Tấm hình một gia đình đưa nhau đi tắm biển bằng ôtô, xong dừng lại trên đường, vô tư lấy can, xô nước ngọt mang theo xối tắm lại, được post lên mạng khiến cộng đồng có dịp lời ra tiếng vào.
Một người bình luận, ở một thành phố biển khác không hiếm chuyện này, có hình minh họa hẳn hoi. Người khác nói, hèn chi đoạn đường đó lúc nào cũng ướt nhẹp dù trời nắng nóng. Nhiều người thở ra ngao ngán, với kẻ không có ý thức lại không có mức phạt tương xứng cho họ thì đành chịu thôi!
Trong nỗi bức xúc lắc đầu bó tay, nhiều ông ngồi nhớ lại ngày xưa ấy – dường như hồi ức giúp họ giảm stress đi một chút – trên bãi biển những chiều mùa hè, vợ chồng con cái bày thức ăn trên tấm bạt, vừa ăn vừa ngắm cảnh biển khơi, chuyện trò vui vẻ.
Ngày nào, gia đình nào cũng có thể đi picnic trên bờ biển như vậy. Dưới biển là những chiếc áo tắm phụ nữ đủ màu. Tất cả làm nên bức tranh biển ngày hè sôi động nhưng nhẹ nhàng, thanh lịch.
Có ông khẳng định, năm đó tôi mới 13 tuổi thôi nhưng đã cảm nhận mỗi khi ra biển có một mùi thơm dịu dàng, khó tả lắm. Ông cho là phụ nữ thời ấy ra biển không chỉ mặc đổ tắm lịch sự mà còn bôi kem dưỡng da, khi họ đi ngang qua để lại một mùi hương thoảng nhẹ, hay lắm!
Các ông khác mới bảo, ngày ấy ông đã biết thưởng ngoạn cái đẹp rồi nên nhớ mãi một mùi hương, còn chúng tôi chỉ biết mùi biển, mùi gió, mùi mực nướng, bắp nướng thơm điếc mũi.
Thế nhưng cho dù hai phạm trù mỹ học và ẩm thực có nhiều “chính kiến” khác nhau, họ vẫn đồng ý một điểm chung là ngày xưa biển đông người thế nào, đồ ăn bày ra nhiều đến đâu, nhưng khi người tắm biển rút đi thì bao giờ bãi cát cũng sạch trơn. Rác thải được mang về nhà hay bỏ đúng nơi quy định.
Cái quy tắc căn bản về ứng xử nơi công cộng vậy mà tự nhiên dần mất đi, đển nỗi giờ đây, không chỉ ở các bãi biển đông người mà bất kỳ lễ hội nào, “dư âm” đọng lại chỉ toàn rác và rác.
Thật đáng buồn! Một ông cám cảnh, sau mỗi trận đá banh, báo chí và mạng xã hội lại đưa hình ảnh những bạn trẻ nán lại thu nhặt rác như một điển hình sinh động.
Vì sao những điều thật bình thường trong bất kỳ xã hội văn minh nào là không xả rác nơi công cộng lại không được tôn trọng, để riết rồi trở thành một thói quen quá xấu xí? Phải chăng bây giờ người ta chấp nhận thói quen tệ hại đó như một tất yếu?
Căng rồi. Chuyện vĩ mô rồi chớ không phải từ những mảnh rác nữa. Người nóng nảy vung tay hùng hổ, hỏng rồi, hỏng hết mấy thế hệ rồi. Người bình tĩnh hơn thì bảo cần phải biết nguyên nhân từ đâu. Thì từ gia đình – cái tế bào của xã hội chớ đâu.
Nhiều gia đình, cha mẹ mải miết kiếm tiền, chạy theo danh vọng không ngó ngàng đến cuộc sống, sinh hoạt của con, miễn có tiền cho chúng là yên tâm.
Để rồi nảy sinh lớp trẻ chỉ biết hưởng thụ, không quan tâm đến bất kỳ gì khác ngoài bản thân chúng. Cha mẹ là tấm gương để con cái noi theo nhưng cách ứng xử như cái gia đình thoải mái xối nước ngọt mang theo xe ngay trên đường phố chẳng khác nào dạy con sống bất chấp kỷ cương, luông tuồng, bừa bãi…
Vài người thở ra, không khéo đến lúc mọi quy tắc ứng xử xã hội phải làm lại từ đầu, và bắt đầu từ cái tế bào gốc là gia đình.
Có ông lại đổ lỗi cho xã hội ngày nay tạo quá nhiều áp lực cho cha mẹ, họ vừa phải kiếm tiền, vừa chăm lo cho con cái, dạy con biết tránh những cái xấu nhan nhản trong xã hội, hụt hơi chứ chẳng chơi!