Bảy họa sĩ trẻ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa 47 lần đầu tiên triển lãm chung và lấy tên chung là nhóm Ba Ba.
Trong số họ, có những người do bận rộn mưu sinh nên thỉnh thoảng mới cầm lại bút vẽ, có người tích cực theo đuổi nghệ thuật. “Đàn bà” là chủ đề cuộc triển lãm được khai mạc vào chiều 14-3 vừa qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, TP. Hà Nội).
Đó là các họa sĩ: Trương Triều Dương, Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Thế Hùng, Đặng Đình Nguyên, Vũ Hồng Ninh, Trịnh Minh Tiến, Vũ Hoàng Vũ. Nếu như phụ nữ dưới mắt của Trương Triều Dương phần lớn là những số phận buồn, chịu đựng thì Nguyễn Đức Hùng lại cho rằng cuộc đời mỗi con người – bất kể nam hay nữ – giống như những câu chuyện, có những câu chuyện kể mãi không hết, lại có những câu chuyện không bao giờ có hồi kết; từ đó mà những tranh bút sắt của anh là những chiêm nghiệm có sức ám ảnh. Trịnh Minh Tiến lại thông qua những tác phẩm gây được ấn tượng thị giác mạnh mẽ để nói đến một vấn đề “to tát” hơn: xã hội hiện tại đang bị kích động và lôi cuốn vào vòng quay của tiền tài, dục vọng, quyền lực…, thân xác người nữ đôi khi trở thành những món hàng hay công cụ phục vụ cho những mục đích riêng, và “qua những tác phẩm như một sự giễu nhại này, tôi muốn gửi tới người xem thông điệp về một cuộc sống tốt đẹp, an lạc hơn – nơi con người tìm lại được sự bình yên trong chính mình”.
Ở một góc nhìn khác, Nguyễn Thế Hùng lấy cảm hứng từ phong cách pin-up (*), sử dụng hình ảnh người mẫu trên các áp phích, tạp chí thời trang hiện nay và trên cả internet kết hợp các mô-típ hoa văn cổ phổ biến ở những kiến trúc lịch sử của Việt Nam. Theo anh, sự pha trộn này phản ánh những điều đang diễn ra trong xã hội Việt Nam đương đại – đó là sự hòa nhập và xung đột liên tục giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại; đồng thời sựảnh hưởng tương hỗ này cũng làm biến đổi những giá trị và thái độ có tính cốt lõi. Nguyễn Thế Hùng cho rằng “Quá trình này gợi lên những trăn trở về các giá trị văn hóa, xã hội, đạo đức và nghệ thuật, khiến chúng ta đặt câu hỏi về các giá trị định hướng và cảm xúc của mình. Qua các tác phẩm, tôi muốn mang đến cho người xem một cái nhìn trân trọng, ngưỡng mộ và đầy khao khát đối với hình ảnh những người phụ nữ hiện đại: đầy thách thức, tự tin mà gợi cảm, quyến rũ và tràn đầy nữ tính…”. Còn với Vũ Hoàng Vũ và Đặng Đình Nguyên thì phụ nữ luôn là đối tượng hấp dẫn người khác phái, luôn đáng yêu cho dù họở bất kỳ cung bậc cảm xúc nào: đang hạnh phúc, hờn ghen, vui, buồn… thậm chí là giận dữ. Vũ Hồng Ninh – người đã không vẽ sáu năm nay nhưng lại tham gia triển lãm với loạt tranh mang tên Người đẹp trên internet khổ lớn khá ấn tượng.
Một phòng tranh với 20 tác phẩm, vừa đủ cho những câu chuyện kể trên, đồng thời cũng không quá màu mè, hoa mỹ nhưng tạo được những xúc cảm thẩm mỹ cho người xem. Với bảy cách nhìn khác nhau về phụ nữ, bảy phong cách sáng tác khác nhau – từ siêu thực bí ẩn cho đến biểu hiện, biểu hiện trừu tượng; từ tả thực cho đến cực thực; chất liệu tạo hình cũng đa dạng: in kẽm, bút sắt, acrylic trên giấy dó bồi vải, sơn dầu, in đá…, nhưng điểm chung mà người xem không khó để cảm nhận khi đến với phòng tranh này là sự thương yêu, trìu mến và ngưỡng mộ mà bảy tác giả dành cho người nữ.
(*) Tên gọi một trào lưu tranh đồ họa phát triển mạnh mẽ vào thập niên 1950 tại Mỹ, khi mà rất nhiều người ưa thích những bức tranh treo tường đầy màu sắc được chuyển thể từ ảnh chụp các diễn viên nữ hay người mẫu trong trang phục thật gợi cảm
- Diễm Anh