Rượu là một phần quan trọng trong các nền văn hóa không phải là Hồi giáo trên thế giới từ hàng ngàn năm nay. Trong văn hóa phương Tây, uống một hai cốc bia sau giờ làm là chuyện bình thường. Còn ở Việt Nam, người ta cố uống cho nhiều để chứng minh mình mạnh mẽ và có nam tính.
Người Việt Nam khi có tiệc thường đến các nhà hàng và các quán karaoke. Ở các nhà hàng, quán ăn, nhân viên phục vụ thường túc trực bên bàn để khui bia. Mọi người không uống từng chút một, hết chai này rồi mới mang đến chai kia như một phần của bữa ăn, mà thách nhau uống ừng ực hết nửa cốc hoặc từng cốc to mỗi lần nâng ly. Tôi đã từng đến các nhà hàng nhỏ chủ yếu chỉ bán đồ nhậu (thường là hải sản), không có cơm hay rau. Ở những nơi này bia rượu mới là chính. Còn đi hát karaoke mà không uống bia có vẻ như không sành điệu ở Việt Nam. Rất nhiều người phải có chút hơi men mới dám hát hoặc cho rằng mình sẽ hát hay hơn. Nhưng thật ra, bia rượu chỉ làm tăng sự mạnh dạn và tự tin của họ chứ thật ra không giúp nâng cao khả năng ca hát. Chất cay này cũng giúp cho những người ngồi nghe chịu đựng tốt hơn những âm thanh ầm ầm hoặc chói tai. Tai họ thay đổi vì chính họ cũng say.
Một người đàn ông Việt Nam không uống rượu quả là hiếm. Trên thực tế, người không uống bị xem là không có nam tính. Áp lực về sĩ diện là động cơ khiến họ uống. Không hiểu vì sao mà những hành vi lúc say như run rẩy, nói năng ngắc ngứ, tay chân vụng về, hoặc thái độ hung hăng, hành xử mất lý trí mà lại được xem là nam tính. Tôi nghĩ đáng ra đàn ông không nên thích mình có những biểu hiện như vậy mới đúng chứ. Từ góc độ cá nhân, ai đó đã bỏ ra bao nhiêu năm, với rất nhiều nỗ lực, mới trở nên thông minh. Tại sao lại làm điều ngược lại là bỏ tiền ra mua bia rượu uống để trở thành đổi lấy điều ngược lại? Nhưng thói sĩ diện của đàn ông thật khó phân tích. Uống càng nhiều, anh ta lại càng đàn ông hơn trong mắt những người đàn ông khác.
Việt Nam có tỷ lệ tiêu thụ bia rượu bình quân đầu người cao nhất trên thế giới. Điều này liên quan chặt chẽ đến văn hóa phụ hệ. Ở các quốc gia đàn ông và phụ nữ bình đẳng hơn, nhu cầu để chứng minh nam tính (hoặc nữ tính – nhưng tôi sẽ bàn đến việc này trong bài viết khác) lại không quá quan trọng. Việc uống nhiều rượu bia chắc chắn có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. Tỷ lệ tử vong và bị thương liên quan đến say rượu cũng đáng báo động. Lái xe sau khi uống, ngay cả khi bạn uống ít hơn những người khác, cũng có thể dẫn đến tai nạn giao thông. Rượu bia gây ra các bệnh về gan, tai biến dẫn đến tỷ lệ tử vong cao và nhiều nỗi đau khác.
Không chỉ có người uống nhiều phải gánh chịu hậu quả mà cả những người xung quanh họ cũng là nạn nhân. Các vấn đề liên quan đến người say xỉn như bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em, hiếp dâm, tội ác,… đều có thể xảy ra. Cái giá mà chính phủ phải bỏ ra để giải quyết hậu quả của bia rượu cũng không thể bỏ qua. Tiền thuế người dân đóng vào lại phải trả cho việc khắc phục những hậu quả của bia rượu gây ra cho xã hội, trong khi đáng ra nên để chi tiêu vào những việc khác. Bao nhiêu tiền của chỉ để phục vụ cho việc người đàn ông vui vẻ và thách thức nhau để xem ai mạnh hơn ai.
Một hay hai cốc bia để thư giãn thì không tội tình gì, nhưng việc thách nhau xem ai có thể uống nhiều nhất quả là tệ hại. Việc này không nên có ở một xã hội văn minh và thông minh.
Lê Tâm dịch