Mỹ và EU đã có những biện pháp trừng phạt Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea vào Nga, thế nhưng cả Washington lẫn Brussels vẫn còn rất thận trọng sử dụng vũ khí này. Hiện Mỹ và châu Âu chỉ mới giới hạn việc cấp visa nhập cảnh, phong tỏa tài sản của một số quan chức Nga trong giới lập pháp và quân đội, cùng một số quan chức Ukraina thân Nga. Tuy nhiên không có nhân vật nào trong danh sách 21 người này là những cộng sự thân cận của tổng thống Nga Putin. Phương Tây đe dọa trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại thì nhiều nhưng các biện pháp cụ thể thì chưa thấy đâu, ngay cả biện pháp được công bố hôm Chủ nhật nhằm vào những người có ảnh hưởng trong hai tập đoàn dầu khí lớn của Nga là Gazprom và Rosneft.
Hôm đầu tuần, cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ nói biện pháp trừng phạt tới đây còn nhắm vào công nghiệp quốc phòng của Nga. Thế nhưng, giới quan sát không hề ngạc nhiên khi thấy Moscow vẫn “bình thân như vại” trước những lời hăm dọa của Mỹ và châu Âu, ngay cả biện pháp mới nhất được đưa ra vào đầu tuần này. Biện pháp trừng phạt kinh tế luôn là con dao hai lưỡi mà trong trường hợp này những tác động đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến các tập đoàn sản xuất vũ khí của Tây Âu, đứng đầu là Pháp và Đức. Không những thế, Anh lại đang có những quan hệ mật thiết về tài chính với Nga, còn Đức thì phụ thuộc quá nặng nề vào mức cung ứng dầu khí của Gazprom và Rosneft.
Trong quan hệ thương mại, các doanh nghiệp Pháp trong năm 2013 đã xuất khẩu gần 8 tỉ euro và 1.200 doanh nghiệp nước này đang hoạt động tại Nga, điều này chắc chắn khiến Pháp phải cân nhắc khi quyết định biện pháp trừng phạt Nga. Có thể nói vì những quyền lợi kinh tế riêng của từng nước, 28 thành viên EU đều không mặn mà với quyết định phong tỏa kinh tế Nga. Đó là chưa kể trên sân khấu ngoại giao, không nước nào muốn đóng chặt cửa với Nga.
Cả hai mục tiêu bảo vệ quyền lợi kinh tế và duy trì đối ngoại đã giải thích tại sao đến nay phương Tây vẫn nhẹ tay trong các biện pháp gọi là trừng phạt kinh tế. Suy cho cùng trong thế giới mở rộng và toàn cầu hóa như hiện nay, trừng phạt kinh tế Nga sẽ bất lợi cho cả đôi bên, nhất là trong bối cảnh châu Âu hiện đang đứng trước nhiều thách thức phục hồi nội lực.
Về phía Nga, nền kinh tế cũng đang trong giai đoạn đầy sóng gió. Trong tháng 3 vừa qua, chứng khoán Nga tuột dốc, đồng rúp rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng euro khiến Ngân hàng Trung ương Nga vừa phải bơm tiền vào nền kinh tế vừa phải chỉ đạo tăng lãi suất để giảm bớt hiện tượng chảy máu đồng vốn và đà rơi tự do của đồng rúp.
Còn đối với Mỹ, kinh tế không phải là động lực làm chùn tay trong quyết định trừng phạt Nga, nhưng chính quyền Obama cũng nương tay vì những lý do địa chính trị như lính Mỹ từ Afghanistan trở về phải đi qua lãnh thổ của Nga. Hơn nữa Washington cũng cần có tiếng nói của Moscow để giải quyết các hồ sơ nóng như vấn đề hạt nhân Iran hay khủng hoảng Syria, cũng như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
V.Đ tổng hợp