“Ăn là để tồn tại, mạnh khỏe, duy trì và phát triển cơ thể, ai chẳng biết. Vậy mà Tây họ dại lắm nhé.
Có lần em đi Tây, thấy con của họ ăn uống, chỉ nhìn đã sợ. Sữa họ ngào trộn với khoai nghiền nát, trông chẳng ngon lành gì, cứ thế cho ăn, không cần biết con có thích hay không. Họ chỉ cần tính đủ khẩu phần dinh dưỡng, cái này bao nhiêu calo, cái kia bao nhiêu chất đạm. Còn con nhà Việt ấy à, phải thơm ngon hấp dẫn mới ăn, chứ chẳng cần biết cái nào bổ béo.
Đấy, có đứa cả đời không chịu ăn cá tôm, rau củ, mà suốt ngày chỉ thịt, trứng. Không còn biết nấu thế nào cho đủ các loại dinh dưỡng mà sách vở truyền thông quảng cáo vừa mời vừa dọa bệnh nọ bệnh kia đến sốt cả ruột” – Bà xã tôi nói.
- Xem thêm: Ngon… dễ sợ
Trong khi nhà giàu loay hoay ăn cái gì thì bữa ăn của sinh viên ở Thủ Đức thống kê cách nay đã mấy năm thế này: bữa ăn năm ngàn đồng (bây giờ giá khác rồi), sang trọng thì có bí đỏ với chút thịt xay và cà chua… So sánh thì chẳng biết thế nào. Các cậu cô con nhà sao Hollywood còn có cả chuyên gia tư vấn sức khỏe, có đầu bếp thuộc hàng MasterChef nấu ăn. Con nhà Tom Cruise bị cấm sô-cô-la, ăn ít đạm muối đường…
Chẳng biết đã đến mức đó chưa, nhưng mà rõ ràng dân Việt mình ăn không phải để sống nữa rồi. Cứ nhìn các nơi ăn uống mà xem. Dọc đường 6 Lương Sơn, Hòa Bình cả trăm hàng thịt thú rừng. Cứ nói lải nhải bảo vệ động vật quý hiếm bảo vệ thiên nhiên đi, lên đó mà coi, cửa hàng to nhỏ treo “la liệt lủng lẳng lộng lẫy long lánh” đùi hươu nai cheo hoẵng. Chén thú rừng phải đi đồng bộ với nhà sàn phố núi, phía sau là lồng nhốt thú.
Còn ở Hà Nội, ngay phố Quốc Tử Giám, Hàng Chuối, Quán Sứ, Tôn Đản thôi cũng có đủ gân cọp hầm, thịt cọp xào lăn, một tô hầm thuốc Bắc là tiền triệu… Chẳng bổ là gì đó, đâu chỉ là khẩu vị. Mà phải cả đôi. Người “ta” khôn hơn Tây là thế.
Ở Mỹ, họ đã thay đổi tháp dinh dưỡng do Bộ Nông nghiệp công bố hẳn hoi, trong đó rau củ quả chiếm hơn nửa. Còn có lời khuyên, hãy thưởng thức bữa ăn, nhưng ăn ít thôi. Mặc kệ họ. Dân ta vẫn hướng tới đồ ăn sang, nghe lạ tai đố các cụ nghe hiểu là cái gì nhé. Thí dụ salad phô mai xanh, cá chép nướng gia vị vùng Provence, bánh táo nhân vani…
Trẻ em chơi những trò các cụ nghe chẳng hiểu, những gì nghe lùng bùng lỗ tai như hành tinh chết Raxus Prime không có sự sống vì ô nhiễm, đang là nơi trú ẩn của chiến binh Jedi vĩ đại… Chắc thế nên thức ăn của trẻ phải khác.
Còn đàn ông Việt nghe tin “10 tỉ phú nói không với rượu bia” thì cười, nói với nhau rằng vậy thì tỉ phú để làm gì cho khổ. Thì làm sao so sánh được, tỉ phú xứ họ toàn những người sáng tạo trong ngành công nghệ kiểu Bill Gates hay Mark Zuckerberg, còn tỉ phú xứ ta nhờ may “trúng” khi bất động sản đang nóng sốt hoặc nhờ quan hệ với chính quyền.
Cứ nói cho nhiều vào, phê phán lối sống bất chấp năng lực của nền kinh tế, cho rằng không người Việt nào với năng lực mà có thể kiếm đủ tiền mua Rolls-Royce… thì xứ ta vẫn cứ đầy xe xịn. Thậm chí mua xe biển ngoại giao bị giữ, giá xe cả tiền tỉ cũng bỏ, chẳng thèm đến lấy. Đó, thấy so sánh là thế nào chưa?
Cho nên, có tiền, kệ ta, ta ăn gì cho sướng miệng. Trẻ Việt khôn từ bé. Bổ gì thì bổ, cứ không ngon là không ăn. Thấy ở các căn hộ cao cấp chưa, ôsin đẩy xe con chủ đi dạo. Có cảnh mẹ đút cơm, bà gõ trống, ông… trồng cây chuối vỗ tay làm trò thì cậu ấm mới chịu nuốt một miếng. Phải thơm lừng nức mũi, tẩm ướp thứ gì không rõ, khoái khẩu, thì người Việt mới ăn.
Có hại cũng ăn, miễn là sướng miệng, còn kết quả ra sao, cái dạ dày chịu trách nhiệm, chứ cái miệng có quyền vô can. Đừng có nói chuyện khoa học này nọ, biết rồi, ai chẳng biết. Cứ sướng cái đã. Không nên hoãn cái sự sung sướng này lại. Nhân có ông đầu bếp nổi tiếng thế giới đến, hỏi, ông nghĩ gì khi thấy người Việt ăn rào rào từ sáng đến tối.
- Xem thêm: Ăn… suốt ngày
Ông lịch sự nói ngày xưa ở nước Ý của ông cũng rào rào như thế, nhưng là cách nay… hai trăm năm, nay họ đã xây dựng được lối sống khoa học. Với lại, ở đây không lạnh, ngồi vỉa hè được quanh năm. Còn tùy thuộc vào văn hóa nữa. Ôi, nói đến văn hóa thì chịu rồi, bản sắc mà, cái gì khó nói, chướng tai gai mắt cứ đổ cho văn hóa, khỏi cãi, nghe rất chi là khoa học.