Theo quan điểm của nhà điều hành, lạm phát năm nay theo mục tiêu sẽ vào khoảng 7% nên trần lãi suất huy động 7%/năm là hợp lý, không thể giảm hơn nữa. Còn lãi suất cho vay, dù quyền quyết định thuộc về ngân hàng thương mại, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể tác động thông qua việc bơm – hút tiền mặt để thay đổi lượng tiền trong lưu thông. Ngoài ra, tốc độ tăng vốn huy động nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng khiến các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho vay để đẩy vốn ra nền kinh tế. Theo tính toán của nhà điều hành, lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 9%/năm, cho vay trung và dài hạn vào khoảng 11%/năm là phù hợp.
Khi tiền đồng được Ngân hàng Nhà nước đảm bảo sẽ chỉ mất giá không quá 1 – 2%/năm so với USD, rõ ràng người gửi tiết kiệm bằng tiền đồng có thể tin rằng đồng vốn của mình sẽ được bảo toàn và có lợi hơn so với nắm giữ USD. Đó chính là lý do dù mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua có giảm nhẹ nhưng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng. Và câu hỏi đặt ra là khi nguồn vốn huy động luôn tăng như vậy, các ngân hàng phải làm gì để đẩy nhanh tốc độ cho vay tương ứng? Làm sao để không tái diễn cảnh thường diễn ra thời gian qua, đó là ngân hàng thì than thở rằng không tìm được khách hàng tốt để cho vay, trong khi các doanh nghiệp lại kêu là rất khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng? Theo một thống kê gần đây của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, khoảng một nửa số doanh nghiệp cho biết vẫn gặp nhiều khó khăn khi cần vay vốn ngân hàng. Không những thế, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, lãi suất vay có giảm nhưng nguồn tín dụng của ngân hàng không chảy đến nơi thực sự cần – đó là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực sự có nhu cầu – mà lại đến những doanh nghiệp nhà nước yếu kém, khiến cho đồng vốn không phát huy được hiệu quả, tạo nên những khoản nợ xấu khổng lồ cho các ngân hàng. Một báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây không lâu cho thấy, 70% tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại thuộc về các doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh tốt chỉ vì không thể vay vốn từ ngân hàng. Nghĩa là, lãi suất cho vay giảm chưa hẳn đã quan trọng bằng việc nguồn vốn có tìm đến đúng nơi cần hay không.
Đó là chưa kể đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng có vẻ hấp dẫn nhưng thời gian được hưởng lãi suất thấp ấy rất ngắn, thường chỉ khoảng ba tháng, sau đó sẽ được điều chỉnh hằng tháng, khiến doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro một khi lãi suất tăng lên. Có ưu đãi mới vậy, còn không thì mức lãi suất hiện tại mà nhiều doanh nghiệp phải chịu vẫn trong khoảng 12-13%.
Nhưng cũng cần phải thông cảm với các ngân hàng thương mại. Họ cũng đang rất muốn được cho vay, bởi nếu không đây được vốn ra thì các ngân hàng sẽ gặp khó vì vẫn phải trả tiền lãi vay, nhưng cho vay mà không kiểm soát kỹ lại vướng vào nợ xấu. Thế nên, chương trình kết nối giữa ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và chính quyền địa phương là một mô hình cần được phát huy trong bối cảnh hiện nay. Chính quyền địa phương giới thiệu doanh nghiệp có dự án tốt cho các ngân hàng thương mại và các ngân hàng sẽ an tâm hơn trong việc thẩm định và cho vay. Được như vậy, thì thông tin lãi suất cho vay giảm mới thực sự là tin vui đối với doanh nghiệp và rộng hơn là với cả nền kinh tế.
Minh Hằng