Côn Đảo đã và đang biến “địa ngục trần gian” thành “thiên đường du lịch”. Năm 2011, Côn Đảo được 2 ấn phẩm hướng dẫn du lịch là sách Lonely Planet bình chọn 1 trong 10 đảo quyến rũ nhất hành tinh, tạp chí Travel + Leisure bình chọn 1 trong 10 đảo bí ẩn nhất hành tinh.
Nhiều thứ tạo nên sức quyến rũ cùng nét bí ẩn của Côn Đảo, mà quan trọng tuyệt vời đích thị món ăn thức uống.
Côn Đảo còn gọi Côn Lôn, Côn Nôn, Côn Sơn. Soạn sách Côn Lôn sử lược (Thanh Hương Tùng Thư, Sài Gòn, 1961), Trần Văn Quế cho rằng những địa danh này xuất xứ từ Pulau Kundur, tiếng Mã Lai, mang nghĩa Hòn Bầu Bí, được người châu Âu phiên âm thành Poulo Condor/ Poulo Condore. Viết bài Địa danh Côn Đảo đăng tạp chí Xưa và Nay số 431 (7-2013), Nguyễn Thanh Lợi lại ghi nhận: “Vào năm 1285, bọn giặc Tàu Ô đến chiếm quần đảo Côn Lôn để làm sào huyệt, nhận thấy đảo nào ở đây cũng có núi, nên gọi K’ouen louen, phiên âm là Côn Lôn”.
Nhắc Côn Đảo, nhiều người nghĩ ngay đến hệ thống trại tù do Thống soái Nam Kỳ Louis Adolphe Bonard (1805-1867 – sử nhà Nguyễn ghi tên Phố Na) ký quyết định thành lập từ ngày 1.2.1862. Ấy là “địa ngục trần gian” gồm 20 công trình đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10.5.2012 công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Cùng với việc tham quan hệ thống di tích, du khách gần xa lâu nay đến Côn Đảo còn thăm miếu An Sơn thờ thứ phi Phi Yến tức Lê Thị Răm, lăng Cậu thờ hoàng tử Hội An có thế danh Cải, chùa Vân Sơn, cùng các bãi biển An Hải, Lò Vôi, Đầm Trầu, Ông Đụng, Nhất… Các danh thắng ấy ở trên đảo Côn Lôn lớn, còn gọi hòn Phú Hải, nay là thị trấn Côn Sơn. Ngoài ra, du khách có thể phóng ca nô thăm các đảo nhỏ. Như hòn Bảy Cạnh để chơi hải đăng Hòn Chớp và xem vích biển đẻ trứng. Như hòn Bà để khám phá rừng ngập mặn nguyên sinh, chinh phục đỉnh Tình Yêu. Như hòn Cau để tìm hiểu xóm Bà Thiết, quan sát san hô cùng nhiều sinh vật biển khác..
Đến Côn Đảo, đông đảo du khách còn muốn thưởng thức miếng ăn thức uống ngon lành riêng biệt nơi đây.
Ở Côn Đảo, du khách lẫn thổ công thoải mái săn và ăn hải sản. Ở huyện đảo, buổi sáng điểm tâm bánh canh chả cá, bún riêu cua, bún riêu còng gió/ dã tràng thật ấm lòng, chắc dạ, sau đó đáp tàu thuyền rẽ sóng ra khơi câu cá. “Cần thủ” Đức Vân từ TP.HCM đến Côn Đảo, chia sẻ:
Tại Việt Nam, nhiều vùng biển bị liên tục càn quét bởi lưới cào, lưới cản, chất nổ… nên càng hiếm cá lớn. Riêng biển Côn Đảo không cho đánh bắt kiểu tận diệt nên còn nhiều loài cá “khủng” xứng danh đặc sản. Ở đây, “qua” từng câu con cá mú nặng 150kg.
Về “tứ trụ” cá biển ngon, ngư dân vịnh Bắc Bộ tôn vinh chim, thu, nhụ, đé; còn các “cần thủ” Côn Đảo ngợi khen bớp, thu, mú, sóc.
Mỗi họ cá có lắm loài. Như họ cá mú, còn gọi cá song, danh pháp khoa học Serrandinae, gồm 555 loài, tạm kể một số loài trong ngư trường Côn Đảo: mú đen, mú xanh, mú nghệ, mú sao, mú thông, mú bông, mú vạch, mú đá, mú dẹt, mú khổng lồ, mú mỡ, mú cáo, mú cọp/ mú hoa nâu… Thưởng thức cá mú đỏ Côn Đảo quấn giấy bạc nướng, chiên, hấp, nấu cháo, nấu lẩu, tôi nhớ cá mú đỏ chấm xanh lân tinh/ mú theo tái mù tạt và nấu tiêu hành ở Phú Quý, huyện đảo của tỉnh Bình Thuận.
Họ cá thu ngừ Scombridae gồm 54 loài, tạm kể một số loài cá thu nơi Côn Đảo: thu bướm, thu bống, thu đao, thu mập, thu vạch kép, thu ngắn/ ba thú, thu lam, thu vua, thu vua sọc rộng, thu chấm, thu Trung Quốc, thu Triều Tiên, thu Nhật Bản/ thu Thái Bình Dương/ ba sa/ sapa… Côn Đảo chế biến cá thu một nắng đặc sản.
Côn Đảo cung hiến cho thực khách nhiều loài ốc biển. Ngư dân giàu kinh nghiệm tránh loài chứa độc tố, mà bắt loài lành như ốc hương, ốc bạch ngọc, ốc gai xương rồng, ốc nhảy, ốc vú nàng, ốc hoàng hậu, ốc bù chằn, ốc nhung, ốc đỏ, ốc bàn tay, ốc sư tử, ốc bông, ốc len, ốc cà na… sau đó được đầu bếp tạo bao món ngon. Sống môi trường nước mặn, động vật thân mềm là hàu và động vật da gai là nhum/ cầu gai/ nhím biển được cư dân Côn Đảo chế biến lắm thức tuyệt vời mà nổi vị, dậy mùi, là mắm.
- Xem thêm: Ẩm thực một vùng biển
Ngư trường huyện đảo này sẵn liên bộ 10 chân (8 tay và 2 xúc tu) là các loài mực lá, mực ống, mực sim, mực nang, mực trứng và siêu bộ 8 chân còn gọi 8 tay với hàng trăm loài bạch tuộc. Côn Đảo còn những loài thuộc họ cua ghẹ gồm cua đen/ cua bùn, cua xanh/ cua sen, cua đỏ/ cua lửa, cua 3 chấm/ cua mặt trăng, ghẹ chấm/ ghẹ sao, ghẹ dĩa, ghẹ răng, ghẹ xanh/ ghẹ nhàng, ghẹ xanh càng hoa, ghẹ đỏ/ ghẹ nhàng. Đó là nguồn thực phẩm được đầu bếp chế biến thành nhiều món bổ dưỡng rất hấp dẫn.
Du xuân Côn Đảo, thong dong thưởng thức chuỗi đặc sản chính hiệu Poulo Condore, tôi rút ra một trùng hợp ngẫu nhiên đáng kể. Xét hình thái, hải sản ngon lành trội bật của quần đảo này là những loài có ngoại hình màu đỏ: cua đỏ, ghẹ đỏ, ốc đỏ, cá mú đỏ, cá he đỏ, cá sơn đỏ… “Thì treo giải nhất chi nhường cho… hai” ắt là tôm hùm đỏ / tôm hùm lửa – “siêu” hải sản Côn Đảo.
Tôi từng mãn nhãn quan sát, đáo khẩu khảo nếm tôm hùm ở xã đảo Bình Ba và vịnh Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa, ở thị trấn Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nay ở Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tôi càng thích thú nhấc chú tôm hùm đỏ nặng 1,4kg, rồi khoái trá thưởng thức 3 món được chế biến từ cá thể tôm rồng thuộc họ tôm hùm gai, còn gọi tôm hùm không càng: tiết canh, chấy tỏi, lẩu cháo. Đầu bếp vừa biểu diễn đánh tiết canh tôm hùm đỏ, vừa cười tươi:
Chân thành cảm ơn quý khách phong tặng biệt danh “siêu” hải sản Côn Đảo cho tôm hùm đỏ. Không phải ai ra đây cũng đều được thưởng thức những món này. Bởi giá cả tôm hùm đỏ khá đắt đỏ. Những “đại gia” sẵn sàng vung tiền thì khổ thay, chẳng phải lúc nào ngư dân cũng săn bắt được tôm hùm đỏ. Cũng xin cảnh báo rằng hiện không ít người nhầm tưởng tôm càng đỏ và tôm hùm đất là tôm hùm đỏ.
- Xem thêm: Thực hư về ‘thuốc tiên’ hải sâm…
Thông tin nọ đáng chú ý. Tôm hùm đỏ được quốc tế định danh khoa học Panulirus longipes sống ở độ sâu từ 18m đến 122m nơi đáy biển có rạn san hô, nước rất trong và nhiều sóng, tại khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới Ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương. Dẫu có tên trong Sách đỏ, song tôm hùm đỏ là loài hải sản được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Còn tôm càng đỏ Cherax quadricarinatus và tôm hùm đất Procambarus clarkia lại là đôi giống tôm hùm nước ngọt mà Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 35/2018 xếp hạng loài ngoại lai xâm hại. Éo le thay! Một số hàng quán trong đất liền ghi thực đơn “tôm hùm đỏ Côn Đảo” nhưng dọn các món chế biến từ 2 loài thủy sinh kia, do đó thực khách hãy thận trọng. Nhưng, ẩm thực Côn Đảo chất chứa bao bí ẩn đầy quyến rũ!