‘Theo đuổi những phiền toái’ là tên triển lãm mỹ thuật sẽ diễn ra từ 9-12 đến 26-12 tại Rei Bar & Artspace (371/4 Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM) của họa sĩ ng. anhanh.
ng. anhanh là nhà thơ, có tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Anh, sinh 1984 tại Sài Gòn. Cô đã sáng tác thơ được hơn 15 năm với các bút hiệu Tiểu Anh, Anh Anh…, và đã in một tập thơ song ngữ Đã là một phiền toái (2019) với bút hiệu ng. anhanh – bút hiệu không viết hoa. Hiện cô sống cùng chồng và con trai tại Sài Gòn.
Có thể nói ng. anhanh là một trường hợp “đẻ ngang hông” của làng mỹ thuật, vì bản thân trước đây không có ý định vẽ tranh, dù có một thời gian ngắn qua xưởng họa sĩ Lương Lưu Biên học vẽ. Thế nhưng ng. anhanh tự nhận là hơi lười nhác, thường chỉ vẽ chơi chơi.
Nhưng những tháng bị giãn cách vừa rồi, cô đã vẽ rất nhiều. Khi được hỏi vì sao vẽ nhiều như vậy? ng. anhanh trả lời vui vui: “Em vẽ để bớt điên. Vì khi vẽ em thấy mọi thứ nó thoát ra ngoài, nhẹ đầu, khác hẳn khi làm thơ, mọi thứ nó vận vào trong, thấy hơi nặng nề”.
“Những bức tranh này được vẽ trong thời gian Sài Gòn lockdown, trong khoảng thời gian thật sự kinh khủng, tôi vừa muốn nói lên những cảm xúc lúc đó, vừa muốn lánh xa chúng, và thế là tôi bắt đầu bằng bộ tuýp acrylic mà chồng tôi mua về, nhưng không sử dụng. Cứ thế sự dẫn nhập, chạy trốn, theo đuổi liên tiếp diễn ra như một vòng lặp”.
ng. anhanh chia sẻ thêm: “Từng mơ hồ giữa việc nghệ thuật là phương tiện giải quyết những rắc rối đời sống, những phiền toái của cảm xúc, hoặc chính những thứ từng được cho là phiền toái lại là điều kiện cần để dẫn nhập vào nghệ thuật. Nó không còn chỉ là một phương tiện để giải tỏa như lầm tưởng của bản thân ban đầu, mà trở thành một đích đến cho sự chỉn chu và nghiêm túc”.
“Dần dần chúng từ lúc là phương tiện giải quyết phiền toái trở thành một sự phiền toái đầy mời gọi, con đường này cũng có thể ví như Alice lạc vào xứ sở thần tiên, đầy mộng mị, hồ nghi, rắc rối và hấp dẫn của sự trưởng thành về tâm thức”.
“Ai cũng một lần trong đời muốn tự mình vẽ nên một bức tranh và tôi cũng nằm trong số đông đó, nhưng tôi chưa từng có tham vọng trở thành một họa sĩ. Nếu như đối với tôi thơ văn, chữ nghĩa là thứ “đi vào” vận vào người thì hội họa – ngôn ngữ hình ảnh, màu sắc lại là thứ “giải tỏa”.
“Tuy thơ và hội họa mục đích ban đầu của tôi khi đến với chúng chỉ là những phương tiện để giải tỏa cảm xúc cá nhân, nhưng tôi không muốn sử dụng chúng như một sự hời hợt, bỡn cợt, xuề xòa. Từ đó nó trở thành một cuộc theo đuổi nghệ thuật lúc nào không rõ”.
Theo đuổi những phiền toái giới thiệu 15 bức tranh lần đầu ra mắt công chúng của ng. anhanh.