Trong cuộc họp báo thường kỳ quý 2 mới đây của Bộ VH-TT&DL, một nhà báo nêu câu hỏi: “Có hay không việc bộ bắt buộc các công chức trong bộ mua vé ủng hộ các chương trình nghệ thuật đỉnh cao?”.
Câu trả lời của chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL, ông Nguyễn Thái Bình, đại ý không hề có sự bắt ép nào, thay vào đó, bộ chỉ khuyến khích cán bộ, công nhân viên trong bộ ủng hộ các “chương trình nghệ thuật đỉnh cao” bằng cách mua vé để thể hiện tinh thần tương thân tương ái với những đồng nghiệp ngành văn hóa.
Chỉ nhìn thoáng qua, có thể sẽ cảm thấy điều gì kỳ quặc. Nhưng thử bỏ cặp mắt kính tiêu cực, cái nhìn về sự việc hẳn sẽ khác rất nhiều.
Một thời, muốn đến các chương trình giải trí ăn khách, cháy vé, người ta khuyên nhau tìm đến những ai có người thân làm ở Bộ VH-TT&DL, đặc biệt là ở các vị trí quản lý, khả năng xin được vé mời rất cao.
Nhưng với các chương trình nghệ thuật thực sự, thuộc dạng khó tiếp nhận đối với số đông, có mời 100% số vé cũng chưa chắc kín nổi khán phòng.
Cũng chẳng mấy ai nổi hứng đi xin vé các chương trình nghệ thuật kén khách ấy cả. Thế nên, thà Bộ VH-TT&DL vận động cán bộ của mình mua vé các chương trình nghệ thuật kén khách còn hơn là để mặc cho nó èo uột, rất có thể dẫn tới chết yểu.
Và nếu là cán bộ của bộ văn hóa thì cũng nên tìm hiểu thực trạng của các bộ môn nghệ thuật nước nhà cũng như tìm hiểu đặc thù của các môn nghệ thuật.
Nghệ sĩ Thành Lộc có lần kể cho tôi, trong một lần anh lưu diễn tại Pháp theo hợp tác với Bộ Văn hóa Pháp, ông bộ trưởng Văn hóa Pháp đã đăng ký mua bốn vé để mời người thân, dù ở cương vị của ông, yêu cầu bốn tấm vé của một vở diễn được đầu tư bởi chính Bộ Văn hóa Pháp là chuyện dễ dàng.
Ông lý giải đơn giản: “Nếu tôi mời ai đó, tốt nhất tôi nên mua bằng tiền của mình”. Vậy nên chuyện cán bộ ngành văn hóa mua vé các buổi trình diễn nghệ thuật âu cũng là chuyện bình thường.
Song, cái việc ủng hộ nghệ thuật bằng khuyến khích cán bộ mua vé ấy có phải là giải pháp lâu dài đối với những chương trình nghệ thuật ngày càng kén khách nhưng tiền đầu tư sản xuất thì lại tăng cao hơn hay không?
Chương trình nào cũng chỉ có thể tồn tại nếu bán được vé, nhưng bộ môn nghệ thuật ấy có sống thực sự được hay không, nó vẫn cần tới những tấm vé được công chúng tự nguyện mua, thay vì thở dài ủng hộ kiểu “tình thương mến thương” cùng lắm được dăm lần.
Nhưng nghệ thuật kén khách sẽ “vuốt ve” người tiêu dùng của mình cách nào đây, khi mà số lượng người am hiểu và yêu thích nghệ thuật đỉnh cao là thiểu số trong xã hội hôm nay?
Nghệ thuật không phải là nghề để làm giàu, dù ta vẫn chứng kiến nhiều họa sĩ đương đại bán tranh với giá rất cao. Hội họa chỉ là một ngoại lệ, ngay cả số họa sĩ bán được tranh để làm giàu cũng rất ít.
Ở nhiều nước phát triển, nghệ thuật đỉnh cao, đặc biệt là âm nhạc hàn lâm, vẫn luôn được bao cấp bởi chính phủ từ toàn phần tới một phần.
Cách đây khoảng ba năm, một điều tra của tờ The Guardian (Anh) cho biết lương của một nhạc công ở Dàn nhạc giao hưởng New York cũng như nhiều dàn nhạc khác ở Hoa Kỳ vào khoảng nửa triệu USD/năm.
Mức lương ấy khiến người Anh kinh ngạc, đặt câu hỏi “Phải chăng chúng ta đang coi thường các nghệ sĩ Anh quốc?” khi mức lương của những nhạc công tương tự ở Anh chỉ bằng 50% con số ấy.
Số tiền nghe tuy cao, nhưng sống ở trung tâm New York, thu nhập nửa triệu USD/năm thì còn chưa được liệt vào dạng thị dân trung lưu của thành phố đắt đỏ này. Đấy là chưa kể New York Philharmonic còn là dàn nhạc “ăn khách”, tức là có suất diễn thường xuyên, có công chúng mua vé nên mức bao cấp của chính phủ không đáng kể.
Với những dàn nhạc khác ở các thành phố khác, vốn dĩ khó khăn hơn, Chính phủ Mỹ phải tài trợ còn nhiều hơn.
Vấn đề được mở ra từ đây. Hãy nhìn vào các nhà hát sân khấu cổ truyền (chèo, tuồng, cải lương) hay các dàn nhạc giao hưởng hợp xướng ở TP.HCM và Hà Nội, hỏi xem mỗi năm họ có thể sáng đèn được bao nhiêu buổi?
Không có gì xót xa hơn khi nghệ sĩ sau bao nhiêu năm trau dồi mà lại chẳng có cơ hội lên sân khấu, không đủ nuôi chính bản thân mình, đừng nói đến nuôi nghề.
Vậy thì những chương trình đội lốt “nghệ thuật” rất vô bổ (thực sự chỉ là các show giải trí với những ca sĩ phổ thông đơn thuần) vốn dĩ vẫn được đầu tư từ ngân sách chỉ vì lý do là chương trình kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh này, tái lập tỉnh kia, với tổng ngân sách lên đến hàng tỉ đồng có phải là sự lãng phí đến bất công đối với nghệ thuật chân chính?
Đã hiện rõ một bức tranh rằng càng ngày càng ít người theo đuổi âm nhạc hàn lâm. Một nghệ sĩ piano muốn thành tài ít nhất phải học, tập luyện cỡ 15 năm trở lên.
Mỗi dàn nhạc chỉ có một solist pianist chính thức, thu nhập hằng tháng từ nghề còn thấp hơn cả lao động phổ thông. Bằng chứng ư? Hãy thử bước vào học viện âm nhạc quốc gia tại hai thành phố lớn, ta thấy bắt đầu có những môn nhạc cụ cực “hiếm” sinh viên.
Nghệ thuật cần công chúng. Nghệ sĩ như cái cây, công chúng là đất. Và ở Việt Nam, quá ít đất cho cái cây nghệ thuật có thể sinh tồn.
Thường thức cơ bản về nghệ thuật của người Việt rất thấp, thành ra nảy sinh tâm lý sợ, dẫn đến xa lánh nghệ thuật và gần gũi hơn với giải trí dễ dãi.
Trong một xã hội như thế, nỗ lực của mình ngành văn hóa là không đủ. Nền tảng gia đình (quan trọng nhất); truyền thông (đứng thứ nhì) và giáo dục thẩm mỹ cơ sở phải là những đối tượng đi đầu trong việc xây dựng một cộng đồng văn hóa lành mạnh, có trình độ am hiểu và thưởng thức cao.
Và trong khi đợi chờ cộng đồng ấy lớn mạnh, kiếm ra tiền để sẵn sàng mua vé xem các buổi trình diễn nghệ thuật, Nhà nước phải gắng công đầu tư xây dựng những tượng đài vô hình: Tượng đài nghệ thuật.■
– Theo TTCT