Nền kinh tế Nga có thể tăng trưởng ở mức 0% năm nay, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov thừa nhận. Các hãng thông tấn Nga trích lời ông Siluanov cảnh báo rằng kinh tế nước này đang phải đối mặt với “tình thế khó khăn nhất kể từ khủng hoảng 2008”.
Ông Siluanov cho biết 63 tỉ USD đã được rút khỏi thị trường Nga chỉ trong ba tháng đầu năm 2014. Việc sáp nhập Crimea cũng sẽ khiến chi tiêu chính phủ tăng lên. Tăng trưởng GDP ước tính là rất thấp, chỉ 0,5%, có lẽ sẽ còn xuống đến gần 0%. Ông nói thêm rằng bất ổn địa chính trị, có thể hiểu là việc Nga can dự vào Ukraina và căng thẳng gia tăng tại miền đông nước này, khiến cho vốn bị rút với quy mô lớn ra khỏi thị trường.
Theo ông Siluanov, sự thoái vốn này là kết quả của việc một khối lượng lớn tiền rúp được đổi ra ngoại tệ.
Tăng trưởng trì trệ cũng liên quan đến sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng và nền kinh tế chưa được hiện đại hóa của Nga. Việc vốn bị rút ra khỏi thị trường làm giảm đi cơ hội đầu tư và tạo ra rủi ro cho ngân sách thiếu cân bằng.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev gần đây tuyên bố với người dân Crimea rằng Kremli sẽ tăng lương và tiền hưu trí, cùng với đó là tiền đầu tư cơ sở hạ tầng sau cuộc sáp nhập vùng đất này vào Nga hồi tháng trước.
Ông Siluanov cảnh báo ông Medvedev không nên tiêu quá nhiều vào Crimea và cho rằng tuyên bố trên được đưa ra mà “không có sự phân tích về nhu cầu thực sự của Crimea và Sevastopol”.
Ông Medvedev miêu tả cuộc khủng hoảng ở Ukraina là “nhân tạo” và nó chỉ có một phần trách nhiệm cho nền kinh tế đang gặp khó khăn. Ông nói: “Ở một chừng mực nhất định, những khó khăn của chúng ta gắn liền với nỗ lực của một số thế lực muốn đẩy chúng ta vào một cuộc khủng hoảng nhân tạo”.
Với việc lực lượng thân Nga đang chiếm đóng các tòa nhà công quyền ở nhiều thành phố miền đông Ukraina và Kiev nói sẽ dùng vũ lực để tái chiếm, căng thẳng tiếp tục leo thang trong khu vực.
Trong khi đó, nhóm ly khai ủng hộ Nga ở Donetsk nói sẽ không rời các tòa nhà công quyền ở đây, không chấp nhận chính quyền Kiev và không công nhận thỏa thuận quốc tế vừa đạt được ở Geneva đối với khủng hoảng Ukraina.
Theo thỏa thuận này, Nga, Ukraina, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã thống nhất rằng các bên phải giải tán tất cả các đội quân hình thành trái phép tại Ukraina và những người chiếm đóng các tòa trụ sở phải giải giáp và rút lui.
Họ cũng nói thêm rằng sẽ có ân xá cho người biểu tình chống chính phủ và các bên đã thảo luận việc có thể cho cộng đồng các vùng nói tiếng Nga ở Ukraina nhiều quyền tự trị hơn.
Các biện pháp đưa ra sẽ được quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu (OSCE) điều phối.
Alexander Gnezdilov, phát ngôn viên của quốc gia tự phong là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, nói các nhóm chỉ rời khỏi tòa nhà chính phủ ở thành phố miền Đông này khi chính quyền Kiev “bất hợp pháp” ra đi.
Đối đầu vẫn căng thẳng ở miền Đông Ukraina, nơi các nhóm ly khai thân Nga – trong đó có nhiều người có vũ trang – chiếm đóng các tòa nhà chính phủ ở ít nhất chín thành phố và thị trấn.
Một lãnh đạo biểu tình khác ở Donetsk nói các phần tử ly khai sẽ không rời đi nếu những người biểu tình ủng hộ châu Âu ở quảng trường Maidan, Kiev không gỡ bỏ lều trại trước.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hoan nghênh thỏa thuận Geneva một cách cẩn trọng, cảnh báo rằng Hoa Kỳ và đồng minh sẵn sàng đưa ra cấm vận mới với Nga nếu tình hình không được cải thiện.
Hôm 17-4 đã xảy ra nổ súng ở làng Bilbasivka, phía tây thành phố Slaviansk, miền đông Ukraina. Ba người dân thân Nga thiệt mạng và hai người bị thương. Về phía nhóm tấn công, cũng có hai người thiệt mạng.
Nga cho đến nay vẫn phủ nhận kích động chủ nghĩa ly khai ở miền Đông và Nam Ukraina.
Trước đó Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Kiev cần có các cải cách hiến pháp lâu dài, nhưng nói thêm rằng cả bốn bên tham gia đàm phán Geneva đều đồng thuận là chính người Ukraina phải tự giải quyết khủng hoảng.
T.H