Trong chuyến công du châu Á, ông Bill Fisher, Giám đốc xuất khẩu của Tập đoàn Grands Chais de France thường dừng chân ở Việt Nam, nơi thương hiệu rượu vang J.P. Chenet đã có chỗ đứng từ nhiều năm nay. Câu chuyện mà ông trao đổi với chúng tôi bắt đầu từ chai J.P. Chenet có hình dáng nghiêng khá đặc biệt:
Với ông Bill Fisher, vang ngon là loại dễ uống và nhiều hương trái cây
Trước khi Chủ tịch tập đoàn của chúng tôi tiếp quản thương hiệu J.P. Chenet vào năm 1979 thì ông đã kinh doanh rượu cognac trong những chai hình dạng như thế. Một ngày nọ, có người bảo rằng tại sao không đựng rượu vang trong cái chai ấy vì nó rất đặc thù. Đây là loại chai thủy tinh ngày xưa được người thợ dùng tay cầm để thổi với chỗ lõm trên thân và cổ chai hơi nghiêng. Điều thú vị, và cũng là lợi thế, của chai rượu này là rất dễ nhận biết. Năm 1981, chai J.P. Chenet được giải thưởng nhờ hình dạng độc đáo của nó. Ngày nay, chúng tôi có thêm một phiên bản khác (phần cổ chai không còn cong nhưng thân vẫn có chỗ lỏm) vì có một tỷ lệ nhỏ khách hàng cho rằng phiên bản đầu tiên không đẹp và muốn có cái chai truyền thống. Nhưng chai kiểu J.P. Chenet vẫn được ưa chuộng vì nó mang đến sự khác lạ, độc đáo cho người tiêu dùng.
Có thể nói sự tình cờ đã dẫn đến kết quả này…
– Đúng vậy. Khác biệt lớn nhất là vào đầu thập niên 1980, thời điểm mọi người uống vin de table (tên gọi chung loại vang uống thông dụng – PV), chúng tôi đã nâng J.P. Chenet lên thành vin de pays (có xác định vùng trồng nho, nhưng chưa phải là tên gọi xuất xứ) nhằm tăng tính cạnh tranh, khởi đầu là ở thị trường Đức và Hà Lan. Ngày nay, chúng tôi bán J.P. Chenet đến 160 quốc gia.
Các ông có nghĩ đến việc đạt chứng nhận xuất xứ cao hơn cho sản phẩm thay vì cứ giữ vin de pays?
– Chúng tôi có thử làm. Nhưng 60% của 84 triệu chai J.P. Chenet bán ra trên toàn thế giới hằng năm là cabernet-syrah. Lúc đầu chỉ là cabernet sauvignon, do năm 1997 vụ mùa thu hoạch ở miền Nam nước Pháp không tốt nên chúng tôi quyết định pha trộn thêm với syrah. Với những người đam mê rượu vang, họ sẽ nói đến nào là Mouton Rothschild, Lafite, Latour… với những đặc điểm terroir, giống nho… Nhưng khi ngồi vào bàn uống rượu vang, họ nghĩ đến sản phẩm khác ngon và rẻ. Dù nay chúng tôi đã có những sản phẩm cao cấp quảng bá terroir như nho malbec, hoặc ngày càng chú ý hơn đến tính riêng biệt của nhãn hiệu nhưng đa số người tiêu dùng chỉ đơn giản nghĩ đến vang đỏ hoặc vang trắng.
Chỉ đơn giản vậy thôi ư?
– Tất nhiên nếu họ muốn nhấn mạnh đến giống nho thì chúng tôi cũng đáp ứng, chẳng hạn merlot, chardonnay, colombard… hoặc thậm chí chọn cả niên vụ. Nhưng ngay tại nhà hàng này (Au Parc, 23 Hàn Thuyên, Q.1, TP.HCM), liệu thực khách sẽ gọi một ly J.P. Chenet hay một ly merlot? Theo tôi, họ sẽ gọi một ly house wine của nhà hàng (tức J.P. Chenet theo lựa chọn của nhà hàng) hoặc đơn giản một ly vang đỏ hoặc trắng. Vấn đề là nó phải ngon, dễ uống với mọi người. Tất nhiên những người sành hơn thì tìm kiếm giống nho riêng biệt, nhưng tỷ lệ này rất thấp. Đây là điều diễn ra trên khắp thế giới, không riêng ở Việt Nam.
Thường người ta chọn sản phẩm có niên vụ gần nhất vì nó tươi mát và dễ chịu lúc thưởng thức. Nhiều người nghĩ rằng cần phải giữ rượu vang nhiều năm tại nhà. Mỗi lần tôi tổ chức nếm thử ở Sri Lanka, lại có người bảo tôi rằng rượu vang càng lâu năm càng ngon. Nhưng với tôi, trong 90% trường hợp, rượu vang càng mới càng ngon. Tôi giải thích với họ rằng nếu mua chai vang trong cửa hàng với giá trên 400.000đ, cũng tương tự ở Việt Nam, thì mới đáng để xem niên vụ trên chai là năm nào. Nếu dưới mức giá này thì bạn nên tìm vang mới nhất, nhiều hương vị trái cây và uống dễ chịu. Chúng tôi bán vang với giá rất cạnh tranh để giành thị phần và phục vụ những người muốn uống thứ khác với rượu mạnh và bia.
Vậy mục tiêu của ông là tiếp cận những người mới làm quen với rượu vang bằng sản phẩm dễ uống?
– Đúng vậy. Điều đầu tiên cần làm tại một quốc gia, như Việt Nam, là chuyển những người quen uống rượu mạnh và bia sang uống vang. Chúng tôi cũng bán rượu vang cho người nước ngoài và du khách, nhưng tiềm năng mới chính là người Việt. Với dân số Việt Nam trên 86 triệu như hiện nay, nếu chúng tôi bán được mỗi tuần một ly cho 10 triệu người, tức trên 10% dân số thì đã quá tuyệt vời. Đối với nhà nhập khẩu, chúng tôi chúc họ phân phối được nhiều nhất trong các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Ông quan niệm vang ngon là như thế nào?
– Đó là loại vang mà sau khi uống lần đầu, bạn muốn uống tiếp lần sau. Một lần ở Bangkok, có khách hàng gọi điện than phiền rằng chai Bordeaux được ông ta mua ở chỗ chúng tôi không ngon. Tôi bảo ông ta mang chai đó đến và tôi cùng nếm thử với bạn bè. Đúng là nó không ngon. Nhưng chai Bordeaux này có cấu trúc rất nặng, độ chát cao và nên dùng trong bữa ăn. Ưu thế của J.P. Chenet là cấu trúc mượt mà, độ chát nhẹ và chỉ cần thích là uống chứ không cần phải dùng bữa. Vang ngon, tóm lại là dễ uống, mượt mà và nhiều hương vị trái cây.
Vậy điều đó có nghĩa rằng J.P. Chenet không hiện diện trong những nhà hàng cao cấp đòi hỏi rượu vang có độ phức tạp cao kèm với món ăn cũng cầu kỳ?
– Khi bạn trả 100 euro cho bữa ăn chưa có rượu, bạn sẽ sẵn sàng chi 150 hoặc 200 euro để được uống vang ngon như Sancerre, Chablis, Bordeaux… Tất nhiên J.P. Chenet không xứng đáng như vậy. Nhưng với bữa ăn trưa tự chọn được phục vụ vang uống không hạn chế chẳng hạn, J.P. Chenet hoàn toàn đáp ứng được. Nó là loại vang uống mỗi ngày, mọi nơi.
Trong tình hình khó khăn hiện nay, vang dễ uống và giá rẻ được tiêu thụ tốt hơn. Ông có nghĩ J.P. Chenet sẽ có chỗ đứng tốt trên thị trường?
– Chắc chắn có. Hai ngày trước khi đến Hà Nội, tôi đã thấy những nhà nhập khẩu than thở nào là lạm phát, làm ăn quá khó khăn, các công ty đóng cửa… Vấn đề là không biết khủng hoảng kéo dài đến bao giờ. Ở châu Âu, trong 4-5 năm khủng hoảng vừa qua, người dân chi tiêu cho ăn uống ít đi và đi ăn ngoài cũng ít. Khi họ đi ăn ngoài, có hai khả năng xảy ra: hoặc là họ “trúng mánh” nên cần ăn mừng bằng rượu vang, hoặc là họ có một tuần lễ làm ăn bết bát nên muốn chôn nỗi buồn vào rượu vang. Vì vậy có khả năng J.P. Chenet tạo được chỗ đứng nếu có đủ phương tiện để xuất hiện ở các nhà hàng, cửa hàng. Hôm qua, tôi ăn trưa ở một nhà hàng mà chỉ có bốn thực khách. Đúng là so với một năm trước thì tình hình hiện nay buồn hơn.
Quang Thái
[note color=”#00b2ff”]Trong buổi tiệc gala diner ngày 20-9-2012 tại Khách sạn Caravelle, Công ty Tấn Khoa sẽ giới thiệu các sản phẩm mới của Tập đoàn Grands Chais de France, trong đó có chai J.P. Chenet Fashion dung tích 200ml có bao bì rất thời trang như tên gọi, gồm hai hương vị đào và cassis (một loại nho rừng màu đen có mùi thơm riêng biệt][/note]