Trong tuần qua, Thủ tướng Anh David Cameron đã tiến hành công du đến một số quốc gia trong khu vực châu Âu nhằm vận động cho mục tiêu hạn chế việc tham gia của Liên minh châu Âu (EU) vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên. Trước khi rời London bay sang Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Đức và Ba Lan, ông Cameron khẳng định sứ mệnh của ông chính là thu hẹp quyền lực chính trị của EU đối với các nước thành viên về các vấn đề nhạy cảm như di dân và phúc lợi xã hội và nếu EU tiếp tục cứng rắn không chịu thay đổi, rất có khả năng những người dân Anh yêu nước sẽ bỏ phiếu rút Anh ra khỏi tổ chức này trong cuộc trưng cầu dân ý được ông cam kết sẽ thực hiện trong năm 2017.
Như thường lệ, Đức và Pháp hoàn toàn phản đối bước đi này của Anh. Theo Le Monde, liên minh song phương vững chắc nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai (Đức – Pháp) đã gửi đến Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker bản dự thảo về hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn trong đó khẳng định việc giám sát của EU có thể trở thành điều mấu chốt nhằm tăng cường sự liên minh giữa những quốc gia thuộc khối eurozone và cả các thành viên EU với nhau. Mặc dù ý tưởng của ông Cameron là khá rõ ràng vì mục đích bảo vệ tối đa quyền lợi công dân Anh, nhưng thủ tướng Anh cần nhớ rằng trong quá khứ London dường như không thể đối kháng thành công bất kỳ một bản dự thảo nào do Berlin và Paris bắt tay đệ trình lên hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo EU. Liệu tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới (từ 5-6 đến 26-6), ông Cameron có thể thay đổi điều này? Trong khi Đức và Pháp không hề bày tỏ sự nhượng bộ trước bước đi của Anh, một số quốc gia khác tỏ ra cởi mở hơn nhưng vẫn có phần thận trọng đối với chuyến công du của ông Cameron. Chẳng hạn, về phần Đan Mạch, tương tự Anh không sử dụng đồng euro và chọn lựa không tuân theo một số điều lệ của EU, Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt cho biết quốc gia của bà sẽ sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến trình bày bởi ông Cameron. Thủ tướng Hà Lan Mark Ruttle chia sẻ cảm nhận của ông Cameron đối với EU vì việc để EU tham gia vào hoạt động của một quốc gia là quá tốn tiền bạc và thời gian, giấy mực. Tuy nhiên, là nền kinh tế nhận được rất nhiều quyền lợi xuất khẩu từ thị trường không biên giới của EU, Hà Lan chỉ cam kết sẽ cải tổ EU bằng bước đi gắn kết hơn là cách ly. Còn với Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz, bà không tán thành bất kỳ một quốc gia nào rời khỏi EU trong lúc này, nhưng thừa nhận rằng EU nên xét đến vấn đề đối mặt với từng quốc gia thành viên.
Trịnh theo AP