Không chỉ cuộc đời của mỗi con người, mà có thể nói cuộc đời cả một nền điện ảnh cũng có những lúc được đưa lên đỉnh cao, bao quanh bởi ánh đèn sân khấu hào quang, cũng có những lúc bị chìm sâu trong bóng tối tưởng chừng như bị người đời lãng quên.
Nền điện ảnh Hongkong đang trong giai đoạn vươn mình ra khỏi bóng tối. Có một khoảng thời gian 5-6 năm trước, điện ảnh Hongkong bị điện ảnh Trung Quốc và Đài Loan lấn át, thậm chí có người phải ngước lên trời mà than rằng: Sao lễ trao giải của Hongkong gì mà chỉ toàn nghe tiếng Phổ thông? Bởi lẽ được nhận đề cử, được nhận giải không có mấy người là nghệ sĩ Hongkong nữa. Và sau một khoảng thời gian đen tối ấy, điện ảnh Hongkong dường như đã nhận ra được những sai phạm của mình, sự thụt lùi không đáng có của một nền điện ảnh từng là đứng đầu trong khu vực châu Á, cho nên những người nghệ sĩ Hongkong đang không ngừng cố gắng nuôi dưỡng nền điện ảnh nước nhà được phục hưng trở lại, bằng những tác phẩm xuất sắc, mà trong đó có thể nhắc đến sự trở lại của Vương Gia Vệ với kiệt tác Nhất đại tông sư (The Grandmaster).
Nhất đại tông sư dẫn đầu lễ trao giải Kim tượng năm nay với 14 đề cử, và lập kỷ lục mới của giải Kim Tượng khi chiến thắng đến 12 giải, phá vỡ kỷ lục được giữ trước đó của phim Mật ngọt (Comrades: Almost a Love Story) và Chiến tranh lạnh (Cold War) với chín giải. Nhất đại tông sư là bộ phim dài hơi nhất của Vương Gia Vệ, khi ông tốn hết gần 10 năm trời để hoàn thành xong kiệt tác này. Sự dài hơi của bộ phim nằm ở việc đòi hỏi cực kỳ cao của Vương Gia Vệ cho từng cảnh quay một, từng khung hình một, nên có thể thấy bộ phim là một bức tranh vô cùng hoàn hảo. Cũng như những bộ phim từ trước đến nay mà Vương Gia Vệ thực hiện, Nhất đại tông sư không hề có kịch bản, mỗi ngày ông chỉ cầm một tờ giấy trắng ra trường quay với chỉ dăm ba gạch đầu dòng, nhưng mỗi ngày chỉ thực hiện được hai dòng là cùng, thời gian còn lại là quay lại hết toàn bộ. Sự “cực kỳ khó tính” này của Vương Gia Vệ được đáp đền hoàn toàn xứng đáng với 12 giải thưởng, và bản thân ông cũng được nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Vương Gia Vệ đã chín lần được nhận đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất, và từng hai lần đoạt giải với bộ phim A Phi chính truyện (Days of Being Wild) và Trùng khánh sâm lâm (Chungking Express). Vương Gia Vệ phát biểu cảm tưởng: “Tôi nhớ lần trước tôi đứng ở vị trí này là vào năm 1994, đường đi lên không xa, nhưng một lần nữa được đi lên đã là 20 năm sau, giải thưởng này hơn biết bao lời nói. Tôi muốn cảm ơn đội ngũ của mình, được gắn bó cùng các bạn bao lâu nay là niềm vinh hạnh của tôi. Tôi cũng muốn cảm ơn vợ con tôi đã cùng tôi đi biết bao con đường. Tôi cũng muốn cảm ơn một người nữa, thầy của tôi, thầy Tôn, dù rằng việc di chuyển của thầy rất khó khăn, nhưng thầy vẫn muốn từ Trung Sơn đi đến đây. Cảm ơn mọi người, Triều Vỹ cố lên”.
Ngay sau khi giải Đạo diễn xuất sắc nhất được trao là đến thời khắc khá căng thẳng cho giải Ảnh đế. Một sự cạnh tranh đầy gay cấn giữa những khuôn mặt nam diễn viên hàng đầu Hongkong hiện nay gồm: Lương Triều Vỹ, Cổ Thiên Lạc, Huỳnh Thu Sinh, Lưu Thanh Vân. Chính vì vậy, trong lời phát biểu của mình Vương Gia Vệ đã động viên “chàng diễn viên cưng” của mình. Vợ của Lương Triều Vỹ – nữ diễn viên Lưu Gia Linh là người trao giải cho Vương Gia Vệ, trước khi công bố giải thưởng, cô cũng đã đùa vui rằng: “Tôi nhớ từng có một vị đạo diễn nói với tôi, muốn quay tốt một người diễn viên thì nhất định phải yêu người ấy. Tôi nghĩ Vương Gia Vệ nhất định yêu Lương Triều Vỹ rồi, quay một bộ phim thôi mà chiếm anh ấy hết 4-5 năm. Dĩ nhiên, diễn viên cũng như vậy, Lương Triều Vỹ cũng yêu Vương Gia Vệ, sống chết đều muốn tham gia phim của Vương Gia Vệ, hai người chắc kiếp trước nợ nần nhau rồi”. Để Lương Triều Vỹ hóa thân vào vai Diệp Vấn thật tốt, Vương Gia Vệ đã bắt anh đi đến Khai Bình (một huyện của tỉnh Quảng Đông), nhốt anh trong phòng chín tháng, ngoại trừ quay phim không cho ra ngoài, chỉở trong phòng nghỉ ngơi, đọc sách, tĩnh dưỡng. Dù rằng Lương Triều Vỹ đã bỏ rất nhiều công sức cho vai diễn Diệp Vấn, nhưng cuối cùng giải thưởng lại được trao Trương Gia Huy, và đây cũng là lần thứ 2 Trương Gia Huy nhận giải Ảnh đế.
Chương Tử Di và Trương Gia Huy