Theo bà Wendy Watson-Wright, Phó tổng giám đốc Ủy ban hải dương học liên chính phủ (IOC) thuộc Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), hiện nay biển và các vùng ven biển đang cung ứng 200 triệu việc làm cho con người và có khoảng 4,3 tỉ người trên hành tinh này hấp thu nguồn protein từ sinh vật biển.
Trong thập niên qua, bình quân mỗi năm nền kinh tế biển ở những nước nằm trong vùng duyên hải mang lại từ 80 đến 85 tỉ USD, chủ yếu là giá trị sinh vật biển đánh bắt được. Tuy nhiên nếu tính cả tác động của ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản lên các lĩnh vực khác của nền kinh tế toàn cầu như công nghiệp đóng tàu, công nghiệp thực phẩm đóng hộp… thì giá trị này phải lên đến 240 tỉ USD.
Điều đáng quan ngại là trong những thập niên vừa qua, nhiều mối đe dọa đã làm cho biển mất đi phần nào khả năng duy trì những lợi ích dành cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Theo các số liệu do IOC công bố, so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, độ acid của biển đã tăng thêm 30%, biển nóng hơn, chua hơn và ít oxygen hơn. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì đến năm 2100, độ acid của biển sẽ tăng thêm 50% so với hiện nay. Hậu quả là khả năng sinh sản của sinh vật biển giảm sút, tỷ lệ chết cao, điều này thấy rõ nhất ở các rặng san hô dưới biển.
Hiện nay không có một công trình khảo sát hay nghiên cứu đáng kể nào chú trọng đến độ acid của biển. Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 diễn ra vào hạ tuần tháng 6 vừa qua và bản thân IOC cũng tăng cường sự cảnh báo về tầm quan trọng của sự phát triển bền vững của biển, nhưng cũng chưa đưa ra được một đường hướng cụ thể nào. Nay với Expo 2012 đang diễn ra tại thành phố Yeosu (Lệ Thủy) của Hàn Quốc, một lần nữa vấn đề kinh tế biển được mọi người quan tâm và sẽ được chính thức hóa bằng một bản tuyên bố thông qua vào ngày 12-8-2012. Một số biện pháp sẽ được phổ biến cho cộng đồng quốc tế, trong đó có việc thiết lập các hệ thống cảnh báo sóng thần, việc đưa đại dương với tất cả những vấn đề có liên quan vào chương trình giáo dục học đường… Gần đây hơn, ý niệm “Carbon Xanh” (Blue Carbon) đang được quảng bá rộng rãi và được xem là biện pháp có nhiều hứa hẹn, theo đó việc giảm thiểu khí CO2 và hạn chế sự thay đổi khí hậu sẽ nhờ vào việc bảo tồn và phát triển các rừng đước ven biển, các loài cỏ biển dưới nước. Chúng hấp thu khí CO2 thường xuyên hơn và nhanh có khi đến hơn 100 lần so với những cánh rừng trên đất liền. Chúng hấp thu được CO2 qua hàng ngàn năm, trong khi đất rừng bên trong các lục địa bị bão hòa với CO2 khá nhanh. Đã có những dấu hiệu lạc quan ban đầu khi Ngân hàng Thế giới (WB) đang sẵn sàng cùng với các tổ chức trực thuộc LHQ tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề mà nền kinh tế biển đang gặp phải vì những tác động bất lợi do chính con người trực tiếp hay gián tiếp gây ra.
– Tổng hợp