hội làm các dự án với người nước ngoài.
Một phần, thằng con anh có năng khiếu, phần nữa do có ba kèm cặp mỗi tối nên cậu bé luôn thuộc những học sinh giỏi tiếng Anh nhất lớp. Một ngày, thằng bé về nói với anh, là mình có tên trong danh sách dự thi Starters của trường.
Anh lật đật lên mạng tìm hiểu xem thi Starters là thế nào, mới biết đây là một cuộc thi tiếng Anh cho trẻ em khắp thế giới do Đại học Cambridge tổ chức mỗi năm, có ba cấp Starters, Movers và Flyers, theo độ tuổi và số giờ học tiếng Anh. Anh ngẫm nghĩ, “con nhà người ta” được đào tạo bài bản, còn con mình thuộc dạng gà ta, ở nhà ba đụng đâu dạy đó, khó mà thi được, nên khuyên con đừng tham gia. Nhưng rồi thấy con buồn bã do cảm giác không được bằng bạn bè, anh đổi ý, không những thế, bắt đầu “vào cuộc” cùng con.
Vậy là cha con bắt đầu cuộc thi với nhiều… áp lực. Áp lực càng lớn hơn khi thằng bé nói: “Mấy bạn phần nghe rất tốt, còn con thì chưa nghe được hết”. Anh trấn an con, “yên tâm, ba sẽ có cách”. Rồi anh ra hiệu sách mua bộ luyện thi, “nghe, nói, đọc, viết”, mỗi tối hai cha con cùng… cày.
Vậy mà vui! Mỗi ngày hai cha con cùng cố gắng. Khi con đi học, anh ở nhà mở giáo trình ra nghiên cứu, học, nghe, nói… Tối về, cơm nước xong, hai cha con ngồi vào bàn, rất nghiêm túc. Bạn bè gặp, thấy anh trẻ ra, hỏi bí quyết nào, anh cười ha hả, các cậu cứ chịu áp lực thi cử như mình đi thì sẽ trẻ, khỏe ngay, bệnh tật biến mất hết!