Vốn là một đầu tàu cổ phần hóa của cả nước, vậy mà từ đầu năm đến nay TP.HCM chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. Những vướng mắc về xác định giá trị doanh nghiệp liên quan đến đất đai, những tồn đọng về nợ nần và đặc biệt sự suy thoái kéo dài của thị trường chứng khoán đã khiến cho việc cổ phần hóa, khoán, bán, cho thuê các đơn vị quốc doanh ách tắc. Hiện trạng cổ phần hóa của thành phố đã phản ánh phần nào bức tranh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay.
Khoảng cách giữa đề án và thực tế
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 929, phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2011-2015”, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 68 đề án tái cơ cấu cấp tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt. Nội dung của các đề án, ngoài việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ, sắp xếp lại bộ máy điều hành, tập trung vào hai định hướng chính. Thứ nhất, phân loại các đơn vị trực thuộc, xác định các thành viên tiếp tục duy trì vốn, còn lại sẽ cổ phần hóa. Thứ hai, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Sắp xếp các công ty trực thuộc, nói thì dễ nhưng trên thực tế lại không phải lúc nào cũng thuận lợi để làm. Tổng công ty Sông Đà với khoảng hơn 30 công ty con, cháu niêm yết trên hai sàn đã liên tục ra thông báo sáp nhập, giải thể một số đơn vị. Việc giải thể thực ra không cắt giảm được bao nhiêu biên chế, mà chỉ làm gọn lại quy mô các đơn vị, từ đây giúp “họ Sông Đà” trở lại với ngành nghề chính là “anh thợ xây”. “Có một thời Công ty Sông Đà nào cũng có dự án bất động sản, ít thì nhà ở cho công nhân, nhiều thì phân lô bán nền, xây nhà cao tầng bán căn hộ ra bên ngoài” – một thành viên hội đồng quản trị tổng công ty cho biết – “Một số doanh nghiệp Sông Đà nổi như cồn nhờ bất động sản như Sudico và giờ đầy khó khăn, nợ nần cũng vì đất đai”.
Thoái vốn ngoài ngành có lẽ là điểm nổi bật của tái cơ cấu DNNN. Trong các đề án, kế hoạch thoái vốn được lên chi tiết. Chẳng hạn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT đã đầu tư vào 82 doanh nghiệp, dự kiến năm 2013-2015 thoái vốn tại 57 đơn vị, trong đó riêng năm 2013 thoái vốn khỏi 31 công ty. Tập đoàn Dệt May phải thoái 100% vốn tại 37 đơn vị. Kế hoạch của Tổng công ty Hàng hải Vinalines thoái vốn khỏi 37 doanh nghiệp… Kế hoạch hoành tráng bao nhiêu, thực hiện khiêm tốn bấy nhiêu. Vinalines mới hoàn thành thoái vốn được sáu đơn vị. Tổng công ty Thép rút xong vốn ở hai doanh nghiệp… Gian nan nhất xem chừng là thoái vốn DNNN đã đầu tư vào ngân hàng. Tập đoàn Điện lực đã vài ba lần tổ chức đấu giá công khai, bán phần góp vốn vào Ngân hàng An Bình, cuối cùng vẫn chưa bán được. Tập đoàn Dệt May rao bán cổ phần ở Ngân hàng Nam Việt, cũng chưa tìm được người mua.
Sự thất bại của thoái vốn ngoài ngành không chỉ được thừa nhận ở cấp doanh nghiệp, mà cảở cơ quan chủ quản. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội khóa VIII, kỳ họp đang diễn ra, nhận xét “chỉ mới thoái vốn được một số ít tài sản có giá thị trường cao hơn giá hạch toán hay giá đầu tư ban đầu”.
Thay đổi cách nhìn
Đề cập đến thoái vốn ngoài ngành và sự ách tắc của nó, tháng 10 vừa qua lần đầu tiên trong nhiều năm nay, một số bộ, ngành lên tiếng về tư duy, tiêu chí, cách thức thực hiện bảo toàn vốn chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Thậm chí đã xuất hiện những tiếng nói mạnh mẽ cho rằng quy định bảo toàn vốn mang tính hình thức, thiếu linh hoạt, làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, không thúc đẩy họ đổi mới công nghệ, sáng tạo kinh doanh vốn dĩ là những phương cách hiệu quả để bảo toàn vốn.
Có thể thấy vốn phải thoái của DNNN rất đa dạng. Việc thoái vốn không chỉ là chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, mà cả bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sang nhượng dự án… Thế nhưng các quy định về thoái vốn nằm phân tán ở nhiều văn bản khác nhau, nội dung không bao quát được các loại vốn, tài sản cần thoái và trở nên lạc hậu với diễn biến thị trường. Đã có những ý kiến từ chính các DNNN nếu không sửa đổi các quy định, giải quyết vướng mắc, thì thoái vốn khó hoàn thành trước năm 2015 như Chính phủ yêu cầu.
Năng lực cạnh tranh, ở đâu?
Thoái vốn ngoài ngành sẽ tạo điều kiện cho DNNN tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi. Trong hoàn cảnh vốn điều lệ, vốn tự có thấp, chủ yếu được bổ sung bằng nguồn lợi nhuận để lại, vốn lưu động nhiều khi phải đi vay, DNNN thật sự khó cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về năng lực tài chính.
Tuy vậy tái cơ cấu DNNN không thể chỉ xuất phát từ khía cạnh vốn, mà phải đi thẳng vào bản chất vấn đề, đó là năng lực cạnh tranh. Từ trước đến nay, một phần nguồn lực cạnh tranh của DNNN là do độc quyền. Không có đối thủ xứng tầm, một mình một chợ, nhiều DNNN đã tự bào mòn hiệu suất, khả năng cạnh tranh. Tập đoàn Điện lực hay các doanh nghiệp cấp nước là một dẫn chứng. Bây giờ để nâng cao sức cạnh tranh, trước hết phải tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch, mà điều này bản thân DNNN không thể tự làm được.
Cải cách sức cạnh tranh, bên cạnh đó, còn phụ thuộc nhiều vào tái cơ cấu đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Vì sao trong những năm gần đây các công ty cổ phần, các đơn vị đã cổ phần hóa kinh doanh hiệu quả hơn, cụ thể là tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn, so với DNNN? Hãy xem trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Các công ty như Masan, Kinh Đô, Vinamilk, Vinasoy… đều dẫn đầu ngành nghề trong khi các doanh nghiệp quốc doanh hầu như mất bóng, chưa nói gì đến việc đảm trách vai trò chủ đạo, dẫn đường. Những doanh nghiệp này đã tạo dựng được một đội ngũ lãnh đạo và dàn nhân viên có trình độ, tâm huyết với công ty. Một cơ chế linh động trong việc trả lương, thưởng đã tạo động lực cho nhân viên, lãnh đạo cùng làm việc hết mình, chơi hết mình. Cơ chế này ở DNNN chưa bao giờ có được.
Lần giở đề án tái cơ cấu của một tổng công ty nhà nước, phần đào tạo nhân viên, bộ máy, tay nghề người lao động chỉ chiếm một phần nhỏ nhoi, trong khi những tập đoàn tư nhân đang thành công trên thương trường đều có một chiến lược bài bản về nhân sự, nhân lực.
Phải thừa nhận gần đây nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho DNNN, nhất là đầu tư cho nhân lực quá mỏng. Do sự mất cân đối thu chi ngân sách, chi cho đầu tư phát triển, trong đó có chi cho DNNN đã giảm đáng kể. Theo Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển năm 2010 của ngân sách bằng 8,5% GDP, năm 2012 bằng 6% GDP và chín tháng đầu năm nay chỉ còn bằng 4,71% GDP. Tỷ lệ này tụt xuống một phần vì GDP tăng nhanh hơn mức tăng chi đầu tư phát triển của ngân sách, nhưng phần khác là do chúng ta thiếu tiền. Rõ ràng nếu vấn đề nhân lực của DNNN không được giải quyết rốt ráo, sẽ khó có thể nói đến sự thành công của tái cơ cấu khối quốc doanh.
Quay trở lại với cổ phần hóa. Theo lộ trình năm 2013 cả nước phải cổ phần hóa 25 doanh nghiệp, nhưng đến nay chưa có “ông lớn” tổng công ty nào được chuyển đổi sở hữu khi mà tháng 12 đã rất gần. Năm ngoái còn có một “ông lớn” cổ phần hóa là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV). Mới đây hãng hàng không quốc gia VietnamAirlines tuyên bố chuẩn bị phát hành cổ phiếu ra công chúng trong năm tới. Những “đại gia” alô như Vinaphone, MobiFone đã nói đến việc IPO từ lâu, nay vẫn chưa nhúc nhích gì.
Và còn đó những DNNN cổ phần hóa dở dang: chưa tìm được đối tác chiến lược, Nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối quá lớn. Tông công ty rượu, bia, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đến nay vẫn chưa tìm được đối tác ngoại và đã nhiều lần lỗi hẹn niêm yết. Tại Tổng công ty Khí (GAS) Nhà nước còn sở hữu tới gần 97%. Hàng loạt doanh nghiệp tầm cỡ khác Nhà nước chưa giảm được sở hữu về 51% như đề án cổ phần hóa như Vietcombank, Vietinbank, Bảo Việt Holding, Đạm Phú Mỹ…
Về khung pháp lý, các văn bản phân loại DNNN, những doanh nghiệp nào Nhà nước cần đầu tư vốn ở mức 100%, 75%, 65% và dưới 50% đều đã được ban hành và có hiệu lực. Nhưng dường như sự phân loại này vẫn khó thực hiện do chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chủ quản. Về mặt khách quan, không ít cơ quan chủ quan bộ, ngành và các địa phương đang làm trì trệ việc tái cơ cấu DNNN.
Hải Lý