Trong phiên đấu giá Nghệ thuật châu Á thế kỷ XX và đương đại của nhà Christie’s ở Hongkong cuối tháng 11-2015 vừa qua, có tranh của nữ họa sĩ người Pháp Alix Aymé bên cạnh tác phẩm của nhiều tên tuổi lớn từng giảng dạy hay học tập tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trong cuộc đời sáng tác dài lâu của Alix Aymé, có nhiều giai đoạn gắn liền với hội họa Việt Nam, đặc biệt là với tranh sơn mài truyền thống mà bà rất vững về kỹ thuật.
Alix Aymé sinh năm 1894 tại Marseille với tên khai sinh là Alix Angèle Marguerite Hava, sớm học vẽ rồi học nhạc tại Nhạc viện Toulouse, được coi là một tài năng thiên bẩm trong hai lĩnh vực kể trên. Đến tuổi 15, cô bé Alix đã đoạt huy chương vàng trong một cuộc thi piano, hứa hẹn một sự nghiệp âm nhạc chói sáng trước khi cô chọn hội họa để theo đuổi suốt đời mình. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Toulouse, Alix Aymé chuyển tới Paris; ở đó nữ nhạc sĩ trẻ gặp gỡ và trở thành học trò cưng rồi là đồng nghiệp của họa sĩ Maurice Denis, một nhân vật quan trọng của trào lưu hội họa Nabism (khuynh hướng hội họa thiên về sự tiên tri, vị lai). Năm 1910, cô hợp tác với thầy mình trang trí Nhà hát Champs-Élysées, sau đó làm việc tại studio Nghệ thuật Thiêng liêng do Maurice Denis và Georges Devallières thành lập vào năm 1919 với mục đích khôi phục nghệ thuật tôn giáo tại Pháp.
Năm 1920, Alix Aymé lập gia đình với giáo sư Paul de Fautereau-Vassel và cùng chồng đến sống tại Thượng Hải, nơi ông Fautereau-Vassel làm nhiệm vụ của một nhà truyền đạo. Năm sau, họ đến Hà Nội, ở đó Alix Aymé tham gia các chuyến khảo sát đất nước Trung Hoa với vai trò một họa sĩ. Đến năm 1925, bà trở thành cô giáo dạy vẽ tại một vài trường trung học dành cho con em người Pháp tại Hà Nội. Năm 1926, gia đình bà về lại Paris, ở đó bà sinh con trai đầu lòng Michel rồi nhận minh họa cho một cuốn sách của Rudyard Kipling nhờ những ký họa đã ghi chép được trong một chuyến du hành đến Sri Lanka. Khi ông Fautereau-Vassel quyết định ở hẳn tại Pháp, nữ họa sĩ đã đưa con trai sang châu Á, nơi bà đã gây dựng được một vốn liếng nghệ thuật cho riêng mình. Năm 1930 Alix Aymé đã có một cuộc triển lãm tranh tại gallery Portal ở Sài Gòn, rồi bà và con trai sang Luang Prabang, khi đó còn là kinh đô của vương quốc Lào. Nhờ có quan hệ mật thiết với hoàng gia xứ Lào, Alix Aymé đã được giao vẽ một loạt tranh tường trong cung điện hoàng gia thuởấy. Loạt tranh tường này mô tả cuộc sống thường ngày tại xứ Triệu voi và đến nay vẫn được bảo quản cẩn thận, trở thành quốc bảo của nước Lào. Năm 1931 nữ họa sĩ trở lại Hà Nội, làm giáo sư mỹ thuật tại Lycée Albert Sarraut. Ở đó, Alix Aymé dạy kỹ thuật làm tranh sơn mài truyền thống Việt Nam mà bà đã nghiên cứu tường tận và đã vẽ nhiều tác phẩm với chất liệu này.
Tháng 7-1931, Alix Aymé về lại Paris và thành hôn với đại tá Georges Aymé, người sau này sang Hà Nội, trở thành tướng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương. Nhờ được Alix Aymé giới thiệu với nhà xuất bản Gallimard trong thời kỳ đầu viết văn mà em chồng của bà là Marcel Aymé đã trở thành một trong những tên tuổi lớn của nền văn học Pháp thế kỷ XX. Cũng tại Paris, nữ họa sĩ có triển lãm cá nhân tại gallery Druet danh giá, sau đó bà được mời dự Triển lãm Thuộc địa quan trọng, nơi bà trưng bày nhiều tranh sơn mài. Đến năm 1935, bà lại có triển lãm tranh tại Sài Gòn. Từ 1934-1939, bà là giáo sư Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, hướng dẫn nhiều sinh viên sau này trở thành những tên tuổi lớn của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Những năm sống và sáng tác ở châu Á, Alix Aymé thường xuyên du hành đến các nước Đông Dương, Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc. Về lại Paris năm 1945, bà trang trí tranh tường cho nhà thờở Luc-sur-Mer, triển lãm tranh tại gallery Moullot năm 1948, rồi gallery France d’ Outremer năm 1950 (cũng là năm ông Georges Aymé qua đời), đồng thời viết một bài dẫn giải về tranh sơn mài cho tờ Tropique. Năm 1952 là hai triển lãm tranh sơn mài tại Florence (Ý) và tại gallery France d’ Outremer. Làm việc gần như không biết mệt dù tuổi đã cao, nữ họa sĩ còn viết kịch bản và vẽ truyện tranh nhiều kỳ Paul và Kao ở xứ Lào từ kinh nghiệm sống thực của bà. Năm 1961 lại một triển lãm tại gallery Rauch ở Monaco; năm sau đó bà đến sống và vẽ suốt tám tháng tại Brazzaville ở Congo. Đó cũng là chuyến đi cuối cùng của một đời nữ lưu không ngừng đi, trải nghiệm và vẽ. Dù sức khỏe không cho phép di chuyển nhưng Alix Aymé vẫn sáng tác đến những phút cuối của đời mình. Bà qua đời năm 1989 vào đúng sinh nhật thứ 95 trong lúc đang đi những nét cuối cùng trên bức tranh sơn mài cuối cùng.
Vẽ nhiều nên số lượng tác phẩm Alix Aymé để lại cho đời khá nhiều, được giữ trong nhiều bộ sưu tập tư nhân và các gallery tại nhiều nước. Muốn xem tranh của nữ họa sĩ, có thể đến các bảo tàng như Louvre và Années Trente ở Paris, Bảo tàng Mỹ thuật La Rochelle và Cung điện hoàng gia tại Luang Prabang. Năm 2012, tranh của Alix Aymé lần đầu tiên được triển lãm tại Mỹở Bảo tàng Evergreen của Đại học John Hopkins (TP. Baltimore, bang Maryland). Trong triển lãm đó, Alix Aymé được mô tả là “người can dự chủ yếu vào sự thúc đẩy trào lưu hiện đại ra đời tại Paris vào giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến”. Hình ảnh Việt Nam hiện diện rất nhiều trong các tác phẩm của Alix Aymé.
- Lê Bản