Bò Châu Giang
Kinh Vĩnh Tế
Câu tục ngữ trên nói lên phần nào nét độc đáo của xứ sở Châu Đốc, nơi có dòng kinh Vĩnh Tế lịch sử gắn liền với tên tuổi Thoại Ngọc Hầu và cũng là nơi có nhiều món ăn đặc sản: mắm thái trộn với thịt ba rọi luộc, rắn hổ rút xương bóp gỏi ngó sen, thịt bò xào lá vang và các đặc sản của vùng núi. Còn một đặc sản mà đi vòng quanh chợ Châu Đốc, hầu hết các quầy bán thực phẩm, nhu yếu phẩm, các cửa hàng rượu, bia, các nhà hàng cao cấp… đều có bán: khô bò. Có ba loại khô bò: loại màu vàng cứng và giòn, loại màu nâu sẫm cứng mà không giòn, loại màu nâu xốp, giòn và dẻo.
Khi chọn bò làm khô, thông thường không chọn bò bị ngộp hơi, chọn những con chắc thịt, sử dụng phần thịt đùi trong con bò, sau khi lóc còn khoảng từ 200 đến 250kg. Người tiêu dùng muốn chọn chủng loại nào tuỳ thích vì đã có mức giá “tiền nào của nấy”. Qui trình sản xuất khô bò thật đơn giản, chủ yếu làm thủ công. Khâu quan trọng quyết định cho chất lượng sản phẩm là cách ướp, tẩm, sấy. Tuỳ theo công thức và bí quyết riêng của mỗi cơ sở, mỗi loại khô bò có đặc trưng riêng không thể nhầm lẫn.
Đây là loại lương khô, mùi vị phong phú, đầy đủ đạm tố với các chất mặn, ngọt, béo, cay, thơm… thường được dùng làm món khai vị trong các bữa tiệc. Đặc sản khô bò Châu Đốc được tặng huy chương tại hội chợ Giảng Võ Hà Nội và nhiều năm liền được Uỷ ban khoa học kỹ thuật An Giang công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện nay khô bò Châu Đốc đã được tiêu thụ một số lượng khá lớn, khoảng 6 tấn một tháng.