Amazon đang chuẩn bị bước chân vào thị trường thương mại điện tử đang lên của Việt Nam, trong khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ gốc châu Á trong khu vực.
Hồi tháng ba vừa qua, Amazon xác nhận họ đang hợp tác với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), một tổ chức công nghiệp và phi chính phủ gồm 172 doanh nghiệp thành viên. Theo đó, Amazon sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam xuất khẩu hàng hóa thông qua nền tảng trực tuyến toàn cầu của mình. Quan hệ đối tác với VECOM có lẽ là bước đi đầu tiên để Amazon có thể nắm được thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam trước khi chính thức đưa toàn bộ cửa hàng trực tuyến của mình vào quốc gia Đông Nam Á, giống như hãng đã từng làm ở Singapore – quốc gia đầu tiên trong khu vực mà Amazon đặt chân vào từ tháng 7-2017.
Gijae Seong, lãnh đạo mảng Bán hàng Toàn cầu của Amazon tại Singapore, đã có mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp Trực tuyến Việt Nam 2018 để thảo luận với các doanh nghiệp trong nước về cách sử dụng Amazon để bán hàng ra toàn cầu.
Quan hệ giữa Amazon và VECOM đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt bởi các doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng Việt Nam. Chủ tịch VECOM nhìn nhận việc Amazon hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ra toàn cầu là một bước phát triển tích cực. Trong khi đó, người tiêu dùng tỏ ra hào hứng vì đây là dấu hiệu cho thấy trong một tương lai gần, họ sẽ có thể sử dụng Amazon để mua hàng hóa quốc tế một cách dễ dàng.
Phản ứng của Alibaba
Chưa đầy một tuần sau khi Amazon công bố quan hệ đối tác với VECOM, tỉ phú Trung Quốc Jack Ma của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã lập tức tăng cường đầu tư vào Lazada – một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất ở Đông Nam Á.
Alibaba đã chi 1 tỉ USD mua lại 51% cổ phần Lazada vào tháng 4-2016, và chi thêm 1 tỉ USD nữa vào năm 2017 để tăng cổ phần lên 83%.
Đợt đầu tư gần đây nhất trị giá 2 tỉ USD được công bố vào ngày 18-3 vừa qua, cùng với quyết định bổ nhiệm Lucy Peng – một trong những nhà sáng lập Alibaba – vào vị trí CEO của Lazada.
Sau hai năm hoạt động tại Việt Nam, Lazada đã trở thành website thương mại điện tử đứng đầu nước ta xét về mặt doanh thu (thống kê năm 2014), chiếm đến 36,1% thị phần thương mại điện tử của Việt Nam.
Cạnh tranh và phát triển
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam tăng 23% lên mức 5 tỉ USD trong năm 2016, chiếm 3% tổng mức doanh thu bán lẻ. Doanh thu thường niên của thương mại điện tử ở nước ta được dự báo sẽ đạt 10 tỉ USD vào năm 2020, chiếm 5% tổng mức doanh thu bán lẻ.
Ngoài Alibaba, gã khổng lồ công nghệ và đầu tư Trung Quốc là Tencent cũng đầu tư rất lớn vào thị trường Việt Nam.
Tencent hiện nắm giữ 39,8% cổ phần công ty gốc Singapore là Sea – một công ty chuyên kiến tạo các nền tảng và dịch vụ thương mại điện tử. Một trong những sản phẩm của Sea là cửa hàng bán lẻ trực tuyến Shopee, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Lazada ở Đông Nam Á. Foody.vn, một nền tảng đánh giá nhà hàng, đặt chỗ và giao nhận thức ăn, cũng thuộc sở hữu của Sea. Bên cạnh đó, Tencent còn là một cổ đông của công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD.com và tập đoàn công nghệ Việt Nam VNG – tập đoàn vừa đầu tư rất mạnh vào website thương mại điện tử Tiki.vn vào tháng 1-2018.
Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn – CEO Tiki.vn – thì sự hiện diện của các ông lớn thương mại điện tử quốc tế là bằng chứng cho thấy thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển.
Chưa thể khẳng định liệu Amazon có thành công trong việc chiếm một chỗ đứng tại Việt Nam như họ đã làm được tại Singapore hay không. Dù các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc có lợi thế là quen thuộc với cơ sở hạ tầng địa phương và động lực khác hàng, nhưng vị thế vững mạnh trên toàn cầu cũng như giá trị thương hiệu cực lớn của Amazon sẽ giúp họ chiếm được cảm tình từ người tiêu dùng VIệt Nam – những người luôn bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đến các dịch vụ của thương hiệu nổi tiếng này.