Chỉ sau vài tiếng lộp bộp của thức ăn rơi xuống tấm phao, hàng trăm con cá trê trồi lên mặt nước bò trườn leo lên tấm phao tranh nhau đớp mồi. Xong, chúng tức tốc quay lại ao. Đó là một trong những thực cảnh kỳ thú “cá trê vượt cạn” tại nhà vườn Thành Tâm ở Cồn Sơn.
Đàn cá trê hơn 700 con được chính anh nông dân chủ vườn Nguyễn Thành Tâm trực tiếp huấn luyện ròng rã hơn bốn tháng từ cuối năm 2021, vừa đưa vào biễu diễn trong mô hình du lịch cộng đồng cùng với cá lóc bay, cá lóc bú bình đã gây tiếng vang suốt hơn sáu năm qua.
Là một trong năm cù lao nằm dọc trên dòng sông Hậu thuộc địa phận Cần Thơ (nay thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), Cồn Sơn với diện tích tự nhiên 76ha, cách trung tâm Cần Thơ chừng 6km. Để đến được nơi đây, du khách gửi phương tiện tại bến đò Cô Bắc và đi đò sang Cồn Sơn chỉ mất vài phút.
Tám năm trước, tận dụng lợi thế khí hậu trong lành, thiên nhiên sông nước hoang sơ, không khí tinh sạch, gần chục hộ dân ở Cồn Sơn đã liên kết, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Các sản phẩm trải nghiệm ban đầu chỉ là tát ao bắt cá, làm bánh dân gian, vào vườn trái cây và thưởng thức ẩm thực miệt vườn, nghe đờn ca tài tử… dần dà sau này một số hộ dân đã sáng tạo thêm các sản phẩm du lịch biểu diễn cá, tạo nên nét riêng đặc sắc. Hiện ở Cồn Sơn có gần 40 hộ phục vụ du lịch cộng đồng. Nổi bật trong số đó là nhà vườn của anh Nguyễn Thành Tâm, sinh năm 1979, được nhiều người đặt cho biệt danh “vua xiếc cá”.
Anh Tâm kể khi bắt đầu rẽ hướng sang làm du lịch cộng đồng bằng chính sản vật vườn nhà, anh nghĩ ngay phải tạo ra cái gì đó độc đáo, mới lạ thì du khách mới ghé lại nhiều lần. Từ đây, anh bắt đầu có ý tưởng huấn luyện đàn cá lóc “bay” lên mặt nước đớp mồi. Với thâm niên hơn 25 năm nuôi cá, anh Tâm quá rành tính nết của loài cá, nhất là đặc tính hám mồi.
Để huấn luyện cá “bay” lên khỏi mặt nước, mỗi lần cho cá ăn anh Tâm lấy dụng cụ gõ vào xô đựng thức ăn để cá quen dần âm thanh. Ban đầu chỉ lác đác vài con trồi lên, rồi dần dà thành từng đàn quần tụ lại khi nghe tiếng gõ. Tiếp đó anh tập cho chúng có phản xạ nhảy lên trên không tranh nhau đớp mồi. Bền bỉ và kiên nhẫn tập từng ngày cho đàn cá lóc thì đến khoảng giữa năm 2016, sản phẩm du lịch “cá lóc bay” của nhà vườn Thành Tâm chính thức đưa vào khai thác du lịch cộng đồng, thu hút rất đông du khách tìm đến mục sở thị.
Khi đàn cá lóc lớn tuổi, to con, không còn sức nhảy cao tạo hình ảnh bắt mắt, anh Tâm thả chúng ra ao, mương quanh nhà. Chờ một thời gian cho đàn cá quen với môi trường tự nhiên, biết tự săn mồi, anh mở cống thoát nước để cá bơi ra sông Hậu. Tuyệt đối anh Tâm không bán cho thương lái hay ăn thịt đàn cá. “Đàn cá khi phục vụ du lịch là chúng đã giúp mình kiếm tiền, cho mình thu nhập thì mình sao nỡ giết thịt chúng”, anh Tâm chia sẻ và cho biết đó cũng là cách anh hướng đến mô hình du lịch bảo vệ nguồn thủy sản nước ngọt.
Những ngày đầu khi đàn cá lóc “về hưu” được thả ra môi trường tự nhiên, một số cá lóc “cụ” không chịu bơi ra sông Hậu mà cứ lẩn quẩn trong ao, mương vườn nhà anh Tâm. Các “cụ” lóc này không còn lanh lợi để tranh mồi nên lo chúng chết đói, anh Tâm nghĩ ra cách cho các “cụ” cá ăn kiểu chăm mớm bằng bình sữa. “Cách này nếu thử nghiệm thành công thì biết đâu tôi lại có thêm sản phẩm thú vị cho du khách trải nghiệm, nhất là các em nhỏ khi đến đây có thể cầm bình cho cá bú sẽ giúp các em thích thú hơn”, anh Tâm nhớ lại.
Để bắt đầu, anh Tâm mua bình sữa đựng các viên thức ăn cho cá, cắt đầu núm nhựa cho lớn, rồi mang ra sàn nước tạo tiếng động để cá tìm đến “bú” bình. Ban đầu chỉ vài con đến nhấp nhả núm nhựa và dễ tháo chạy khi có động. Người nhà anh Tâm phải kiên trì thay phiên nhau cầm bình sữa mớm cho cá ăn để chúng quen hơi người lạ. Dần dà đàn cá dạn dĩ hơn. Khi nghe tiếng “lắc, lắc” vang ra từ sự va chạm của các viên thức ăn vào thành bình sữa, đàn cá lóc sẽ tự động quần tụ lại phía sàn nước để “bú” thức ăn. Có con “manh động” ngậm luôn bình lôi ra xa! Sau gần sáu tháng tập luyện, số lượng đàn cá lóc chuyên “bú” bình lên gần 1.000 con và năm 2019 anh Tâm đưa sản phẩm “cá lóc bú bình” vào khai thác du lịch cộng đồng.
Biễu diễn các tiết mục cá lóc được một thời gian, anh Tâm lại đau đáu phải có gì độc đáo hơn nữa thu hút du khách quay trở lại. Từ đây, sản phẩm du lịch “cá trê vượt cạn” ra đời. Anh làm một vèo nuôi cá trê với kích thước 1,5m2 và 700 con giống. Do cá trê có tập tính sống ở tầng đáy, khá nhút nhát nên anh Tâm phải tập cho cá ăn gần bờ trước để chúng quen dần rồi rải thức ăn ra xa. Biết rõ tập tính cá trê háu ăn nên trong tháng đầu anh Tâm dùng “mồi ngon” tập cho chúng hợp lại thành đàn. Rồi anh huấn luyện chúng từ từ vượt lên mặt nước 1 – 2cm, dần dà lên 7cm, thậm chí cả tấc.
Tiếp đó anh tập cho chúng bò trườn lên tấm phao nổi đặt trong vèo lưới. Sau bốn tháng nhẫn nại huấn luyện, đàn cá trê được thuần phục hoàn toàn. Khi nghe tiếng thức ăn rải trên tấm phao, đàn cá lập tức trồi lên, tranh nhau trườn bò, phóng lên tấm phao đớp mồi. “Chén” sạch thì chúng nhanh chóng trườn lại ao nước. Tất cả diễn ra chỉ trong vài phút. Hiện anh Tâm đã nhập thêm cá trê giống để làm vèo cá trê vượt cạn thứ hai, cũng với cách cho ăn tương tự.
Từ đàn cá trê đầu tiên, anh Tâm nghiệm ra để cá đủ sức vượt cạn lên tấm phao đớp mồi, phải chọn được những con giống tốt, bơi khỏe, thân dài đủ chuẩn, đuôi và vây đẹp thì mới bắt mắt du khách. Chính vì yêu cầu tuyển chọn khắt khe như vậy mà khi nhập về 10.000 con cá trê giống gầy đàn hai, anh Tâm chỉ lựa ra được chừng 2.000 con. Bù lại, tuy nuôi chưa lâu nhưng bầy cá trê thứ hai này cũng đã vượt cạn không kém bầy cá “thế hệ trước” vì được huấn luyện từ khi còn là cá bột. “Con vật gì cũng vậy, đặc biệt là con cá, mình phải rất thân thiện với nó. Tôi xem cá giống như thú cưng của mình thì mới tập được. Bởi con cá mà khi búng tay nó giật mình là bỏ chạy. Mà đã bỏ chạy rồi là không biết bữa nào mới tìm lại được”, anh Tâm kể.
Bằng cách làm du lịch cộng đồng thuần hậu, sáng tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, anh Tâm và nhiều nhà vườn khác ở Cồn Sơn đang làm cho vùng đất nghèo khó này trở nên khấm khá, quyến rũ bằng chính các sản vật bản địa và một cách làm du lịch thuận tự nhiên.