Vừa qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) đã phát hiện tại bãi rác Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM), nơi Công ty Môi trường đô thị TP.HCM được phép xây dựng nhà máy chuyên xử lý chất thải nguy hại có đến 40 tấn bùn thải nhiễm hóa chất thuộc loại chất thải nguy hại được chôn lấp sơ sài, bốc mùi hôi nồng nặc. Theo điều tra, số chất thải trên có nguồn gốc từ Xí nghiệp Bình Triệu của Công ty Thuốc sát trùng Việt Nam thải ra trong quá trình sản xuất thuốc sát trùng và thuốc bảo vệ thực vật. Điều đáng nói là bãi rác này đã bị UBND TP.HCM ra quyết định đóng cửa từ cuối năm 2001 vì quá tải và gây ô nhiễm môi trường.
Trước đây, Công ty Môi trường đô thị TP.HCM đã nhiều lần bị phát hiện vi phạm về chôn lấp trái phép chất thải nguy hại. Cuối tháng 6-2013, đơn vị này đã đề nghị Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho phép vận hành thử nghiệm chôn lấp chất thải nguy hại tại bãi rác và được chấp thuận làm thí điểm. Theo các chuyên gia môi trường, đây là quyết định cần nghiên cứu, cân nhắc cẩn trọng vì có thể gây ảnh hưởng, tác động rất lớn đến môi trường. Vì vậy, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất các dự án triển khai mới về xử lý chất thải (chất thải sinh hoạt, bùn thải, chất thải nguy hại) trên địa bàn, yêu cầu đánh giá khả năng xử lý của từng nhà máy trong các dự án xử lý chất thải nguy hại, đồng thời cần nêu rõ về quy hoạch, công nghệ, tiến độ và phương thức đầu tư đối với từng dự án xử lý chất thải.
Khu vực chôn lấp rác đã phủ bạt, ngưng tiếp nhận rác
Nhập nhằng phân loại chất thải nguy hại
Theo văn bản pháp quy do Tổng cục Môi trường ban hành, danh mục chất thải nguy hại được phép chôn lấp chỉ có 11 loại song tiêu chí phân loại chất thải trong và ngoài danh mục lại chưa rõ ràng. Lợi dụng kẽ hở đó, nhiều công ty cố tình nhập nhằng “lách luật” để trà trộn chất thải không được phép vào và đem chôn lấp. Rất khó phát hiện hành vi sai phạm như vậy vì không có đơn vị nào kiểm soát cả. Chỉ trong trường hợp bất khả kháng, ví dụ một số chất thải độc hại dưới dạng bùn khó xử lý hoặc xử lý rất tốn kém thì có thể chôn, nhưng bùn đó phải không có chất phóng xạ, không ăn mòn kim loại cao… thì mới được chôn. Do chi phí xử lý chất thải độc hại rất cao nên nhiều công ty không tự giác làm việc này mà lập lờ né tránh. Đó cũng là nguyên nhân xảy ra việc chôn lấp trái phép tại bãi rác Đông Thạnh nêu trên.
GS-TSKH Lê Huy Bá – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết, ở các nước tiên tiến, chất thải độc hại hoàn toàn không được chôn lấp mà phải xử lý triệt để. Mỗi loại chất, từ chất thải y tế, chất cháy nổ đến polymer, thuốc trừ sâu… đều cần có cách xử lý riêng. Còn ở nước ta, sự không rõ ràng trong phân loại chất thải không chỉ gây khó khăn cho công tác xử lý, mà còn tạo nên kẽ hở cho một số doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc lợi dụng. Cùng là chất thải y tế nhưng có loại là bệnh phẩm, có loại là dụng cụ y tế đã qua sử dụng (túi nhựa, kim tiêm…). Bệnh phẩm có thể chôn được, nhưng dụng cụ y tế thì phải có cách xử lý riêng. Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, sau khi đóng cửa bãi rác, nếu tuân thủ đúng quy trình thì phải lấp một lớp đất dày từ 0,5 đến một mét lên trên để rác phân hủy. Trên nền đất ấy sau khi rác bị phân hủy hoàn toàn có thể trồng cây xanh, xây dựng thành công viên để tái tạo mỹ quan cho không gian.
Tham quan khu chôn lấp rác thải Gò Cát trước khi triển khai dự án SAFEUSE
Mỗi ngày, TP.HCM phát sinh khoảng 2.000 tấn chất thải công nghiệp, trong đó có 250-350 tấn chất thải nguy hại nhưng năng lực xử lý loại chất thải này mới chỉ đạt 20%. Riêng lượng nước thải công nghiệp được xả ra trung bình mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM khoảng 500.000m³, phần lớn chưa được xử lý triệt để, chưa đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, khiến nước kênh rạch ô nhiễm nặng. Kết quả phân tích trên 100 mẫu bùn thải lấy tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho thấy có 60% lượng bùn thải chứa các chất thải nguy hại. Trong khi đó, TP.HCM chỉ có 13 nhà máy xử lý chất thải nguy hại, 49 đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý (nhưng trong đó chỉ có 19 đơn vị có năng lực xử lý được khoảng 10% lượng chất thải nguy hại). Tình trạng nhiều chất thải nguy hại được thu gom chung với rác thải công nghiệp vẫn rất phổ biến nên một lượng lớn chất thải nguy hại bị chôn lấp chung tại các bãi rác hở gây ra hiện tượng phá hủy quá trình phân hủy rác hữu cơ, gây ô nhiễm nước ngầm.
Một bãi rác khác là Gò Cát (quận Bình Tân) cũng đã ngưng tiếp nhận rác từ tháng 8-2007 nhưng đến nay việc xử lý mùi hôi, nước rỉ rác của nó để tránh phát tán ra khu vực xung quanh vẫn chưa hoàn thành. Mới đây, trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội Bảo vệ môi trường quốc tế (CHLB Đức) với các đối tác Việt Nam, gồm Đại học Công nghiệp và Đại học Sài Gòn (TP.HCM), đoàn chuyên gia môi trường Đức đã sang Việt Nam từ ngày 3 đến 8-11 để tiến hành nghiên cứu xúc tiến dự án “Phát triển các phương án hành động và giải pháp khẩn thiết cho việc bảo đảm an toàn và quản lý khu chôn lấp rác thải Gò Cát theo quan điểm tối ưu hóa bảo vệ tác động của biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên đất” (viết tắt là dự án SAFEUSE). Sau hơn một năm xét duyệt, dự án đã được Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức (BMBF) đồng ý tài trợ, sẽ thực hiện trong thời gian ba năm, từ tháng 8-2013 đến tháng 7-2016. Trong đợt làm việc vừa qua, các đối tác đã khởi động dự án bằng một cuộc hội thảo, đưa ra đánh giá bước đầu sau khi tham quan khu chôn lấp rác thải Gò Cát, nắm số liệu và hiện trạng để đề xuất phương án hợp tác thực hiện.
Muôn nẻo rác thải
Hiện nay, mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 7.500 tấn rác sinh hoạt. Lượng rác thải được đưa về xử lý tại các khu xử lý chất thải Đa Phước (Bình Chánh) và Phước Hiệp (Củ Chi). Đến nay, hầu như chúng ta chưa vận dụng cách xử lý rác thải nào khác ngoài chôn lấp bãi hở. Đây là cách xử lý theo phương pháp cũ, không hợp vệ sinh vì vẫn gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Giá thuê xử lý rác hiện nay tại TP.HCM quá cao, tương đương từ 16 đến 20 USD/tấn. Giá thu gom rác tại mỗi nơi lại không đồng đều, chưa khuyến khích được người thu gom tái đầu tư vận chuyển rác. Bởi vậy, việc thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều điều bất cập. Bô rác trung chuyển hỗ trợ việc thu gom rác lúc có lúc không. Việc bố trí vị trí trung chuyển rác nhiều khi cũng không hợp lý, làm mất mỹ quan. Về vận chuyển, tình trạng vận chuyển xuyên tâm (tức đi dọc các con đường thuộc trung tâm thành phố) vừa gây ô nhiễm mùi, vừa rơi vãi rác, mất vệ sinh, dễ gây kẹt xe. Để tránh việc này, cần phải xác định lại đường đi ngắn nhất, thuận tiện nhất từ bãi rác đến điểm tập kết. Chưa kể, số xe rác tư nhân hiện khá nhiều nhưng chưa được trang bị những điều kiện chuẩn tối thiểu nên trông nhếch nhác, mất vệ sinh. Cần thiết kế loại xe nhỏ vận chuyển rác phù hợp với địa hình hẻm nhỏ, có tấm chắn để bảo vệ môi trường.
Ký kết thực hiện dự án SAFEUSE giữa các đối tác Đức và Việt Nam
Các bãi chôn lấp rác hiện nay như Tân Thành (ở vùng trũng, đất phèn thuộc tỉnh Long An) hay ở khu công nghiệp Tây Bắc (huyện Củ Chi) đều trong tình trạng bế tắc, chưa tuân thủ đúng quy định bãi rác hợp vệ sinh. Nếu đúng quy trình phải có hệ thống thu ga CH4 để phát điện hoặc dùng cho đun nấu. Bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn) đã đóng cửa nhưng các quy trình tiếp theo vẫn chưa hoàn chỉnh. Các bãi rác đều tỏa mùi ô nhiễm đi rất xa.
Để xử lý rác đảm bảo vệ sinh, phải có kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn. Trước mắt, theo các chuyên gia môi trường, việc nên làm ngay là phải sớm tính toán thiết kế đầu tư phương tiện, trang thiết bị phù hợp với điều kiện đô thị nước ta (xe ép rác, xe vận chuyển, xe thu gom rác phế thải nguy hại…) đúng chuẩn. Bên cạnh đó, cần tăng cường lò đốt rác y tế tại các bệnh viện để xử lý lượng rác thải y tế ngày một nhiều.
Lương An
Ảnh Xuân Huy