Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khá hứng khởi, với sự tăng trưởng đáng kể cả về chỉ số lẫn thanh khoản. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của dòng tiền từ các nhà đầu tư mới và các nhà đầu tư cũ sử dụng công cụ đòn bẩy tài chính dưới hình thức giao dịch ký quỹ. Không thể phủ nhận chính việc mặt bằng lãi suất tiết kiệm – cho vay giảm khiến cho các nhà đầu tư cá nhân mạnh dạn vay tiền. Dĩ nhiên, mỗi nhà đầu tư có khẩu vị và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau nên sẽ có cách giao dịch và lựa chọn cổ phiếu khác nhau. Những ai thích an toàn thì chọn các blue-chip hay đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp có tài chính vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Ngược lại, những nhà đầu tư mạo hiểm thường chọn những cổ phiếu có tính đầu cơ cao.
Tổng khối lượng giao dịch của thị trường những tháng qua ở mức khá cao. Trên sàn HoSE, khối lượng giao dịch trung bình khoảng 135 triệu cổ phiếu/phiên, những phiên giao dịch trên 200 triệu cổ phiếu đã xuất hiện khá thường xuyên. So với mức trung bình của năm 2013, thanh khoản trên thị trường trong quý đầu tiên của năm 2014 đã tăng hơn 140%. Trong xu thế “ào ạt” ấy của thị trường, giao dịch của khối ngoại dù cũng tăng nhưng mức tăng không lớn, chỉ hơn 30% so với trung bình của năm 2013. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi “Phải chăng tầm ảnh hưởng của khối ngoại đã giảm so với trước?”. Câu trả lời là chưa giảm, bởi trên thực tế mọi động thái của khối ngoại vẫn được các nhà đầu tư trong nước dõi theo. Chẳng hạn, những lần “gom mua, xả hàng” các loại cổ phiếu cụ thể như trong trường hợp tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF cuối tháng 3 vừa qua đều có tác động lớn đến thị trường, với các hoạt động “ăn theo” khá rầm rộ của các nhà đầu tư trong nước. Tức là ngay cả khi không có mức tăng tương ứng với mức tăng chung của thị trường, dòng vốn khối ngoại vẫn có tác động đáng kể đến hoạt động giao dịch của thị trường chứng khoán.
Tuần giao dịch đầu tháng 4 chia làm hai nửa rõ rệt, ba phiên đầu tuần chứng kiến sự giảm điểm của VN-Index, giảm đến 12,62 điểm, còn hai phiên cuối tuần lại tăng tổng cộng 11,37 điểm. Điều này không nằm ngoài nhận định của giới chuyên môn, đó là thị trường đang rung lắc và tự điều chỉnh khi ở ngưỡng quan trọng 590-600 điểm. Sự tăng giảm điểm còn diễn ra trong từng phiên giao dịch theo kịch bản tranh bán lúc đầu, đẩy giá đi xuống, một khoảng thời gian thận trọng giằng co giữa hai xu thế mua bán, rồi dòng tiền đầu tư chuyển sang “bắt đáy” giúp thị trường tăng điểm trở lại về cuối phiên. Đáng chú ý là giao dịch của khối tự doanh các công ty chứng khoán tỏ ra khá chủ động. Sau xu thế bán ròng trong tháng 3 khi thị trường tăng điểm mạnh, khối này đã mua ròng trong những phiên giao dịch đầu tháng 4, khi thị trường giảm điểm. Trong phiên cuối tuần, sự tăng điểm chỉ tập trung vào một số mã cổ phiếu nên dù chỉ số VN-Index tăng, đa số mã chứng khoán lại giảm giá. Cổ phiếu của VinGroup (VIC) có lượng giao dịch cực lớn, lên tới gần 1.746 tỉ đồng, xấp xỉ 50% tổng giá trị giao dịch toàn sàn HoSE. Khối ngoại đã giao dịch thỏa thuận lên tới trên 22 triệu đơn vị, giá trị gần 1.514 tỉ đồng.
Chính việc thị trường tăng giảm như thế khiến cho việc dự báo xu thế trong ngắn hạn trở nên khó khăn. Nếu nhìn vào những phiên tăng điểm ở cuối tuần trước thì những nhà đầu tư đang nắm giữ tiền trong tài khoản sợ mình đã bỏ qua cơ hội mua cổ phiếu tốt giá rẻ, còn với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì những phiên giảm điểm khá mạnh hồi đầu tuần sẽ khiến họ lo ngại xu hướng giảm điểm còn tiếp diễn.
Nhìn chung, thị trường đã đi vào giai đoạn tương đối ổn định, thanh khoản khá tốt – khoảng 3.000 tỉ đồng/phiên. Thị trường sẽ chờ đợi thông tin tích cực mới để giúp giao dịch tăng tốc trong thời gian tới. Các thông tin có tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán là việc nới room cho khối ngoại, tình hình kết quả kinh doanh và lợi tức của các công ty niêm yết. Còn những thông tin hỗ trợ đến từ việc lãi suất cho vay sẽ giảm, tiến trình giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ dành cho thị trường bất động sản, sự tăng trưởng kinh tế và tốc độ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước…
Phiên giao dịch đầu tuần (7-4), nhiều thông tin tích cực được công bố, trong đó đáng kể có thông tin Công ty cổ phần Sữa Việt Nam tăng tỷ lệ cổ tức và chia cổ phiếu thưởng. Cổ phiếu VNM lập tức tăng mạnh, làm điểm tựa cho thị trường và lan tỏa sang các mã khác. Tuy nhiên, thanh khoản toàn thị trường lại giảm và lực mua mạnh chỉ tập trung chủ yếu ở nhóm blue-chip. Dòng tiền tạm thời rút khỏi các cổ phiếu có tính đầu cơ cao, tập trung vào các mã cổ phiếu có yếu tố cơ bản và thông tin hỗ trợ tốt để phòng thủ trong xu hướng điều chỉnh. VN-Index đã chinh phục trở lại mốc 600 khi kết phiên ở 600,57 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 115,651 triệu đơn vị, trị giá 2.384,77 tỉ đồng.
Thành Huân