Ho là một phản xạ bình thường của cơ thể giúp làm sạch phổi và khí quản, thường xuất hiện khi bị cảm lạnh, cảm cúm. Nhưng đôi khi cơn cảm cúm đã khỏi mà cơn ho vẫn kéo dài thì chúng ta nên lưu ý những nguyên nhân sau:
Đường hô hấp bị kích thích sau bệnh cảm lạnh hoặc cảm cúm
Sự tấn công của virus gây cảm cúm, cảm lạnh vào đường hô hấp là nguyên nhân phổ biến ở gây bệnh ho mãn tính. Theo BS Norman H. Edelman, Giám đốc y tế của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ thì triệu chứng cảm cúm có thể hết sau vài ngày nhưng cơn ho thường kéo dài vài tuần hoặc vài tháng vì virus khi tấn công làm cho các cơ quan của hệ hô hấp bị sưng tấy và trở nên nhạy cảm hơn. Vì vậy, nhiều trường hợp virus cúm đã bị tiêu diệt mà cơn ho vẫn kéo dài và xuất hiện nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau đó.
Ngoài ra, vi khuẩn cúm cũng có thể gây viêm xoang, viêm phế quản và viêm phổi. Nếu bạn bị sốt hoặc đau nhức kéo dài cùng những cơn ho dai dẳng thì cơ thể bạn có khả năng đã bị nhiễm khuẩn. Hãy đi khám ngay vì có thể bạn sẽ cần uống thuốc kháng sinh.
Ho do những bệnh ngoài cúm
Ngoài cảm cúm thì có hai bệnh thường làm chúng ta ho nhiều là dị ứng và hen suyễn. Một số bệnh ít nhiều ảnh hưởng đến hô hấp là bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, ngủ ngáy hoặc chứng ngưng thở khi ngủ.
Căng thẳng và stress
Stress và căng thẳng kéo dài cũng làm cho cơn ho khó dứt, có thể vì stress làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, hãy cố gắng thư giãn và nghỉ ngơi để tránh làm cho cơn ho ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngủ từ 7-8 giờ mỗi đêm cũng là cách đẩy lùi cơn ho hiệu quả.
Không uống nước đầy đủ
Khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm, chúng ta cần chú ý bổ sung nhiều nước cho cơ thể mỗi ngày bằng cách uống nước tinh khiết, nước trái cây và canh nóng. Nước giúp làm lỏng chất nhầy bám ở đường hô hấp và tạo điều kiện cho cơn ho tống chất nhầy ra bên ngoài. Lưu ý là rượu và cà phê sẽ làm mất nước nên cần hạn chế tối đa khi bị ho. Sử dụng nước muối rửa mũi cũng là cách làm ẩm đường hô hấp rất tốt.
Lạm dụng thuốc xịt thông mũi dạng phun
Thuốc xịt thông mũi dạng phun có thể giúp bạn đối phó với tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi nhưng không nên dùng liên tục quá ba ngày. Dùng thuốc xịt thông mũi kéo dài sẽ gây hiện tượng phản ứng ngược lúc ngưng xịt, làm màng nhầy trong mũi của bạn bị tắc nghẽn, dẫn tới các chứng nghẹt mũi, sổ mũi và ho nhiều hơn.
Không khí quá khô hoặc quá ẩm
Nhiều người thường nghĩ chỉ có thời tiết giá lạnh mới làm nhiều người bị ho nhưng thực ra, không khí quá khô hoặc quá ẩm cũng gây ho kéo dài. Vì không khí quá khô làm chúng ta bị mất nước còn không khí quá ẩm là nguyên nhân gây hen suyễn và tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc cùng các tác nhân gây dị ứng phát triển. Vì vậy, cách tốt nhất để tránh ho là không lạm dụng máy lạnh ở nhà và cả nơi công sở, nhất là khi ngủ.
Thuốc ổn định huyết áp
Thật bất ngờ là một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp lại chính là nguyên do làm cơn ho kéo dài không dứt. Theo nghiên cứu thì cứ năm người dùng thuốc ổn định huyết áp thì có một người bị ho khan. Vì vậy, nếu nghi ngờ thuốc điều trị tăng huyết áp làm bạn bị ho thì hãy nhờ bác sĩ đổi thuốc khác.
Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân làm bạn ho kéo dài, không chỉ cảm cúm nên nếu cơn ho không dứt sau một tuần thì chúng ta nên đến bác sĩ để kiểm tra và điều trị.