Tại Triển lãm kiến trúc thế giới – WAF 2014 ở Singapore hồi tháng 10 năm ngoái, Tập đoàn AkzoNobel đã giới thiệu màu cam đồng là màu sơn chủ đạo của năm 2015 như đã từng giới thiệu những sắc màu chủ đạo của nhiều năm qua. Cũng tại WAF 2014, AkzoNobel còn công bố tuyên ngôn về Thành phố Nhân văn (Human Cities) như “một cách thể hiện sống động tầm nhìn mới của công ty” và “sự khao khát cải thiện, tiếp thêm sinh lực và tái tạo cộng đồng đô thị xung quanh mình”.
Ngày nay, thành phố là trung tâm thể hiện nhịp đập của Trái đất. Trong khi vừa cải thiện cơ sở hạ tầng, vừa xây dựng thêm những tòa nhà cao ngất, người ta lại chưa quan tâm đúng mức đến môi trường sống của người đô thị cũng như đến việc kết nối cảm xúc giữa các thành phố và công dân đang sinh sống ở đó.
Từ thực tế đó, Tập đoàn AkzoNobel nhận ra rằng có thể sử dụng chuyên môn của mình nhằm giúp cuộc sống của người dân đô thị trở nên năng động hơn, nhiều cảm hứng hơn và sôi động hơn, tạo ra những thành phố mang đậm tính nhân văn. Trong lần giới thiệu sáng kiến “Thành phố Nhân văn” tại Triển lãm kiến trúc quốc tế lần thứ 14 ở Venice (Ý), ông Ton Büchner – Giám đốc điều hành AkzoNobel đã từng chia sẻ ý tưởng: “Đến năm 2050, hơn 75% dân số thế giới sẽ sống trong các thành phố. Vì có tới 60% các sản phẩm sẽ phục vụ cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải, AkzoNobel đang tìm cách tạo ra ảnh hưởng quan trọng đến quá trình chuyển đổi đô thị đang diễn ra ở khắp nơi. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã hợp tác với một số công ty, với nhiều nhà hoạch định chính sách, kiến trúc sư, triết gia và các tổ chức phi lợi nhuận để ra mắt tuyên ngôn “Thành phố Nhân văn” với mục tiêu làm cho các đô thị, nơi tất cả chúng ta đang sinh sống, mang tính người hơn”.
Tuyên ngôn “Thành phố Nhân văn” được soạn thảo để truyền cảm hứng cho mọi người trên toàn thế giới, kết nối họ với các thành phố trên phương diện cảm xúc và góp phần làm cho cuộc sống thành phố thoải mái và đầy cảm hứng. Tuyên ngôn này tập trung sự chú ý của thế giới vào sáu lĩnh vực, gồm màu sắc, di sản, giáo dục, thể thao, giao thông vận tải và phát triển bền vững.
I. Màu sắc
Thành phố nào cũng cần có cá tính và màu sắc là cách đơn giản để thể hiện điều đó. Màu sắc là chìa khóa để trao cho người dân cảm giác về vị trí, không gian và bản sắc. Màu sắc có tác động trên tất cả các lĩnh vực xã hội, văn hóa và kinh tế, vốn là các yếu tố làm nên sức sống đô thị. Vì vậy, đã đến lúc những khối nhà xám xịt, các văn phòng làm việc bao phủ bởi kính và các khu mua sắm nhợt nhạt cần phải được thay đổi. Đó là lý do dẫn đến sự hợp tác giữa AkzoNobel và OMA (một công ty kiến trúc hàng đầu thế giới) để nghiên cứu mối liên hệ giữa màu sắc và sự phát triển kinh tế. Bằng cách kết hợp chuyên môn của OMA với danh mục sản phẩm của AkzoNobel và các hoạt động đã được công ty thực hiện trong nhiều năm qua (điển hình là chương trình “Let’s colour”), AkzoNobel hy vọng sẽ cung cấp được nhiều hiểu biết quan trọng cho tất cả những người đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phát triển đô thị, từ các kiến trúc sư, các nhà thầu đến lãnh đạo chính quyền thành phố và đông đảo người dân.
II. Di sản
Di sản là một yếu quan trọng trong việc thể hiện nét đặc trưng của đô thị. Một cách tiếp cận thận trọng hơn cần phải được triển khai khi tính toán đến sự cân bằng giữa cái cũ và cái mới trong các thành phố hôm nay và ngày mai. Thành phố sẽ thật buồn chán nếu không có đặc tính rõ rệt và không có ý nghĩa lịch sử. Do đó, AkzoNobel đề nghị khi cân nhắc đến các việc phát triển các công trình mới, các nhà quy hoạch và kiến trúc sư phải giữ cho được các công trình mang tính di sản của thành phố và làm cho quá khứ trở thành một phần của tương lai.
Trong chương trình tài trợ nhằm bảo tồn và cải tạo các công trình văn hóa của AkzoNobel, có thể kể đến nhà hát La Scala tại Milan, Bảo tàng Rijks tại Amsterdam và thành phố cổ Melaka ở Malaysia (một di sản thế giới đã được UNESCO công nhận).
III. Giáo dục
Sự hiện hữu của một thành phố không chỉở các tòa nhà, mà còn ở cuộc sống của những người dân. Để giúp giải phóng tiềm năng của các công dân và tạo điều kiện cho họ tận hưởng cuộc sống tốt trong các thành phố, AkzoNobel quyết tâm đầu tư vào giáo dục với mục đích thúc đẩy sự sáng tạo của con người. Trường học phải được đầu tư đầy đủ và toàn diện hơn, các điều kiện giáo dục thích hợp cho giới trẻ cũng phải được quan tâm nhiều hơn.
Để thực hiện được điều này, AkzoNobel đã thành lập Quỹ Giáo dục và Chương trình Cộng đồng cũng như hợp tác với các tổ chức Plan, Quyền Trẻ Em, NAHSS, Giving Back và Công ty Haberdashers.
IV. Thể thao, giải trí
Hoạt động thể thao đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và cơ hội giao tiếp, phát triển cho người dân. Các không gian công cộng như sân vận động, công viên từ lâu đã trở thành nơi được nhiều người lựa chọn nhằm thoát khỏi công việc và những con đường đông đúc để tập thể lực, thư giãn cùng nhau. Việc phát triển các không gian công cộng là rất cần thiết giúp làm mới tâm hồn của thành phố, cũng như tạo ra mối liên quan mật thiết giữa người dân sống trong đô thị với thể thao và giải trí.
V. Giao thông vận tải
Giao thông vận tải trong và giữa các thành phố có vai trò rất quan trọng. AkzoNobel tin rằng phát triển các phương tiện giao thông vận tải không chỉ dừng lại ở việc đưa ra chi phí hợp lý và dễ tiếp cận cho mọi người, mà còn phải tính đến yếu tố hiệu quả, bền vững và tạo cảm hứng cho người sử dụng. Nói cách khác, giao thông vận tải đô thị không chỉ là đảm bảo một con đường được xây dựng hợp lý hay lịch trình chạy xe chính xác, mà còn liên quan đến việc cải thiện cơ sở vật chất của hệ thống giao thông mà người dân sử dụng.
Trên cơ sở đó, AkzoNobel đã phát triển các sản phẩm để làm cho giao thông vận tải hiệu quả hơn, bền vững, an toàn và có thể truyền cảm hứng cho người dân.
VI. Tính bền vững
Quá trình đô thị hóa và tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm đến các thành phố của chúng ta. AkzoNobel tin rằng tương lai của các thành phố và của chính những người dân đô thị sẽ phụ thuộc vào khả năng “làm ra nhiều hơn từ ít nguồn lực hơn” và đã áp dụng một chiến lược sử dụng tài nguyên hiệu quả, thông qua các khách hàng và nhà cung cấp để tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư đang ngày một gia tăng có được cuộc sống bền vững trong một thế giới mà nguồn tài nguyên đã bị khai thác quá mức. Chương trình này có tên là Planet Possible, trong đó có phần tìm kiếm và phát triển các giải pháp bền vững cho môi trường xây dựng, bao gồm cả lĩnh vực giảm các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, tăng độ bền cũng như khả năng bảo vệ của sản phẩm, đảm bảo an toàn trong sử dụng và không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân đô thị.
Thành phố Nhân văn tại Việt Nam
AkzoNobel Việt Nam đã và đang hỗ trợ những nỗ lực phát triển đô thị khác nhau. Có thể kể một số chương trình điển hình như “Sắc màu cho năm học mới”, “Hướng tới một Việt Nam xanh”, chiến dịch “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”… Sáng kiến “Thành phố Nhân văn” tiếp tục được AkzoNobel Việt Nam triển khai thông qua các chương trình cộng đồng để thực hiện cam kết cải thiện, tiếp thêm sinh lực và tái tạo các khu đô thị trên cả nước.
Tính đến hết năm 2013, AkzoNobel Việt Nam đã có một hành trình đáng kể trong việc giúp cải tạo các không gian đô thị cho cộng đồng, trong đó đã có hơn 1.500 nhân viên tham gia vào các hoạt động cộng đồng, đóng góp hơn 10.000 giờ làm việc, sử dụng hơn 43.000 lít sơn và có tới hơn 24.000 người đã được hưởng lợi từ các chương trình cộng đồng do công ty thực hiện.
NG. Đăng (DNSGCT)