“Turn Off the Sunshine!” (Hãy tắt ánh nắng mặt trời). Câu nói truyền miệng này cho thấy tại sao bóng râm đang là biểu tượng cho ưu thế kinh tế của người giàu tại thành phố Los Angeles thuộc bang California của nước Mỹ.
Trong khi người giàu dồi dào bóng mát và điều hoà nhiệt độ thì người nghèo đamg thiếu thốn chúng một cách nghiêm trọng, ngay cả khi họ đứng chờ xe buýt. Tôi đã cảm nhận được thực tế này lúc trở lại thăm thành phố sau khi từ San Jose đáp máy bay xuống phi trường nhỏ John Way ở Santa Ana.
Khi bóng râm trở thành đặc sản của nhà giàu
Bóng râm (shade) tại Los Angeles là “giao lộ” của hai cuộc khủng hoảng: biến đổi khí hậu và bất bình đẳng thu nhập. Tôi quay lại thành phố này khi chính quyền đang chạy đua phủ bóng mát cho hàng trăm trạm chờ xe buýt và trồng hơn 90.000 cây xanh. Thành phố thiếu bóng mát đến nỗi, ngay cả biển chỉ đường nay có thêm nhiệm vụ là tạo bóng râm cho những hành khách tại một trạm ngừng xe buýt ở khu dân cư nghèo Jefferson Park.
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy sắp kết thúc trận chiến bóng mát, một “biểu tượng đặc quyền” của người giàu. Những chiếc xe Tesla đắt tiền trốn nắng tuyệt hảo gây tắc nghẽn những con đường cao tốc (freeway). Các gia đình giàu có tranh giành một chỗ tốt cho con cháu họ trong các trường mẫu giáo đẳng cấp mà người nghèo không với tới. Và khu siêu giàu trên sườn đồi Bel-Air, nơi mỗi cơ ngơi rộng lớn đang có giá thị trường kỷ lục 225 triệu USD, không thiếu cây xanh nằm dọc mọi con đường, giúp giảm mạnh nhiệt độ gay gắt vào mùa nóng.
Một người bạn bán quán ăn tại Chinatown gần phở Hoà nói với tôi chính quyền đã xác định được những con đường nóng nhất của thành phố có nhiều người sử dụng phương tiện công cộng và đang cấp tập che nắng cho 750 trạm dừng xe buýt bằng mái che, dù chuyên dụng hay trồng cây kế bên. Bạn cho biết lần đầu tiên thành phố tuyển một chuyên viên lâm nghiệp – đó là bà Rachel Malarich – để phụ trách một kế hoạch tham vọng: trồng xong 90.000 cây lớn có độ phủ bóng râm cao tại những điểm nhiều nắng vào năm 2021.
Một số cây cọ, biểu tượng của “thành phố mặt trời” một thời, sẽ được thay bằng những cây khác có độ phủ cao hơn. “Có một điều ít ai ngờ: bóng râm là một vấn đề mới của bất bình đẳng kinh tế” – thị trưởng Eric M. Garcetti nhận định tại một hội nghị về thay đổi khí hậu, nơi các chuyên viên đến để đóng góp ý kiến cho thành phố. Hội nghị tổ chức vào một ngày nóng bức tại South Los Angeles.
Nhiều sáng kiến đã được đưa ra, kể cả tăng thêm bóng mát cho những con đường. “Lấy ví dụ một cụ già phải dựa vào hệ thống chuyên chở công cộng để đi lại – thị trưởng nói sau khi tham gia trồng một cây xanh – Và hãy tưởng tượng bà cụ phải đứng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt vào tháng 7 để chờ xe buýt với hơi nhựa trên đường bay vào mặt!”.
Lái xe qua Los Angeles rộng lớn bạn sẽ thấy rõ sự cách biệt giàu nghèo về… bóng râm! Những khu dân cư giàu có như Bel-Air hay Beverly Hills đều rợp bóng cây, còn tại những khu dân cư nghèo như South Los Angeles, tôi nhìn thấy những người nghèo chờ đợi xe buýt với nét mặt căng thẳng như muốn thoát ra khỏi cái nóng gay gắt càng nhanh càng tốt. Tại khu phố Tầu cũng thế. Có người tìm bóng râm dưới tấm biển dừng xe, dưới chiếc dù của người bán hàng hay dưới mái hiên của một cửa hiệu.
Nhưng không phải khi nào họ cũng may mắn như thế. Thậm chí, người này ăn theo cái bóng của người kia. Tháng 10 qua, khi Los Angeles bị cái nóng kỷ lục hoành hành từ nhiều năm nay, gió mạnh thổi từ các ngọn đồi và thung lũng đã đẩy nhanh thảm hoạ cháy rừng khiến nhiều người phải rời bỏ ngôi nhà xinh đẹp của họ. Lúc đó, những con đường tại South Los Angeles chịu cái nóng kỷ lục.
Tôi đi đến góc đường Sixth Avenue và Jefferson Boulevard nằm giữa trường tiểu học Sixth Avenue Elementary School và chợ Lupita’s Market, một phụ nữ chuyên giúp học sinh qua đường cố thu mình dưới bóng râm của cột đèn đường. Đây có lẽ là nơi duy nhất bà tìm được sự thoải mái lúc nhiệt độ đã vượt quá 30oC. “Trời nóng khủng khiếp – bà than thở với chai nước lọc cầm trên tay – Tìm được một bóng râm là điều không đơn giản. Thấy ở đâu có bóng râm là tôi chạy đến”.
Cái chết của một biểu tượng
Từ xưa, người ta thường nói, mặt trời là “sức hút” của Los Angeles, nhưng vào thời điểm này, bóng râm mới là loại “hàng hoá” mà thành phố đang rất cần khi cuộc khủng hoảng khí hậu và bất bình đẳng thu nhập ngày càng lộ rõ. Chính quyền thành phố không còn quảng bá cho ánh nắng mặt trời như xưa để thu hút du khách hoặc các nhà đầu tư. Thay vào đó là tìm cách che bớt ánh nắng để đối phó với hai cuộc khủng hoảng: thay đổi khí hậu và cách biệt thu nhập.
Ánh nắng mặt trời từng là “món đặc sản” của Los Angeles. Nhiều người Mỹ và người nước ngoài tìm đến thành phố cũng vì sức hấp dẫn của nó. Theo các sử gia, “món đặc sản” này được quảng bá mạnh nhất vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 20 trùng hợp với lúc Los Angeles đang ở trong giai đoạn bùng nổ tăng trưởng. Phòng Thương mại thành phố chịu trách nhiệm quảng bá ánh nắng mặt trời qua các tờ rơi và sách báo, trong đói khắc hoạ Southern California là “thiên đường của ánh nắng mặt trời” mà không nơi nào sánh được! Chiến dịch tiếp thị này thành công vang dội đã giúp Los Angeles hoá thân thành một siêu đô thị lớn.
“Người ta đổ xô về thành phố để tìm ánh nắng – Christopher Hawthorne, người phụ trách quy hoạch và thiết kế đô thị của thành phố (một chức danh mới được lập vào năm 2018) nhận định – Lúc đó chúng tôi bán ánh nắng mặt trời như một loại hàng hoá”. Rồi thế giới ấm dần lên, cái nóng gay gắt và ánh nắng mặt trời trở thành gánh nặng, các nhà qui hoạch đô thị bắt đầu nghĩ đến bóng râm và tầm quan trọng của nó. Cuộc truy tìm và tạo dựng bóng râm cũng bắt đầu với lợi thế thuộc về giới giàu có và các khu nhà giàu.
Nhà văn Sam Bloch trong bài viết đăng trên tờ Places Journal về Los Angeles, đã gọi “bóng râm là chỉ số của sự bất bình đẳng” (index of inequality), là “yếu tố quan trọng cho sức khoẻ công đồng” và là “cơn đau đầu của những người phụ trách qui hoạch đô thị”. Ông Hawthorne, một cây bút kỳ cựu về kiến trúc và qui hoạch đô thị của tờ The Los Angeles Times, đã bỏ ra nhiều năm suy nghĩ về các không gian công cộng của thành phố và ông đã phát hiện ra bóng râm còn là “thước đo của sự bất bình đẳng”.
Nói về chủ đề này, ông thường nhắc lại cuốn truyện ngắn có tựa Turn Off the Sunshine xuất bản năm 1942 nói về Los Angeles của nhà văn Timothy Turner. “Hôm nay, tựa sách này vẫn còn nguyên giá trị – ông nhận định tại hội nghị phát động chiến dịch trồng cây do thị trưởng Garcetti chủ trì – Người dân Los Angeles thường ao ước ‘turn off the sunshine’. Số lần như thế tăng dần sau từng năm” – ông nói.
Trong một cuộc phỏng vấn, Hawthorne tâm sự: “Chúng ta có rất nhiều dự án phủ bóng râm, nhưng thành thật mà nói, chúng được triển khái không công bằng và lợi thế luôn thuộc về các cộng đồng giàu có. Với tiền bạc rủng rỉnh, họ mua bóng mát rất dễ dàng, trong khi người nghèo cần có sự giúp đỡ của chính quyền và các nhà hảo tâm mới có được nó”. Các nhà giàu (gọi chung là Angelenos) có thu nhập cao đi đâu cũng ngồi trong xe hơi điều hoà không khí, để xe buýt và lề đường trơ trụi cho những người thu nhập thấp.
Chạy đua với thời gian
Nêu lên ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, Hawthorne nói: “Thành phố Los Angeles ít thân thiện với người đi bộ hơn lúc tôi đến đây vào năm 2004. Ánh nắng mặt trời đang chống lại họ”. Hawthorne hiện đi tiên phong trong nỗ lực phủ bóng râm cho gần 750 trạm dừng xe buýt. Ông cho thu thập dữ liệu về các điểm nóng nhất của thành phố và phát hiện ra những trạm xe buýt có đông khách chiếm con số không nhỏ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học U.C.L.A. tiên đoán Los Angeles đang gia tăng đáng kể số ngày rất nóng trong một năm, tức từ 95 độ F trở lên.
Downtown Los Angeles đã có 7 ngày rất nóng trong năm 2018. Dự báo sẽ tăng lên 22 vào năm 2050 và 50 ngày vào cuối thế kỷ 21 (dĩ nhiên, không cần tăng quá 95 độ F người nghèo đã khốn đốn). Giống Hawthorne, bà Rachel Malarich đặt ưu tiên hàng đầu là mang bóng râm đến các cộng đồng nghèo, đặc biệt là ơ ãhai khu vực South Los Angeles và East Los Angeles. Trồng thêm nhiều cây xanh là giải pháp chủ lực. “Việc tiếp cận với bóng mát phải bình đẳng giữa mọi cộng đồng. Tôi không muốn nơi này có nhiều cây phủ bóng mát hơn nơi kia. Cây lớn cần được đưa đến các cộng đồng yếu thế hơn về kinh tế” – bà nói.
Tuy nhiên, một số cộng đồng từng bị thành phố bỏ quên than phiền là chính quyền thường ít quan tâm đến việc mé nhánh những cây lớn khiến nó trở thành rắc rối cho họ do thường gây tai nạn. Ngoài ra, trong quá khứ, thành phố có tư duy “trồng càng ít cây lớn, ít tạo ra chỗ ẩn náu” tại những khu dân cư nổi tiếng về buôn bán ma tuý và bạo lực súng ống.
Tại hội nghị, bà Malarich dẫn chứng bằng bản đồ cây xanh thành phố cho thấy các khu vực giàu có ở West Los Angeles và Los Feliz rợp bóng cây xanh với hơn 35% diện tích mặt đất được phủ. Trái lại, tại South Los Angeles, cây xanh chỉ chiếm từ 10-12%. Theo bà, cây xanh còn là một vấn đề y tế cộng đồng khi các nghiên cứu cho thấy cộng đồng nào càng nhiều cây xanh càng có tỉ lệ bị suyễn thấp.
Số người nhập viện vào cao điểm “sóng nhiệt” không nhiều, sức khoẻ tâm thần được cải thiện so với các cộng đồng ít cây xanh. “Vì vậy, chúng ta cần đưa bóng mát cây xanh đến mọi cộng đồng. Tất cả mọi người dân đều xứng đáng được tạo cơ hội để hưởng lợi ích của nó. Los Angeles, với nhiều vùng khí hậu khác nhau có thể trồng được vô số loại cây” – bà Malarich vừa nói vừa giở những cuốn sánh như A Californian’s Guide to the Trees Among Us.