Đau đầu căng thẳng là một dạng đau đầu thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ từ 80 – 90% trong bệnh lý đau đầu.
Người hay bị đau đầu dễ bị cáu gắt, bực bội, mệt mỏi, kém ăn và suy giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và công việc hằng ngày. Đau đầu căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và không đạt hiệu quả trong công việc.
Vì sao chúng ta bị đau đầu căng thẳng?
Bệnh lý đau đầu căng thẳng thường khởi phát sau giai đoạn bị kích thích về tâm lý, mệt mỏi, hoặc trầm cảm. “Đau đầu căng thẳng” là thuật ngữ chung cho ba dạng: đau đầu do căng thẳng, đau đầu do co cơ và đau đầu do căn nguyên tâm lý. Cơn đau đầu khá đa dạng, có thể thay đổi từ những cơn đau ngắn và thưa thớt sang những cơn đau dữ dội, kéo dài và xuất hiện mỗi ngày.
Trước đây, y học cho rằng đau đầu căng thẳng là do sự kéo căng liên tục các cơ quanh sọ bắt nguồn từ nguyên nhân xúc động mạnh, stress hoặc do cơ thể tự phản ứng với chính cơn đau đầu của mình.
Ngày nay, các nhà khoa học đã xác định rằng chứng đau đầu này không liên quan trực tiếp đến sự co cơ, mà nguyên nhân chính là do sự thay đổi bất thường của ngưỡng nhạy cảm đau ở các tế bào neuron thần kinh về cảm giác. Ngoài cơn đau bên trong đầu, người bệnh còn hay gặp hiện tượng “độ nhạy ấn đau” – đau bên ngoài da đầu.
Đau đầu căng thẳng từng cơn có thể xuất hiện bất chợt (không quá một lần mỗi tháng) hoặc thường xuyên (từ 2-15 lần/tháng). Cơn đau thường không có tiền triệu, cũng không đau giật kiểu mạch đập như đau nửa đầu migraine. Cảm giác đau giống như đầu bị bóp siết, đè nén, cơn đau chỉ từ nhẹ đến trung bình chứ không đau nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn, buồn nôn nhẹ và hay bị rối loạn giấc ngủ hơn người bình thường.
Đa số bệnh nhân than đau cả hai bên đầu, đôi khi cơn đau lại xuất hiện ở vùng trán, thái dương, chẩm, đỉnh và cảm giác khó chịu ở vùng cổ – hàm. Bệnh nhân còn hay nghe tiếng kêu trong khớp thái dương hàm, cảm thấy đau khi mở hàm hết cỡ hay khi sờ ấn là dấu hiệu của rối loạn chức năng hàm dưới kèm theo.
Có khoảng từ 10 – 20% bệnh nhân bị đau nửa đầu, bác sĩ khó chẩn đoán được liệu họ đau đầu căng thẳng mãn tính hằng ngày hay đau nửa đầu dạng migraine. Vì triệu chứng “độ nhạy ấn đau” đều gặp ở cả hai dạng đau đầu nói trên. Triệu chứng này nặng nhất ở vị trí cơn đau đầu và có thể kéo dài sau khi cơn đau đầu đã chấm dứt.
Nhiều bệnh nhân bị đau đầu có những biểu hiện trầm cảm, rối loạn tâm lý, tâm thần nhưng đau đầu chưa hẳn là hệ quả của trầm cảm.
Đau nửa đầu migraine và trầm cảm có mối quan hệ qua lại, tức là migraine làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn trầm cảm mới còn trầm cảm báo hiệu sẽ xuất hiện migraine. Còn đau đầu dạng căng thẳng có thể là nguyên nhân chứ không phải hệ quả của trầm cảm hoặc trầm cảm và đau đầu mãn tính tồn tại cùng lúc.
Nếu trước khi xuất hiện đau đầu dạng căng thẳng, bệnh nhân thường trải qua những vấn đề căng thẳng trong cuộc sống thì đây có thể là phản ứng sinh học thái quá của cơ thể đối với môi trường.
Điều trị không dùng thuốc để tránh đau đầu nặng thêm
Vì đau đầu dạng căng thẳng rất phổ biến và thường không có triệu chứng nghiêm trọng kèm theo nên người bệnh hay tự điều trị bằng thuốc giảm đau chứ ít khi đến bác sĩ. Vì vậy, người bị đau đầu căng thẳng hay lạm dụng các thuốc giảm đau, dẫn đến những cơn đau đầu nặng nề hơn do tác dụng ngược trở lại của thuốc hoặc do lệ thuộc thuốc giảm đau. Cách điều trị hiệu quả nhất là sử dụng tâm sinh lý liệu pháp, vật lý liệu pháp và hóa dược liệu pháp.
Bác sĩ cũng thường điều trị phòng ngừa đau đầu căng thẳng bằng thuốc chống trầm cảm để giúp giảm tần suất và độ nặng của các cơn đau nhưng y học hiện đại khuyến cáo rằng phương pháp điều trị này có thể dẫn đến hiện tượng lệ thuộc vào thuốc. Vì vậy, bác sĩ nên cân nhắc với các biện pháp điều trị không dùng thuốc, chỉ tập sống lành mạnh mỗi ngày như: ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, bỏ rượu bia…
Can thiệp hành vi – nhận thức, như chương trình kiểm soát stress, có thể làm giảm đáng kể chứng đau đầu căng thẳng. Liệu pháp này có thể thực hiện độc lập hoặc kết hợp với các liệu pháp thư giãn mỗi ngày.
Vật lý liệu pháp bao gồm các các phương pháp khá đơn giản như: chườm khăn nóng, khăn lạnh, châm cứu, massage, yoga và thiền cũng cho thấy những hiệu quả đáng kể trong điều trị các chứng đau đầu nói chung.