Thủ tướng Manmohan Singh vẫn hậu thuẫn cho Bộ trưởng Tài chính Pranah Mukherjee mạnh dạn tiến hành việc thử nghiệm chính sách cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 triệu dân nghèo, đa phần ở nông thôn.
Dân nghèo nông thôn tại ấn độ sẽ được cấp thuốc miễn phí
Kế hoạch cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân trong quá trình chẩn đoán và điều trị tại bất kỳ bệnh viện hay trạm xá y tế công có những nội dung chính như sau: (1) Dành khoảng 3 tỉ USD trong năm năm tới để cấp miễn phí 350 chủng loại y dược phẩm phổ cập nhất (các bệnh nhiệt đới, truyền nhiễm, suy dinh dưỡng, phụ khoa, nhi khoa, răng miệng…) cho bệnh nhân thuộc hệ thống y tế công; (2) Chính phủ rót kinh phí bao tiêu toàn bộ y dược phẩm sản xuất hay chế biến từ các công ty trong nước; (3) Buộc các bác sĩ kê toa sử dụng thuốc nội (ngoại trừ không có thuốc nội điều trị), bất kỳ vi phạm sử dụng thuốc ngoại bỏ qua thuốc nội đều bị phạt nặng; (4) Tập trung ưu tiên phục vụ bệnh nhân nghèo ở nông thôn.
Chính sách này khi thực hiện sẽ có những tác động sau. Thứ nhất, đó là đòn “knock-out” dành cho các tập đoàn y dược đa quốc gia, bởi sẽ không còn cơ hội xâm nhập thị trường hơn 1,2 tỉ người. Các tập đoàn y dược nặng ký như Pfizer, GlaxoSmithKline… lâu nay vẫn hướng nghiên cứu vào các thị trường lớn như Ấn Độ,Trung Quốc,NamPhi, ViệtNam…
Chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho việc sản xuất hay chế biến mẫu mã y dược phẩm tại chỗ, đặc biệt là các loại thuốc đặc trị. Lâu nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải làm ngơ trước sự kiện bệnh AIDS hoành hành tại châu Phi do không đủ tiền mua thuốc ngoại quá đắt nhưng lại chịu sức ép không được chế biến tại địa phương.
Ngoài ra, chính sách này sẽ giúp kích thích sản xuất công nghiệp nội địa Ấn Độ và vực dậy tỷ giá của đồng rupee, vốn bị giảm liên tục so với USD trong tám tháng qua đến mức báo động 25%.
Tuy nhiên, những thách thức mà Chính phủ Ấn Độ phải vượt qua cũng không ít. Ngay sau khi chính sách mới được công bố, đại diện Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (Médecins Sans Frontières) tại Ấn Độ là Pierangelo Gandini đưa ra bình luận: “Về nguyên tắc, xem như chính sách thật hay và lý tưởng. Tuy nhiên, vận dụng vào thực tế đòi hỏi một sự phối hợp nhịp nhàng. Cụ thể, phải hoàn thiện cơ chế quản lý hệ thống bệnh viện – trạm xá – an sinh xã hội, đặc biệt ở nông thôn với thực trạng vừa tản mạn, vừa thô sơ chưa đạt tiêu chuẩn cơ bản phải có (thiếu trầm trọng điều dưỡng, chưa nói đến y bác sĩ). Tiếp đó, cần nhanh chóng loại trừ tệ nạn tham nhũng tràn lan trong chính quyền của Thủ tướng Singh mà báo chí và dư luận Ấn không ngần ngại gọi là “một làn sóng tham nhũng”, có nguy cơ tê liệt hóa Quốc hội, làm tiêu hao nhanh chóng nguồn ngoại tệ mạnh lên đến 292 tỉ USD, làm nản lòng các định chế đầu tư trong và ngoài Ấn Độ.
Mai Vân Đỉnh