Ronald Ferguson, giáo sư trường đại học Harvard, là tác giả của cuốn “The Formula: Unlocking the Secrets to Raising Highly Successful Children.” (tạm dịch: “Khám phá bí mật của việc nuôi dạy con cái thành những người thành đạt”.
Cảm thấy hứng thú với cách dạy dỗ con cái của các bậc phụ huynh của những sinh viên giỏi nhất của mình, ông bắt đầu cùng Tatsha Robertson nghiên cứu xem các kiểu dạy con khác nhau của các bậc bố mẹ có thể ảnh hưởng đến sự thành công của con cái mình như thế nào. Ronald Ferguson đã phát hiện ra 8 vai trò của cha mẹ sẽ tạo nên một công thức bí mật cho việc dạy con giỏi.
1. “Bạn học từ sớm”
Đối với vai trò này, bố mẹ phải khiến cho con mình có hứng thú trong học tập từ khi còn bé – trước khi chúng bắt đầu đến trường. Ronald gọi “bạn học từ sớm” là vai trò quan trọng nhất trong tất cả 8 vai trò. Những đứa trẻ sau này trở thành những con người thành đạt nhất đã có thể đọc được những từ cơ bản khi học mẫu giáo và trải nghiệm được thứ Ronald gọi là “hiệu ứng của việc đi trước” – nếu giáo viên biết được một đứa trẻ đã biết đọc từ trước, họ sẽ cảm thấy hào hứng và đứa trẻ đó sẽ có phản ứng tích cực đối với thái độ đó.
2. “Kỹ sư”
Đây là lúc để bố mẹ theo dõi và quan sát môi trường phát triển của con mình, đảm bảo chúng có được những thứ cần thiết và can thiệp đối với những thứ thừa thãi.
Đây không giống với việc trở thành “phụ huynh trực thăng” (kiểu phụ huynh hay lởn vởn quanh con cái như một chiếc trực thăng để kiểm soát chúng một cách quá chặt chẽ). Theo như Ronald Ferguson, họ “can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con cái, không để chúng tạo dựng những mối quan hệ ngoài gia đình, không để chúng học được cách tự nói chuyện và nhận biết được sở thích của chính mình.” Chính vợ chồng tôi đã bắt đầu đóng vai này khi chạm trán một giáo viên không đối xử công bằng với con gái tôi.
3. “Thợ máy”
Đối với vai trò này, bố mẹ sẽ đảm bảo dành mọi cơ hội quan trọng để con mình có một cuộc sống tốt hơn, và ngay cả khi thiếu thốn, họ cũng sẽ không bỏ cuộc. Ronald Ferguson đã chia sẻ, “Bản thân các bậc phụ huynh có thể nghèo khó, nhưng nếu thấy được một cơ hội họ cho rằng sẽ cần thiết để con mình thành công trong con đường học tập hay con đường sự nghiệp, dẫu có phải trèo núi hay xuống biển họ cũng sẽ lấy được nó.”
4. “Người khai sáng”
Những bố mẹ đóng vai trò “người khai sáng” sẽ giúp con cái khám phá thế giới bằng cách dẫn con tới bảo tàng, thư viện, triển lãm, và v.v – bất cứ đâu để chúng được mở rộng tầm nhìn về thế giới. Một lần nữa, dẫu có gặp khó khăn về tài chính, bố mẹ vẫn sẽ làm tốt việc này; các bậc bố mẹ “khai sáng” sẽ trở nên sáng tạo để có thể biến những buổi ngoại khóa này thành hiện thực cho con họ. Vợ chồng tôi đặc biệt chú ý tới vai trò này, vì chúng tôi rất thích được đi trải nghiệm những điều mới mẻ.
5. “Nhà triết học”
Ronald Ferguson bảo đây là vai trò quan trọng thứ hai, vì nó sẽ giúp con trẻ tìm được mục đích của đời mình. Bố mẹ sẽ hỏi và trả lời những câu hỏi sâu sắc về đời sống và không bao giờ đánh giá thấp khả năng thấu hiểu cuộc đời và những thứ xung quanh của một đứa trẻ. Chính tôi đã lấy làm bất ngờ khi con gái tôi hiểu được những thứ phức tạp từ khi còn rất nhỏ.
6. “Tấm gương”
Đây là kiểu làm gương cho con cái mà ta đã biết từ lâu. Những bậc phụ huynh làm tốt ở vai trò này biết rõ giá trị nào là quan trọng với họ và chăm chỉ truyền đạt chúng cho con trẻ, để sau này chúng sẽ sống theo tấm gương bố mẹ. Vợ chồng tôi cố sống theo những giá trị mình đã đặt ra cho con cái mỗi ngày – nhưng không có nghĩa đây là một chuyện dễ dàng, và không phải lúc nào chúng tôi cũng làm được điều đó.
7. “Người đàm phán”
Vai trò này sẽ dạy cho con trẻ biết cách lễ phép khi nói lên ý kiến và chia sẻ niềm tin của mình (đặc biệt khi chúng đứng trước mặt những người có quyền lực và thẩm quyền).
- Xem thêm: “Gia tài” giúp con cái thành công
8. “Giọng nói định vị GPS”
Theo như Ronald Ferguson miêu tả thì đây là “giọng nói của bố mẹ vang lên trong đầu con trẻ sau khi chúng đã ra ở riêng, huấn luyện chúng để có thể vượt qua những tình huống khó khăn trong đời.” Tôi chỉ mong GPS của con gái tôi không bao giờ hiện lên chữ “tính toán lại” sau khi vợ chồng tôi đã bỏ bao công sức để lập trình và duy trì nó.
Nhẹ nhõm thay, nhà nghiên cứu của trường Harvard nói rằng phẩm chất quan trọng nhất khi các bậc phụ huynh đóng những vai trò này đơn giản là sự quyết tâm trở thành bố mẹ tốt. Ông gọi sự quyết tâm này với cái tên “vết bớt”, và bảo nó thường xuất thân từ những việc đã xảy ra khi các bậc phụ huynh còn trẻ:
Nó có thể là một điều xấu trong tuổi thơ mà họ không muốn con cái mình phải gặp lại. Nó có thể là một di sản gia đình mà họ thấy có trách nhiệm phải truyền đạt cho con cái sau này. Hoặc nó có thể là một truyền thống gì đó của gia đình (như tôn trọng quyền công dân chẳng hạn) và họ muốn con trẻ cũng làm theo họ. Tuy vậy, mỗi bậc phụ huynh sẽ có một viễn tưởng mà họ muốn con mình trở thành. Viễn tưởng đó, cùng với “vết bớt”, là thứ đã hướng dẫn và tạo cảm hứng cho việc làm cha mẹ của họ.
Dẫu “vết bớt” của bạn có như thế nào đi nữa, hãy tận dụng nó để đóng đạt 8 vai trò này. Không có cái nào dễ dàng, nhưng tất cả đều rất quan trọng để con cái bạn có được mọi cơ hội để trở nên thành đạt trong tương lai.