Lãi suất cho vay liệu có tiếp tục giảm không vẫn luôn là câu hỏi được các doanh nghiệp quan tâm. Trước những dự báo rằng một khi giá dầu thế giới phục hồi, giá cả bình quân các mặt hàng tăng lên do chi phí sản xuất đầu vào của tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế tăng theo, khiến cho lạm phát không còn ở mức thấp như hiện nay…, các doanh nghiệp không lo sao được. Bởi một khi lạm phát quay lại, lãi suất huy động và cho vay dĩ nhiên sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng. Vậy nên dù mặt bằng lãi suất hiện vẫn đang ổn định – lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho các lĩnh vực ưu tiên khoảng 7%/năm, trung và dài hạn khoảng 9 – 10%/năm, dành cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ngắn hạn khoảng 7 – 9%/năm, trung và dài hạn khoảng 9,5 – 11%/năm – thì nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn thăm dò. Nếu lãi suất cho vay, đặc biệt là cho vay trung và dài hạn ổn định ở mức thấp, các doanh nghiệp sẽ trút đi được gánh nặng và tiến hành những kế hoạch mở rộng phát triển sản suất kinh doanh nhằm đón đầu cơ hội mới, khi nền kinh tế dự báo sẽ tăng trưởng khá trong năm 2015.
Từ đầu năm đến nay, có thêm nhiều ngân hàng tiếp tục giảm dần lãi suất huy động tại các kỳ hạn, với mức điều chỉnh khoảng 0,1 – 0,2%. Hiện lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8 – 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng, 4 – 5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1-6 tháng. Nhờ sự giảm dần của lãi suất huy động, điều kiện cần để các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay đã có. Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng phát biểu rằng với chính sách tiền tệ cơ bản giữ vững như hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn có thể giảm thêm 1%/năm, hướng tới mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống dưới 10%/năm.
Động thái từ phía các ngân hàng cũng khá tích cực. Nhiều ngân hàng chủ động tìm đến những doanh nghiệp đang kinh doanh tốt, có ngân hàng vừa là nhà tài trợ vốn cho dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa cam kết cho vay ngắn hạn trong từng thời kỳ để mua nguyên liệu… Tuy nhiên, những cam kết kiểu như vậy không nhiều. Đa phần ngân hàng vẫn muốn đẩy vốn ra đồng thời với việc quản lý được dòng tiền của doanh nghiệp nhằm có thể thu hồi vốn vay. Cũng dễ hiểu, cho vay nhiều không quan trọng bằng chất lượng của khoản vay. Nợ xấu vẫn luôn là nguy cơ hiện hữu với các ngân hàng.
Chính vì điều này mà không nhiều doanh nghiệp dám mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư. Cũng không phải doanh nghiệp nào tìm đến ngân hàng cho mục đích này cũng được đáp ứng. Các ngân hàng có thể dễ dàng cho doanh nghiệp vay ngắn hạn nhưng rất khó cho vay trung và dài hạn, trong khi vay ngắn hạn để đầu tư máy móc thiết bị lại quá rủi ro cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể các ngân hàng cũng bị khống chế bởi tỷ lệ tối đa dùng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, mà nguồn vốn huy động ngắn hạn của các ngân hàng luôn cao hơn các khoản trung và dài hạn.
Từ đầu tháng 2, Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, trong đó tỷ lệ cho phép dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của các ngân hàng được điều chỉnh từ 30% lên 60%. Ngân hàng sẽ rộng cửa hơn trong việc cho vay. Khi đó, nếu cơ chế cho vay trung, dài hạn được mở rộng hơn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tạo cơ chế vay vốn dễ dàng hơn nữa, thì dòng vốn ngân hàng sẽ chảy vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Cơ chế vay vốn trung và dài hạn dễ dàng hơn đồng hành với lãi suất giảm sẽ là “niềm vui nhân đôi” dành cho các doanh nghiệp.
Minh Hằng (DNSGCT)