Ăn tối quá muộn khiến các cơ quan chức năng của cơ thể không thể phối hợp hoạt động hài hòa để tiêu hóa lượng thức ăn vừa nạp vào, nhất là những thức ăn chứa nhiều calorie, chất béo, sodium và đường. Thói quen không tốt này nếu cứ kéo dài có thể dẫn đến hàng loạt căn bệnh sau đây:
1. Khó ngủ
Ăn nhiều chất béo trong khoảng thời gian một giờ trước khi đi ngủ khiến dạ dày không đủ thời gian tiêu hóa thức ăn, hậu quả là giấc ngủ bị kém chất lượng. Bữa ăn tối chứa caffeine hay nhiều chất cồn cũng khiến nhiều người ngủ không trọn giấc, về lâu dài có thể dẫn đến triệu chứng mất ngủ thường xuyên. Ngoài ra, những thức ăn cay, nóng trong bữa tối cũng có thể gây ra chứng ợ nóng và khó tiêu vào ngày hôm sau.
2. Tiểu đường
Ăn tối muộn đồng nghĩa với việc cơ thể phải nhịn đói trong thời gian dài. Trong cơn đói cồn cào, người ta khó lòng kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào cơ thể, khiến lượng insuline sinh ra bị giảm. Bình thường, đường trong máu được kiểm soát bởi insuline. Khi lượng insuline không đủ sẽ gây tăng đường huyết, dễ dẫn tới bệnh tiểu đường type 2.
3. Béo phì
Bữa tối quá muộn tạo ra cảm giác mệt mỏi và thèm ăn, từ đó người bị đói thường bổ sung lượng calorie vượt quá mức cần thiết trong ngày. Tiếc rằng sau khi nạp thức ăn muộn màng, cơ thể không còn sức để vận động, năng lượng không có cơ hội tiêu hao khiến các chất béo tích lũy lại, dần dà làm cho cơ thể mập ra.
4. Tăng huyết áp
Ăn muộn khiến nồng độ của các axit amin, axit béo và đường trong máu tăng cao, gây ra hiện tượng tăng huyết áp. Tình hình càng nguy hiểm hơn đối với những người ăn xong đi ngủ luôn vì sau khi ăn, máu lưu thông chậm lại và một lượng máu lớn sẽ được “gửi vào” các thành mạch, gây xơ vữa động mạch.
5. Sỏi tiết niệu
Canxi trong thức ăn nếu không được hấp thụ hết trong ruột thì khoảng 70 – 80% sẽ bị đào thải qua đường bài tiết. Quá trình đào thải đó diễn ra mạnh mẽ nhất là sau khi ăn khoảng bốn, năm giờ. Ăn tối quá muộn và ăn nhiều thực phẩm giàu canxi mà đi ngủ ngay thì toàn bộ nước tiểu bị lưu trong niệu đạo, không được thải ra kịp thời. Hậu quả là hàm lượng canxi trong nước tiểu không ngừng tăng cao, ngưng đọng, lâu dần hình thành sỏi trong thận.
6. Ung thư ruột kết
Sau khi ăn đêm, các hoạt động giảm đi khiến cơ thể khó tiêu hóa thức ăn. Khi ngủ, thức ăn “bám lại” lâu dài trong ruột, thúc đẩy nguy cơ mắc ung thư ruột kết.
7. Đột tử
Ăn muộn kết hợp với uống nhiều rượu rất dễ gây viêm tụy cấp, gây sốc trong giấc ngủ, dẫn đến nguy cơ đột tử.
8. Suy nhược thần kinh
Buổi tối là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi và theo nhịp sinh học đó, các tế bào não cũng cần được thư giãn. Nhưng khi đã ăn no, các cơ quan chức năng của cơ thể như dạ dày, ruột, gan, túi mật, tuyến tụy vẫn cứ truyền thông tin đến não, buộc các tế bào não thức tỉnh để hoạt động. Một khi “làn sóng phấn khích” lan ra các phần khác của vỏ não thì sẽ dẫn tới ác mộng. Tình trạng kéo dài có thể gây suy nhược thần kinh.
Ăn tối muộn là đầu mối của nhiều bệnh tật nên ai cũng cần tránh. Thời gian ăn tối tốt nhất khoảng 18g chiều, không nên để qua 21g. Không nên đi ngủ ngay sau khi ăn tối để giúp cho lượng thức ăn được tiêu hóa hết. Trong trường hợp công việc buộc phải ăn tối sau 21g thì nên chọn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu để các cơ quan chức năng không phải làm việc quá mức.