Hai tuần lễ trước đây Hoa Kỳ bắt đầu áp thuế 25% vào hơn 800 mặt hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ. Cùng ngày, Bắc Kinh trả đũa một cách tương xứng, cũng nhắm vào 34 tỉ USD hàng Mỹ trong một danh sách gồm 540 sản phẩm bán sang Trung Quốc.
Bài viết dưới đây ghi lại ý kiến của nhiều nhà phân tích được báo New York Times đăng tải, kết hợp với những nhận định trên đài RFI của Pháp về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã khởi đầu.
Giáo sư Agnès Bénassy-Quéré giảng dạy tại Trường Kinh tế Paris ghi nhận “Cuộc chiến đang leo thang: từ ba tháng qua, các bên chơi trò đánh qua đánh lại, mỗi đòn tung ra càng lúc càng nặng”.
Trong khi đó, chuyên gia Olivier Blanchard thuộc Viện nghiên cứu Mỹ Peterson Institute, nguyên cựu giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng “Mối nguy hiểm ở đây là chúng ta đã bước vào vòng xoáy của cái logic ăn miếng trả miếng mà không ai biết là khi nào thì trò chơi ấy sẽ dừng lại và bên nào chịu thiệt hại nhiều hơn”.
Trong quá khứ từng có những cuộc chiến tranh thương mại, nhưng về quy mô thì đây là lần đầu tiên, các bên nêu ra biện pháp trả đũa nhắm vào khối lượng hàng nhập khẩu rất lớn. Nghiêm trọng hơn nữa là không ai biết được khi nào chính sách bảo hộ này sẽ dừng lại. Có lẽ căng thẳng leo thang mới chỉ ở bước đầu.
Chủ tịch Hội đồng Phân tích Kinh tế CAE, ông Philippe Martin nêu lên hai lý do khiến các biện pháp bảo hộ cướp đi tăng trưởng của toàn cầu mà thiệt hại đầu tiên là cho nước Mỹ: “Có những tác động trực tiếp và gián tiếp. Tác động trực tiếp là tăng thuế nhập khẩu, đẩy giá hàng lên cao và đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng. Nhưng bên cạnh đó là tác động gián tiếp. Chúng ta nói tới dây chuyền sản xuất mà ngày nay nhiều mặt hàng được làm ra từ các linh kiện nhập ở những nơi khác. Vậy khi một nước nào đó tăng thuế nhập khẩu, rồi các đối tác thương mại của quốc gia đó trả đũa, thì dây chuyền sản xuất ấy bị phá hỏng. Giá thành của các sản phẩm tăng cao.
Chẳng hạn xe hơi sản xuất ngay tại Hoa Kỳ cần có nhôm, thép nhập từ các nơi khác vào Mỹ. Chính quyền Trump tăng thuế nhập khẩu nhắm vào nhôm thép, xe của Mỹ tự nhiên đắt hơn. Người tiêu dùng Mỹ phải trả giá. Hãng xe Mỹ bị thiệt.
Theo lời phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong, Washington đánh thuế nhập khẩu vào 34 tỉ USD hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ. Trong số này 20 tỉ, (tức 59% trên số tiền nói trên) do các tập đoàn ngoại quốc, mà chủ yếu là các hãng của Mỹ sản xuất ra tại Trung Quốc để xuất sang Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ bảo vệ một số công việc làm tại Mỹ và đây rõ ràng là một bài toán chính trị. Donald Trump nhắm vào lĩnh vực nhôm, thép và một số tiểu bang để kiếm phiếu. Có điều, những nạn nhân đầu tiên của chính sách bảo hộ đó lại là những người tiêu dùng ở Hoa Kỳ, là các hãng sản xuất của Mỹ, là các công ty xuất khẩu của Mỹ khi số này trở thành mục tiêu của các nền kinh tế khác muốn trả đũa Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu. Hậu quả lâu dài nhiều lĩnh vực sẽ phải sa thải nhân công”.
Đương nhiên Bắc Kinh đã không để yên cho Mỹ tấn công vào động cơ chính trong cỗ xe kinh tế đồ sộ trị giá 12.000 tỉ USD của mình. Trung Quốc một mặt đánh thuế vào hàng Mỹ, mặt khác kiện Washington ra trước Tòa án Trọng tài của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cựu giám đốc WTO Pascal Lamy đánh giá về phản ứng của Bắc Kinh: “Trung Quốc là nạn nhân của chính sách thương mại vô tổ chức và bất công của Donald Trump. Tuy nhiên cần phải chứng minh với Washington rằng chính sách bảo hộ đó có những giới hạn của nó”.
Về tương quan lực lượng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, trị giá hàng hóa mà Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ lớn gấp bốn lần so với kim ngạch nhập khẩu của nước này từ Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó Bắc Kinh tìm những phương tiện khác để đáp trả các biện pháp áp thuế của chính quyền Trump.
Các biện pháp ấy có thể là kêu gọi 1,3 tỉ người dân tẩy chay hàng Mỹ, gây khó khăn cho những tập đoàn của Hoa Kỳ đang làm giàu nhờ thị trường đông dân nhất hành tinh. Trong số này có Apple với những chiếc iPhone rất được người Trung Quốc ưa chuộng, có cửa hàng cà phê Starbucks, có nhiều hãng xe hơi Mỹ. Với ông khổng lồ trong ngành chế tạo máy bay Boeing thì Trung Quốc là thị trường lớn thứ nhì.
Vũ khí sau cùng nữa là hiện tại Trung Quốc đang là chủ nợ chính của Mỹ, nắm giữ khoảng 1.200 tỉ USD nợ của Hoa Kỳ (tương đương với 5% tổng số nợ của nước Mỹ).
Hoa Kỳ sẽ phần nào lúng túng nếu như Trung Quốc ngưng mua thêm trái phiếu của nền kinh tế số 1 thế giới. Đó là chưa kể Bắc Kinh cũng có thể phá giá đồng tiền, tiếp sức cho khu vực xuất khẩu. Đương nhiên tất cả những biện pháp này đều là con dao hai lưỡi và cùng thiệt hại cho cả đôi bên.
Các hoạt động kinh tế của thế giới đầu thế kỷ XXI đã quá lệ thuộc lẫn nhau: Nhà Trắng đánh thuế hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ làm tăng giá những sản phẩm được sản xuất ra ngay trên lãnh thổ Mỹ. Hậu quả kèm theo là ảnh hưởng tới túi tiền của các hộ gia đình Mỹ. Hàng Mỹ thêm đắt đỏ, kém hấp dẫn để bán cho các nước khác trên thế giới.
Chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có nguy cơ biến hơn 700 chi nhánh của các hãng Mỹ thành những “con tin” khi bị Trung Quốc làm khó dễ. Donald Trump mở ra mặt trận này, các doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại. Đổi lại Trung Quốc cũng đánh mất nguồn đầu tư FDI quý giá trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.
Sau cùng, vẫn theo chuyên gia Pháp Jean-Raphael Chaponnière, viện lý do an ninh quốc gia, chính quyền Trump mở các đợt tấn công dồn dập nhắm vào Trung Quốc. Nhưng đấy lại càng là động lực để Bắc Kinh tăng tốc kế hoạch “Manufacturing China 2025”.
Trong xung đột với Mỹ, Trung Quốc có hai loại vũ khí khác: tỷ giá đồng nhân dân tệ và trái phiếu kho bạc Mỹ.
Trong hai tháng qua, đồng nhân dân tệ bị giảm giá mạnh nhất. Để tránh hiện tượng chảy máu vốn, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã có các biện pháp hạn chế giảm giá đồng tiền quốc gia. Nhưng liệu Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá đồng tiền để bù đắp thiệt hại do Mỹ tăng mức thuế quan nhắm vào hàng Trung Quốc? Sử dụng loại vũ khí tỷ giá là một lựa chọn nguy hiểm vì có thể gây tác động ngược trở lại đối với lạm phát tại Trung Quốc.
Trung Quốc hiện vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ, với hơn 1.000 tỉ USD vào năm 2018. Liệu Bắc Kinh có thể sử dụng vũ khí này để chống Washington? Một số nhà phân tích cho rằng việc Bắc Kinh nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ không giúp Trung Quốc gây ảnh hưởng tới cách Hoa Kỳ quản lý nền kinh tế của mình, vì Bắc Kinh chỉ nắm 5% nợ công của Mỹ, trong khi 70% số nợ nằm trong tay các cơ quan liên bang, trong đó có quỹ an sinh xã hội, các nhà băng, doanh nghiệp và người dân Mỹ. Nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ đang có trong tay, kinh tế Mỹ cũng chẳng vì thế mà khó khăn hơn, trong khi chính nền kinh tế Trung Quốc mới bị ảnh hưởng.